| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện thành công của trái khóm Tân Phước

[Bài 2] - Người trồng khóm ‘sống khỏe’ nhờ liên kết

Thứ Năm 28/10/2021 , 08:27 (GMT+7)

Tiền Giang Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nông sản khó tiêu thụ. Tuy nhiên, nhờ việc liên kết giữa HTX và doanh nghiệp, người trồng khóm ở huyện Tân Phước (Tiền Giang) vẫn ‘sống khỏe’.

Chủ động liên kết doanh nghiệp, siêu thị

Sau đợt dịch Covid-19 phức tạp, mặc dù đã trở lại trạng thái bình thường mới nhưng thương lái thu mua nông sản vẫn rất hiếm, giá khóm trên thị trường nói chung vì thế cũng giảm theo do khó khăn đầu ra. Tuy nhiên, với những nông dân ở địa phương đã liên kết cùng HTX và doanh nghiệp canh tác theo chuỗi giá trị thì vẫn “sống khỏe”.

Bạt ngàn khóm Tân Phước trên vùng đất phèn chua, nhiễm mặn. Ảnh: Minh Sáng.

Bạt ngàn khóm Tân Phước trên vùng đất phèn chua, nhiễm mặn. Ảnh: Minh Sáng.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tân Phước, dịch Covid-19 khiến tình hình sản xuất và đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, giá khóm giảm chỉ còn 2.000 - 2.500 đồng/kg.

Hiện các địa phương đã trở về trạng thái bình thường mới nhưng việc tiêu thụ cũng còn hết sức khó khăn, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa như xã Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông…

Tuy nhiên, hầu hết HTX vẫn duy trì việc thu mua sản phẩm cho bà con xã viên và các hộ liên kết với giá ổn định, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Xã viên HTX khóm Tân Phước phấn khởi thu hoạch khóm. Ảnh: Minh Sáng.

Xã viên HTX khóm Tân Phước phấn khởi thu hoạch khóm. Ảnh: Minh Sáng.

Tiêu biểu có thể kể đến là HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Phước, với gần 52 xã viên cùng diện tích canh tác gần 100 ha, trung bình mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường từ 15 đến 20 tấn khóm. Nhờ hệ thống quản lý, liên doanh, liên kết với các công ty, doanh nghiệp, cho nên dù đợt dịch vừa qua, giá thị trường có giảm sâu nhưng HTX vẫn thu mua cho bà con với giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, cao hơn thị trường 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Anh Trần Tuấn Khải, Giám đốc HTX Tân Phước thăm hỏi, động viên thành viên liên kết với HTX. Ảnh: Minh Sáng.

Anh Trần Tuấn Khải, Giám đốc HTX Tân Phước thăm hỏi, động viên thành viên liên kết với HTX. Ảnh: Minh Sáng.

Anh Trần Tuấn Khải, Giám đốc HTX Tân Phước cho biết, nhận thấy địa phương có vùng nguyên liệu dồi dào, sản lượng khóm rất lớn nhưng tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Ngay từ khi thành lập, HTX đã chủ đồng tìm đến các doanh nghiệp để ký hợp đồng liên kết, trong đó có 35 chuỗi siêu thị của Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh, giúp HTX tiêu thụ trên 90% sản lượng, số lượng còn lại HTX phân phối qua các kênh online.

Sau dịch, HTX sẽ tiếp tục kết nối lại những đơn vị bị “đứt gãy” trong mùa dịch để tạo điều kiện thuận lợi đầu ra cho bà con. “Bên cạnh khóm, hiện HTX tiếp tục thỏa thuận với công ty Bách Hóa Xanh để đưa thêm nhiều mặt hàng nông sản khác như trứng gà, thanh long, chanh vào bán tại hệ thống của họ, phấn đấu tăng sản lượng nông sản cung cấp cho Bách Hóa Xanh trong thời gian tới. Đồng thời, HTX sẽ ký kết hợp đồng với 2 công ty chế biến khóm gọt để tiêu thụ khóm loại 2, 3 nâng cao giá trị sản phẩm”, anh Khải chia sẻ.

Tiếp sức chuỗi liên kết

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, hiện địa phương đã hình thành gần 95 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 80 mô hình với diện tích hơn 13.000 ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn, giá trị mỗi năm hơn 600 tỷ đồng. Chỉ tính riêng huyện Tân Phước đã có tới 9 HTX và 143 tổ hợp tác sản xuất khóm hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.

Ngoài khóm, Anh Trần Tuấn Khải, Giám đốc HTX Tân Phước còn giới thiệu những sản phẩm nổi bật khác tại địa phương. Ảnh: Minh Sáng.

Ngoài khóm, Anh Trần Tuấn Khải, Giám đốc HTX Tân Phước còn giới thiệu những sản phẩm nổi bật khác tại địa phương. Ảnh: Minh Sáng.

Nhằm tiếp sức cho các HTX, tổ hợp tác, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP. Theo đó, trong năm 2019 – 2020, Tiền Giang hỗ trợ 35 HTX nông nghiệp thực hiện 42 hạng mục đầu tư kết cấu hạ tầng, với tổng kinh phí 33 tỷ đồng gồm nhà kho, sân phơi, nhà sơ chế đóng gói, trụ sở làm việc, công trình nước sinh hoạt nông thôn, điện 3 pha...; giúp các HTX có trụ sở khang trang, rộng rãi, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động - việc làm.

Giám đốc HTX Tân Phước Trần Tuấn Khải phấn khởi chia sẻ: “HTX cũng được chọn là HTX điểm để thực hiện, các thành viên trong HTX tham gia chương trình đã được hỗ trợ miễn phí 10kg phân bón/hộ. Ngoài ra Sở NN-PTNT cũng đang có kế hoạch hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết như: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…”

Trao đổi với NNVN, ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: Trong đợt dịch Covid-19, việc liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa HTX với doanh nghiệp đã phát huy rất tốt hiệu quả. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ với những nội dung cụ thể như: Tư vấn liên kết; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; đào tạo nghề; hỗ trợ về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; chuyển giao, ứng dụng KHKT mới theo mô hình ứng dụng công nghệ cao…”.

Kho tập kết nông sản khang trang của HTX Tân Phước từ nguồn hỗ trợ của tỉnh. Ảnh: Minh Sáng.

Kho tập kết nông sản khang trang của HTX Tân Phước từ nguồn hỗ trợ của tỉnh. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Lập, việc cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, mà trực tiếp là nông dân.

Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững; khắc phục hạn chế của nền sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà hiện nay là tình trạng làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, mất cân đối cung - cầu, cũng như ứng dụng rộng rãi KHKT nông nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để giành những vụ mùa bội thu, vừa tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng thị trường.

“Tỉnh Tiền Giang tiếp tục định hướng các doanh nghiệp, HTX duy trì các hợp đồng liên kết tiêu thụ hiện có, đồng thời tìm kiếm thêm đối tác mới. Riêng các HTX chưa xây dựng được liên kết chuỗi ổn định, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh sẽ từng bước hỗ trợ xây dựng, tìm kiếm đối tác để có hợp đồng lâu dài, ổn định và bền vững”, ông Võ Văn Lập chia sẻ .

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Đấu giá sâm Ngọc Linh để xóa nhà tạm cho đồng bào Xơ Đăng

Hai củ sâm Ngọc Linh được đấu giá 238 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dùng để xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.