| Hotline: 0983.970.780

Chiến lược phát triển thủy lợi miền núi phía Bắc

Kiện toàn các tổ quản lý, hợp tác xã thủy nông

Thứ Hai 13/11/2023 , 14:59 (GMT+7)

HÀ GIANG Địa hình núi dốc, nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ, nhân lực mỏng, thiếu trình độ chuyên môn khiến công tác quản lý công trình thủy lợi ở Hà Giang gặp lúng túng.

Vấn đề thiếu nguồn nhân lực có chuyên ngành thủy lợi gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành của ngành thủy lợi Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Vấn đề thiếu nguồn nhân lực có chuyên ngành thủy lợi gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành của ngành thủy lợi Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay toàn tỉnh Hà Giang có 4.360 công trình thủy lợi, trong đó có 59 hồ chứa, còn lại là các đập dâng vừa và nhỏ chuyển tiếp nước vào các kênh dẫn và một số kênh dẫn lấy nước trực tiếp từ các khe, mó nước dẫn thẳng nước vào khu tưới.

Một thực trạng gây nên khó khăn trong công tác quản lý vận hành những công trình thủy lợi ở Hà Giang đó là thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn. Bởi trong số 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thì chỉ có 2 huyện là Bắc Mê và huyện Đồng Văn là có cán bộ chuyên trách thủy lợi.

Các huyện, thành phố còn lại đội ngũ cán bộ phụ trách trong lĩnh vực thủy lợi tại địa phương còn thiếu về chuyên ngành, chủ yếu là cán bộ chuyên ngành khác thực hiện kiêm nhiệm, thường xuyên luân chuyển.

Ông Lê Anh Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Giang cho biết, đối chiếu với các quy định tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ thì 100% các tổ quản lý cấp xã không đáp ứng về năng lực để thực hiện quản lý, vận hành các công trình thủy lợi có quy mô lớn và vừa, các hồ chứa thủy lợi. Đó thực sự là một khó khăn, thách thức lớn mà ngành thủy lợi Hà Giang đang gặp phải.

Hà Giang là tỉnh có địa hình núi dốc, cánh đồng nhỏ hẹp, phần lớn là các công trình thủy lợi có quy mô vừa và nhỏ. Trong khi đó các quy định trong Luật Thủy lợi và Nghị định 67 của Chính phủ không có những quy định hay hướng dẫn cụ thể cho các địa phương khó khăn đặc thù như Hà Giang.

Trước thực trạng này, ngành NN-PTNT tỉnh Hà Giang đã và đang rà soát để tổ chức lại bộ máy tại cơ sở đảm bảo theo quy định. Hiện nay, những cơ sở quản lý các công trình nhỏ vẫn đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên với những công trình hồ chứa có dung tích trữ từ 50.000 m3 đến dưới 200.000 m3, quy định phải có 1 cán bộ có trình độ từ trung học phổ thông hoặc công nhân bậc 2 trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập. Điều này thực sự là thách thức tại nhiều địa phương của tỉnh.

Ở Hà Giang phần lớn là các công trình thủy lợi có quy mô nhỏ và vừa nên việc áp dụng các chính sách của Nhà nước gặp khó khăn. Ảnh: Đào Thanh.

Ở Hà Giang phần lớn là các công trình thủy lợi có quy mô nhỏ và vừa nên việc áp dụng các chính sách của Nhà nước gặp khó khăn. Ảnh: Đào Thanh.

Những năm qua, công tác quản lý vận hành các công trình thủy lợi ở Hà Giang chủ yếu dựa vào lực lượng ở cơ sở. Trong đó, Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh thực hiện quản lý 18 công trình thủy lợi trên địa bàn các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình. Đối với các huyện, thành phố, sau khi tiếp nhận công trình đều giao lại cho các xã, thị trấn quản lý. Tiếp đến mỗi xã, thị trấn đều thành lập tổ quản lý cấp xã, thị trấn.

Như đối với huyện Quang Bình, UBND huyện giao 14 HTX thủy nông chuyên thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thuỷ lợi và nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Thành viên của HTX do người sáng lập lựa chọn là những người nhiệt huyết, tự nguyện tham gia thành viên của HTX thông qua đại hội cổ đông.

Với huyện Đồng Văn, UBND huyện phân cấp cho UBND các xã quản lý. UBND xã thành lập tổ quản lý thủy nông cấp xã tại từng công trình sau đó xã giao lại cho các nhóm hộ được hưởng lợi trực tiếp bảo vệ, quản lý, vận hành.

Đối với huyện Xín Mần, UBND các xã thành lập tổ quản lý cấp xã, thành viên là những cán bộ công tác tại UBND xã được phân công phụ trách tổ viên. Sau đó mỗi công trình giao lại cho thôn, quản lý công trình là những người được nhân dân tín nhiệm…

Từ thực trạng này có thể thấy, công tác quản lý vận hành công trình thủy lợi ở Hà Giang còn nhiều khó khăn so với các quy định của Nhà nước. Dó đó, khi triển khai các quy định, các chính sách cần sự hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp với những địa phương có điều kiện thủy lợi đặc thù như Hà Giang. Nhằm hạn chế những khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý, vận hành và bảo vệ hiệu quả bền vững công trình thủy lợi.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Long An có thêm 2 điểm giao dịch ngân hàng tự động Autobank

Agribank Long An vừa đưa vào hoạt động 2 máy gửi rút tiền tự động Autobank (CDM) tại chi nhánh huyện Tân Hưng và Châu Thành, mang đến trải nghiệm ngân hàng số hiện đại.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.