| Hotline: 0983.970.780

Đất Cửu Long giữa biến động thị trường:

Bài 2: Hợp tác xã- bệ đỡ của người trồng thanh long

Thứ Tư 13/07/2022 , 08:28 (GMT+7)

Trước những biến động bất lợi của thị trường và dịch bệnh Covid-19, một số HTX thanh long tại Long An đã khẳng định được vai trò to lớn của mình với các hội viên.

Câu chuyện của Tầm Vu và Thanh Phú Long

Tại vùng trồng thanh long huyện Châu Thành (Long An), ai cũng biết đến Hợp tác xã (HTX) thanh long Tầm Vu, một trong những HTX được ra đời khá sớm và làm ăn hiệu quả. Từ trung tâm TP.Tân An (Long An), chạy theo Tỉnh lộ 827 về xã Tầm Vu, dễ thấy những vườn thanh long chín đỏ rực hai bên đường, xen lẫn những ngôi nhà tầng được xây khang trang, rộng rãi.

Những vườn thanh long xen lẫn những nhà cao tầng, đường giao thông tại Long An. Ảnh:Trần Trung.

Những vườn thanh long xen lẫn những nhà cao tầng, đường giao thông tại Long An. Ảnh:Trần Trung.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trương Quang An nông dân trồng thanh long giỏi cấp tỉnh, đồng thời cũng là Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu cho biết: Được thành lập năm 2008, HTX ban đầu chỉ có 13 thành viên với diện tích 13 ha, vốn điều lệ 250 triệu đồng; đến nay có hơn 40 thành viên với diện tích hơn 50 ha và hàng trăm hộ liên kết. Phần lớn diện tích trồng thanh long của HTX đều theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Ông Trương Quang An bên vườn thanh long của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trương Quang An bên vườn thanh long của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Mới đây được chính quyền địa phương quan tâm, HTX còn đầu tư xây dựng nhà kho hơn 5.500 m2 để chế biến, đóng gói thanh long xuất khẩu; xây dựng kho lạnh bảo quản thanh long 500 tấn. Mỗi năm, hàng ngàn tấn thanh long được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó 50% xuất đi Trung Quốc, số còn lại xuất sang Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất… Nhờ đó mà doanh thu của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước.

Theo ông An, 2 năm gần đây, khi thị trường tiêu thụ thanh long lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc gặp trục trặc do liên quan tới dịch Covid-19, khiến người trồng thanh long điêu đứng, thì thành viên HTX Thanh long Tầm Vu vẫn làm ăn có lãi. Nhiều nơi thanh long phải bán với giá vài ngàn đồng/kg thì HTX Tầm Vu vẫn thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con.

HTX thu mua thanh long cho các thành viên và người dân tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

HTX thu mua thanh long cho các thành viên và người dân tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

“Từ khi ra đời đến nay, HTX luôn đảm bảo lợi ích hài hòa giữa HTX và thành viên tham gia, phía HTX có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư, vốn cho nhà vườn để trồng cây thanh long và thu mua sản phẩm khi thu hoạch. Về phía nhà vườn phải tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất GAP, đảm bảo trái thanh long đạt an toàn sinh học, không có dư lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật.

Đặc biệt, dù giá cả trái thanh long có dao động theo mùa, dịch bệnh tác động hay những biến động bất lợi của thị trường Trung Quốc thời gian gần đây nhưng từ lâu HTX đã ít phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mà đa dạng hóa thị trường, nâng chất lượng nông sản, xuất khẩu đi nhiều nước như châu Âu, Nhật, Hàn… Để cho thành viên yên tâm, HTX ký hợp đồng mua hết sản phẩm với giá sàn 10.000 đồng/kg, bảo đảm nông dân có lãi, khi giá thị trường cao hơn giá sàn, HTX sẽ mua cao hơn giá thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg”, ông An khẳng định.

Văn phòng SPS Việt Nam thăm cơ sở sản xuất của HTX. Ảnh: Trần Trung.

Văn phòng SPS Việt Nam thăm cơ sở sản xuất của HTX. Ảnh: Trần Trung.

Tương tự tại HTX Thanh Phú Long, hầu hết thành viên đã canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, một số hộ nâng cấp lên GlobalGAP, trước biến động của thị trường, ngay thời điểm xảy ra dịch Covid-19, từ HTX hàng đầu xuất khẩu, HTX mạnh dạn chuyển sang thị trường nội địa. Nhờ nắm bắt nhanh thị trường, hiện HTX là địa điểm tin cậy cung cấp thanh long cho hơn 2000 điểm của hàng Bách hóa xanh và có mặt tại hầu hết các siêu thị lớn nhỏ tại địa phương, giúp các thành viên yên tâm sản xuất, ổn định kinh tế.

Theo anh Nguyễn Văn Hoàng - Giám đốc HTX, nhiều năm qua, cây thanh long ruột đỏ mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho thành viên HTX và các nhà vườn tại địa phương. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi ha, người dân đạt lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng/năm. Tuy vậy, phần lớn đầu ra của loại nông sản này phụ thuộc vào thị trường một số nước. Một khi thị trường nước ngoài biến động, người dân không kịp trở tay sẽ dễ dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa. Điệp khúc “được mùa, mất giá” cứ làm khó nông dân. Thời gian gần đây, tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho tình hình xuất khẩu thanh long bấp bênh, cánh cửa xuất khẩu dần thu hẹp.

 HTX Thanh Phú Long chuẩn bị hàng xuất khẩu và thị trường nội địa. Ảnh: Trần Trung.

 HTX Thanh Phú Long chuẩn bị hàng xuất khẩu và thị trường nội địa. Ảnh: Trần Trung.

Sau nhiều năm gắn bó với cây thanh long ruột đỏ, chứng kiến không ít hộ dân vươn lên thoát nghèo từ cây trồng này nhưng trong lòng anh Hoàng vừa mừng cũng vừa lo: Không biết đến bao giờ người dân mới thôi lệ thuộc vào một số ít thị trường nước ngoài; có cách nào để nâng cao giá trị trái thanh long; làm sao để người tiêu dùng yên tâm dùng trái thanh long ngọt lành mà đảm bảo an toàn cho sức khỏe…? Từ những câu hỏi này, anh cho rằng, chỉ có cách làm chủ được thị trường nội địa mới là phương án tốt nhất để bảo đảm đầu ra hiệu quả cho nông sản.

Bên cạnh đó, nhằm giải bài toán ùn ứ nông sản, HTX Thanh Phú Long còn mạnh dạn đầu tư kho lạnh để trữ thanh long lại nếu thị trường “thừa hàng dội chợ”. "Tất cả hoạt động của HTX dựa trên tinh thần chia sẻ với bà con nông dân là chính. Xưa nay, các thành viên và nhà vườn đã giúp HTX có lợi nhiều, nay gặp khó khăn, phải chia sẻ lại với nhau, xích lại gần nhau hơn", anh Hoàng chia sẻ.

Những quả thanh long được chọn lựa kỹ lưỡng trước khi đưa vào thị trường. Ảnh: Trần Trung.

Những quả thanh long được chọn lựa kỹ lưỡng trước khi đưa vào thị trường. Ảnh: Trần Trung.

“Hiện tại, riêng ở tỉnh Long An có khoảng 10% HTX đã làm chủ được thị trường, trong đó, HTX thanh long Thanh Phú Long đang làm thị trường nội địa rất tốt, liên kết với siêu thị Big C và Bách hóa xanh thu mua ổn định thanh long cho bà con. Như mùa dịch vừa rồi, qua thống kê, mỗi ngày họ mua 20 tấn cho bà con, lúc này HTX vẫn xuất được trên 10 tấn, giá ổn định. Có thể nói HTX thanh long Tầm Vu và HTX Thanh Phú Long đang là những HTX đầu tàu tại địa phương và là địa điểm để các nơi khác đến học hỏi, nhân rộng, nâng tầm thanh long Châu Thành nói riêng, tỉnh Long An nói chung”, ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An đánh giá.

Không có chuyện chặt bỏ ồ ạt

Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Văn Khải, qua rà soát, thống kê ban đầu, trên địa bàn huyện hiện có hơn 8.900 ha trồng thanh long. So với cuối năm 2021 diện tích thanh long ở huyện đã giảm gần 200 ha. Số diện tích thanh long giảm nằm rải rác ở các xã trên địa bàn huyện. Trước tình hình giá cả thanh long bấp bênh, xuống thấp, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, dự báo diện tích trồng thanh long có khả năng tiếp tục giảm. "Diện tích thanh long đang có xu hướng giảm gần đây là có thật, nhưng không có chuyện người dân ồ ạt phá bỏ", ông Nguyễn Văn Khải khẳng định.

Người dân Long An cải tạo vườn thanh long già cỗi. Ảnh: Trần Trung.

Người dân Long An cải tạo vườn thanh long già cỗi. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Khải, số diện tích thanh long bị người dân chặt bỏ thời gian gần đây chủ yếu là vườn trồng thanh long đã già cỗi (7 đến 8 năm tuổi), năng suất, chất lượng trái cũng giảm nên người dân chặt bỏ để tái canh, phần rất nhỏ chuyển sang cây trồng khác.

Để phát triển bền vững, địa phương và ngành chức năng của tỉnh đang khuyến khích người trồng thanh long sản xuất theo quy trình sạch, nâng cao chất lượng, giá trị của trái thanh long để tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng với tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, địa phương sẽ tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh.

Canh tác Thanh long CNC theo tiêu chuẩn hữu cơ là giải pháp căn cơ cho cây thanh long địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Canh tác Thanh long CNC theo tiêu chuẩn hữu cơ là giải pháp căn cơ cho cây thanh long địa phương. Ảnh: Trần Trung.

“Các địa phương sẽ thống kê, nắm chắc diện tích sản xuất, số lượng người dân sản xuất thanh long, từ đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, tự phát,... từng bước nâng cao giá trị trái thanh long với mục tiêu chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Năm 2021, tổng diện tích thanh long toàn huyện được cấp giấy chứng nhận VietGAP là 715 ha với 1.094 hộ tham gia. Năm 2022, huyện tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường gắn ứng dụng khoa học và công nghệ mới, phát triển các hình thức sản xuất tập thể thành chuỗi sản xuất hàng hóa, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn”, ông Nguyễn Văn Khải nhấn mạnh.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.