| Hotline: 0983.970.780

Đường vào thị trường Trung Quốc bị tắc, tôm hùm lao đao:

[Bài 2] - Mở 'sinh lộ'

Thứ Năm 24/10/2019 , 10:43 (GMT+7)

Để tôm hùm “đường đường chính chính” đi vào thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch cần phải thực hiện nhiều biện pháp.

Ngoài “siết” quy trình nuôi, ngành chức năng các địa phương còn đang khẩn trương hỗ trợ DN tham gia xuất khẩu (XK) đáp ứng các hồ sơ, thủ tục theo quy định của thị trường này.

Quy trình nuôi phải đảm bảo các yêu cầu

Có lẽ không địa phương nào “nóng ruột” trong việc quy hoạch lại vùng nuôi, hướng dẫn hộ nuôi tuân thủ quy trình theo hướng an toàn sinh học để tôm hùm đủ điều kiện đi vào thị trường Trung Quốc bằng tỉnh Phú Yên. Bởi, ở tỉnh này đang có vùng nuôi tôm hùm “hầm bà lằng” nhất khu vực Nam Trung bộ tại vịnh Xuân Đài.

Vịnh Xuân Đài được UBND tỉnh Phú Yên quy hoạch diện tích mặt nước biển nuôi tôm hùm là 747ha với khoảng 22.500 lồng nuôi (trung bình 1ha nuôi 30 lồng). Thực tế, hiện trên vịnh Xuân Đài đã có đến 1.440 bè với gần 83.748 lồng nuôi dẫn đến quá tải nghiêm trọng. Trong môi trường sống như thế này, tôm nuôi bị chết do ô nhiễm nguồn nước là điều khó tránh khỏi, đặc biệt tôm khó đảm bảo các tiêu chí về ATVSTP mà phía Trung Quốc đang yêu cầu nghiêm ngặt.

Vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu, Phú Yên) đang bị quá tải số lồng bè nuôi tôm hùm.

Do vậy, Phú Yên đang khẩn trương quy hoạch lại việc nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài, yêu cầu bảo đảm mật độ lồng nuôi không quá 60 lồng/ha theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT).

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, ngành chức năng tỉnh này đang tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản và các quy định quản lý mới trong nuôi trồng thủy sản, trong đó có các quy định hộ nuôi phải thực hiện đăng ký nuôi đối với nuôi thủy sản lồng bè và các đối tượng chủ lực, cam kết hoặc đăng ký chứng nhận nuôi trồng ATVSTP, đăng ký cấp phép nuôi biển.

“Đây là cơ sở để hướng đến chứng nhận tính pháp lý cho các vùng nuôi theo quy hoạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu về XK chính ngạch cho các sản phẩm thủy sản. Đồng thời vận động các DN, cơ sở thu mua xây dựng các chuỗi liên kết với các hộ nuôi để chủ động quản lý chất lượng và nguồn cung hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu để XK tôm hùm chính ngạch sang Trung Quốc và các nước khác”, ông Phương chia sẻ. 

Doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị lộ trình

Có thể nói, hiện các DN chuyên XK tôm hùm sang thị trường Trung Quốc bằng được tiểu ngạch đã qua rồi cái thời thong dong và phải có những bước chuẩn bị để đưa hàng vào thị trường này bằng đường chính ngạch.

Để sản phẩm được thuận lợi khi xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch, người nuôi phải tuân thủ hướng dẫn của ngành chức năng.

Theo đại diện 1 Cty chuyên xuất tôm hùm sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch ở Khánh Hòa, khi Trung Quốc chưa “siết” hàng hóa qua đường tiểu ngạch, mỗi ngày Cty này xuất tôm hùm sang Trung Quốc từ 5 - 6 chuyến hàng, tương đương 5 - 6 tấn tôm sống.

Việc xuất hàng qua đường tiểu ngạch hầu như không cần bất cứ giấy tờ gì. Việc thu mua, đóng hàng cũng không phức tạp. Cụ thể, tôm sau khi thu mua về chỉ cần được đóng hàng vào rổ, mỗi rổ chứa từ 2,8 - 3kg tôm, tôm sống nhờ luôn được sục khí oxy. Khi tôm được vận chuyển đến cửa khẩu Móng Cái, thay vì đi qua cửa khẩu, thì hàng được đi bằng đò theo đường biên vào tầm 1 - 2 giờ sáng để hạn chế việc bắt bớ. Chi phí cho mỗi chuyến đò chở 700 - 800 rổ tôm hùm mất khoảng 8 - 10 triệu đồng.

“Đi đò tầm 1 - 2 tiếng đồng hồ là hàng của mình đã có mặt ở Trung Quốc, nhờ đó hạn chế được lượng tôm chết. Tuy nhiên, muốn hàng được thong dong qua đường tiểu ngạch, mình phải thành thạo tiếng Trung để tạo quan hệ với người ở cửa khẩu Móng Cái, từ đó làm đầu mối giao dịch với người nhập biên để họ mua và nhập hàng của mình.

Thật ra, đi hàng bằng đường tiểu ngạch không lo về thủ tục giấy tờ, nhưng khổ về phần bắt bớ. Xuất khẩu hàng bằng đường chính ngạch thì đảm bảo giờ giấc, an toàn, nhưng khổ là thủ tục giấy tờ cần phải đầy đủ. Ngay cả rổ chứa tôm cũng bắt buộc phải có nhãn mác ghi rõ nguồn gốc xuất xứ”, người đại diện Cty bộc bạch.

Tôm hùm muốn XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc phải đảm bảo nhiều yêu cầu, nhất là về ATVSTP.

Theo ông Nguyễn Ngọc Việt, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa, hiện toàn tỉnh này có gần 50 DN chuyên thu mua và XK tôm hùm, ốc hương sang thị trường Trung Quốc. Để tháo gỡ khó khăn, vừa qua đơn vị đã tổ chức làm việc với 1 số DN để thông báo, hướng dẫn các DN hoàn thành các thủ tục theo quy định từ phía Trung Quốc để xuất hàng theo đường chính ngạch được thuận lợi.

“Đối với mặt hàng thủy sản, để xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, các DN phải có tên trong danh sách được phép XK do Nafiquad công nhận, từng lô hàng phải có chứng thư. Để được cấp chứng thư, các lô hàng phải lấy mẫu kiểm định các chỉ tiêu vi sinh và hóa học theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, trong đó yêu cầu rất nghiêm ngặt đối với các chỉ tiêu kháng sinh.

DN muốn XK tôm hùm bằng đường chính ngạch phải được ngành chức năng cấp mã cod XK; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, bao bì, nhãn mác, thông tin về sản phẩm truy xuất nguồn gốc…” ông Nguyễn Ngọc Việt, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

English Champion 2024 - Be Global, Tìm kiếm Nhà Vô Địch toàn quốc

Ngày 28/03/2024, English Champion - cuộc thi tiếng Anh học thuật do iSMART Education tổ chức với chủ đề 'Be Global' hứa hẹn mang đến những trải nghiệm bùng nổ.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất