- Con gây ra chuyện gì mà tày đình với chả tày chùa?
- Chuyện gì à? Chú Thanh nói với tao hết cả rồi.
- À, thì bố thừa tiền để đó chẳng tiêu. Còn con thì thiếu…
- Lương của mày, mày đã chẳng mang về nhà đồng nào. Mỗi tháng còn khuân của nhà đi hàng chục triệu, mà vẫn còn thiếu à?
- Bố có biết lương của con một tháng được bao nhiêu không? Hơn ba triệu bạc. Con chỉ tiêu 2 ngày là hết. Tháng nào con cũng phải xin của mẹ, của chị Tình, của anh Quỳnh. Tháng nào nhiều nhất thì được 2 ngàn đô. Tháng ít, chỉ ngàn đô hay hơn chục triệu đồng. Làm sao đủ được.
- Hàng ngàn công chức, viên chức ở tỉnh này, cũng như trên cả nước này, người ta cũng chỉ được ngần ấy lương, mà có ai kêu ca như mày đâu. Mày có biết, vì mày gây chuyện mà một người dân đã phải chịu oan không?
- Ôi dào. Án oan thiếu gì. Thêm một người oan nữa thì đã thấm vào đâu hả bố.
- Đừng láo. Mày lấy được bao nhiêu? Tiêu hết bao nhiêu rồi? Còn thì phải mang về đây.
- Cái đống phong bì ấy của bố, con đếm được 245 nghìn đô với 180 triệu đồng. Con đã tiêu hết số tiền Việt ấy với hai chục nghìn đô rồi. Nhưng con không đưa lại cho bố đâu. Bố có cho con số tiền ấy, thì có bằng số lẻ mà bố đã cho anh Quỳnh không?
- Thằng Quỳnh khác. Mày khác. Thằng Quỳnh, đưa cho nó một đồng thì còn nguyên một đồng. Còn mày, mày cứ vung tay rắc tiền bao lũ lêu lổng đó, thì đến núi cũng phải lở. Cứ mang về đây đã. Rồi khi mày biết tu chí làm ăn, thì đâu sẽ khắc có đó.
- Con không đưa. Nếu bố không cho con. Thì con sẽ nói với báo chí là chính con lấy số tiền đó. Con chấp nhận đi tù.
Hốt hoảng, ông Luyến vội hạ giọng:
- Được. Bố đồng ý cho con số tiền đó. Nhưng con phải mang về đây, để công an người ta lấy đó làm tang vật, đưa vào hồ sơ của vụ án đã. Rồi khi nào tang vật được trao lại cho người mất, thì mày sẽ lấy sau.
- Bố nói thì phải giữ lời đấy nhé. Nhưng mà để con cầm con đưa cho chú Thanh. Rồi khi xong việc, các chú ấy sẽ trao lại cho con.
- Thôi được. Kệ mẹ mày. Tao coi như không có số tiền ấy nữa là xong.
Sau mấy ngày bị tạm giữ, anh nông dân Trần Văn Thà bị tống đạt quyết định khởi tố bị can về hành vi “trộm cắp tài sản” và quyết định bắt tạm giam 4 tháng để phục vụ điều tra. Mặc anh kêu giời, thề sống thề chết là mình không trộm cắp của ai, chỉ nhặt được cái phong bì ấy ở ruộng ngô nhà mình, anh bị oan.
Nhưng lời kêu oan của anh chẳng được ai nghe. Anh bị dẫn về nhà. Sau mấy ngày biết tin chồng bị tạm giữ ở công an tỉnh mà không biết lý do vì sao, người vợ và 3 đứa con anh đang lo thắt ruột thì chợt thấy chồng bị công an áp giải về nhà, đọc lệnh khám xét chỗ ở. Việc khám xét có ông trưởng thôn và một người hàng xóm chứng kiến.
