| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn tăng đột biến doanh nghiệp xin đầu tư dự án thủy điện

Thứ Ba 16/11/2021 , 15:39 (GMT+7)

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có nhiều doanh nghiệp đến xin đăng ký làm công trình thủy điện, điều này đặt ra cho tỉnh Bắc Kạn phải đánh giá kỹ lưỡng.

Doanh nghiệp đăng ký làm thủy điện tăng cao đột biến

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 03 con sông là sông Cầu, sông Năng và sông Bắc Giang. Cùng với một số con suối tuy dòng chảy không lớn, nhưng lại duy trì lượng nước quanh năm, vì vậy Bắc Kạn có nhiều tiềm năng cho xây dựng, phát triển các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa.

Năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2461, phê duyệt Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Bắc Kạn gồm có 24 dự án với tổng công suất lắp máy 41,2MW. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phát triển thuỷ điện bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn công trình, hài hoà các lợi ích và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và sinh hoạt, Bắc Kạn đã loại khỏi quy hoạch 17 dự án có quy mô công suất nhỏ hơn 3MW không đảm bảo phù hợp các tiêu chuẩn theo quy định.

Nhà máy thủy điện Nặm Cắt. Ảnh: NT.

Nhà máy thủy điện Nặm Cắt. Ảnh: NT.

Tính đến năm 2020, tỉnh có 08 dự án thủy điện được quy hoạch, với tổng công suất lắp máy 37,2MW gồm các thủy điện: Tà Làng, Nặm Cắt, Thượng Ân, Thác Giềng 1, Thác Giềng 2, Pác Cáp, Sông Năng, Khuổi Nộc. (Trong đó có các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng là Tà Làng, Nặm Cắt và Thượng Ân)

Tuy nhiên, chỉ riêng năm 2021, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có tới 7 doanh nghiệp xin thực hiện 10 dự án thủy điện nhỏ ở các huyện: Pác Nặm, Bạch Thông, Na Rì, Chợ Mới, Ba Bể. Trong đó, có ba dự án đã trình UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư là thủy điện Nặm Cắt 2, thủy điện Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông); thủy điện Khuổi Thốc (huyện Na Rì) và thủy điện Pác Nặm (huyện Pác Nặm). Có sáu dự án đang xin ý kiến các ngành chuyên môn là thủy điện Khuổi Nộc 2, thủy điện Kim Lư (Na Rì); thủy điện Sông Cầu 2, thủy điện Sông Cầu 3 (Chợ Mới); thủy điện Công Bằng (Pác Nặm).

Có thể thấy rằng, số công trình thủy lợi được đăng ký vào tỉnh Bắc Kạn năm 2021 tăng cao đột biến (10 dự án), nhiều hơn cả số công trình của 10 năm từ 2010 – 2020 cộng lại (08 dự án)

Sông Cầu từng bị trơ đáy sau khi nhà máy thủy điện Thác Giiềng chạy thử vào cuối tháng 2/2021. Ảnh: NT.

Sông Cầu từng bị trơ đáy sau khi nhà máy thủy điện Thác Giiềng chạy thử vào cuối tháng 2/2021. Ảnh: NT.

Mở cửa đón đầu tư không đánh đổi môi trường

Hiện nay một số dự án thủy điện chỉ mới xây dựng hoàn thành cũng đã gây ra tác động môi trường rất lớn. Như thủy điện Thác Giềng 1, tại phường Xuất Hóa, T.P Bắc Kạn trong quá trình chạy thử, tích nước không theo quy trình, làm cho sông Cầu bị cạn kiệt. Thủy điện Pác Cáp (huyện Na Rì) có vùng ngập nước rộng gây ảnh hưởng tới đi lại của nhân dân, phát sinh nhiều khiếu nại, kiến nghị tập thể về đền bù, giải tỏa mặt bằng và mất sinh kế khi đất sản xuất ngập nước. Công ty Cổ phần thủy điện Sử Pán 1 cũng tự ý tác động hơn 3,3ha đất rừng sản xuất mà chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, chuyển đổi. Sau đó đơn vị này cũng đã bị Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn xử phạt 30 triệu đồng, buộc khôi phục lại tình trạng của diện tích đất rừng sản xuất trước khi vi phạm.

Mực nước sông Cầu đang ngày càng xuống thấp. Ảnh: NT.

Mực nước sông Cầu đang ngày càng xuống thấp. Ảnh: NT.

Để hạn chế tác hại về môi trường do việc đầu tư thủy điện có thể gây ra, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiến hành đánh giá toàn diện, tổng thể các tác động về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái và năng lực của nhà đầu tư và tính khả thi của các dự án đã đề xuất

Ông Trần Công Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn cho biết, tỉnh Bắc Kạn mở cửa đón nhà đầu tư, nhưng với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Vì vậy, tỉnh Bắc Kạn sẽ xem xét kỹ lưỡng từng dự án để bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.