Người phụ trách nhóm công an lệnh cho 4 mẹ con không ai được rời khỏi nhà. Nhà anh ở cuối một con ngõ sâu hun hút. Đầu ngõ cũng bị hai người công an gác chặn, khiến “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trong lúc 4 mẹ con chị đứng dúm vào nhau, cùng hai nhân chứng chứng kiến tốp công an khám xét trong 3 gian nhà trên, thì một người công an nhẹ bước ra vườn.
Chừng mươi phút sau, anh ta trở vào. Sau hơn một tiếng đồng hồ khám nhà trên, không thu được gì. Nhóm công an tiếp tục khám xét nhà bếp, nhà vệ sinh, chuồng lợn, chuồng gà, rồi mở rộng ra đến vườn. Thấy một đống cành cây, bẹ chuối và rác rưởi được vun lại ở góc vườn, người phụ trách nhóm công an khám xét đó ra lệnh:
- Kéo các thứ ra.
Khi mấy cành cây bị kéo ra, một người công an bỗng reo lên:
- Đây rồi.
Và anh ta lôi từ trong cái đồng tả pí lù đó ra một cái túi vải màu xám. Miệng túi bị thắt chặt bằng một sợi dây. Người phụ trách ra lệnh tiếp:
- Mở túi ra.
Khi miệng túi được mở. Vợ con Thà cùng hai người làm chứng chết lặng, khi thấy người công an lôi từ lòng túi ra từng tập đô la, bày ngay xuống đất. Sau mấy phút há hốc mồm vì ngạc nhiên, Thà bật kêu thảm thiết:
- Ối giời ơi… ối giời cao đất dầy ơi… ối cha mẹ ơi… Những thứ này ở đâu ra… Có ai bỏ vào vườn nhà tôi… Để vu oan giá họa cho tôi…
Một người công an quát:
- Im đi. Những thứ này ở đâu ra, thì tự anh biết.
Số đô la đó được kiểm đếm ngay tại chỗ. Tất cả có 2.250 tờ, mỗi tờ có mệnh giá 100 đô la, thành 225.000 đô la. Trước đó, công an đã chụp ảnh tất cả cuộc khám xét, từ khi đọc lệnh, khám trong nhà chính, nhà bếp… cho đến vườn. Vị trí tìm thấy cái túi, cảnh người công an lôi túi ra khỏi đống cành cây, đổ những tập tiền đô la ra vườn. Cảnh kiểm đếm tiền…
Biên bản khám xét chỗ ở của Trần Văn Thà cũng được lập ngay tại chỗ, được người lập biên bản, người phụ trách cuộc khám xét, hai nhân chứng lần lượt ký tên. Khi người phụ trách cuộc khám xét đưa biên bản yêu cầu Thà ký, thì anh nhất định không ký. Thấy vậy, người đó bảo:
- Trong biên bản chỉ ghi là tìm thấy số tiền nghi là đô la. Chứ chưa kết luận đây có phải là đô la thật hay không. Muốn biết nó là đô la thật hay đô la giả, phải mang đi giám định. Biên bản cũng chỉ ghi là tìm thấy chúng tại vườn nhà anh, chứ không ghi là anh lấy. Muốn biết có phải anh lấy hay người khác lấy rồi đem giấu vào vườn nhà anh, thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ sau. Anh hãy đọc kỹ biên bản đi, xem có đúng như vậy không, rồi ký tên vào cho đủ thủ tục.
Nghe lời giải thích ấy, Thà đọc đi đọc lại biên bản hai ba lần, rồi mới run run tay ký vào tờ biên bản.
Trước khi đưa Thà lên xe về trại tạm giam, người phụ trách nhóm công an khám xét nhà bảo vợ Thà:
- Anh ấy sẽ bị tạm giam 4 tháng để phục vụ công tác điều tra, nơi tạm giam là trại tạm giam của công an tỉnh Đào Sơn. Chúng tôi đã gửi thông báo về UBND xã Tiền Phong. Chị được quyền gửi quà và quần áo, thuốc men vào thăm nuôi, mỗi tháng hai lần. (Còn nữa)