| Hotline: 0983.970.780

Đất Cửu Long giữa biến động thị trường

Bài 1: Nông dân vẫn thủy chung với 'trái rồng'

Thứ Ba 12/07/2022 , 08:58 (GMT+7)

Do Covid-19, trái thanh long Việt Nam trải qua nhiều biến động, nhưng không thể phủ nhận chúng đã giúp nhiều nông dân đổi đời, và vì thế họ vẫn thủy chung loại cây này.

Xây biệt thự, tậu xe sang

Từ vùng chuyên canh lúa, nhờ cây thanh long, đời sống, thu nhập của người nông dân huyện Châu Thành tỉnh Long An ngày một khá hơn, không ít hộ đã có thể xây nhà, tậu xe.

Trong ngôi nhà mới khang trang, ông Nguyễn Văn Hôi (ngồi giữa) kể chúng tôi nghe câu chuyện làm giàu từ cây thanh long. Ảnh: Trần Trung.

Trong ngôi nhà mới khang trang, ông Nguyễn Văn Hôi (ngồi giữa) kể chúng tôi nghe câu chuyện làm giàu từ cây thanh long. Ảnh: Trần Trung.

Đến huyện Châu Thành những ngày này, nơi chuyên trồng thanh long với chất lượng đứng nhất nhì cả nước, chúng tôi choáng ngợp bởi những vườn thanh long ứng dụng công nghệ cao bạt ngàn được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đang đâm chồi nảy lộc sau thời gian tái thiết. Những chiếc xe máy cho đến xe ba gác, xe tải ngược xuôi chở đầy những trái thanh long căng tròn mọng nước ngược xuôi trên các tuyến đường bê tông nông thôn rộng thênh thang.

Ông Hôi trình bày quy trình và nhật ký sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Hôi trình bày quy trình và nhật ký sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ngồi trong ngôi nhà mới khang trang với nhiều tiện nghi vừa sắm mới, mái tóc pha sương, ông Nguyễn Văn Hôi (bí danh ông 10 Hôi) nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành hồ hởi kể về cuộc đời nông dân của mình. Trở lại hơn 10 năm trước, cũng trên 5 công đất (5000m2 đất) đang có, với lúa và hoa màu ông phải nai lưng quần quật quanh năm nhưng cũng chỉ đủ ăn. Sau nhiều lần suy nghĩ trăn trở, ông đã lặn lội ra tận tỉnh Bình Thuận học hỏi nghề trồng thanh long. Trở về, ông Hôi đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây thanh long ruột trắng và ruột đỏ.

Hơn 3 năm sau, ngay vụ đầu tiên, tuy giá cả còn bấp bênh, đầu ra chưa ổn định, nhưng ông vẫn kiếm được lời chút đỉnh. Điều đó đã tạo động lực để ông thay đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang VietGAP và GlobalGAP như bây giờ. Nhờ vậy, dần dà, thanh long của gia đình nói riêng, Châu Thành nói chung đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhiều nước chứ không chỉ thị trường Trung Quốc, lợi nhuận thu về cũng khá hơn, đời sống gia đình ông và nhiều gia đình khác ở đây đã có sự chuyển biến rõ nét.

Ông Hôi khoe vườn thanh long đúng chuẩn GlobalGAP của mình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Hôi khoe vườn thanh long đúng chuẩn GlobalGAP của mình. Ảnh: Trần Trung.

“Vụ thanh long này, chỉ với hơn 5 công đất nhưng sau khi trừ mọi chi phí, gia đình tôi vẫn lãi khoảng 150 triệu đồng. Để sản xuất thanh long có hiệu quả bền vững, tôi và bà con nơi đây vẫn đang nỗ lực xây dựng, khẳng định thương hiệu cho cây thanh long của địa phương mình”, ông Hôi phấn khởi nói.

Tương tự, chỉ với 3 công đất trồng thanh long, nhờ canh tác theo chuẩn GlobalGAP, toàn bộ sản phẩm thanh long của gia đình anh Đoàn Văn Lực ở gần đó được một công ty ở Cần Thơ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá trên 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đã đem lại lợi nhuận gần 100 triệu đồng.

Vườn thanh long GlobalGAP của anh Lực. Ảnh: Trần Trung.

Vườn thanh long GlobalGAP của anh Lực. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Lực, cũng từ thanh long mà gia đình anh mới có cơ ngơi như hôm nay, ngoài xây dựng nhà cửa khang trang anh còn còn mua được thêm xe, sắm sửa vật dụng gia đình. “Hồi đó làm lúa tôi cũng chỉ đủ ăn không có dư, từ ngày làm qua thanh long mới có dư. Dù 2 năm gần đây giá thanh long nhiều biến động nhưng gia đình tôi vẫn bền bỉ đeo bám, dù sao đi nữa, thu nhập từ cây thanh long vẫn cao hơn cây lúa gấp nhiều lần. Ai có bỏ cây thanh  long chứ tui chắc chắn vẫn thủy chung với cây này”, anh Lực chia sẻ.

Từ thành quả có được, ông Hồi, anh Lực còn sẵn lòng chia sẻ cho nhiều nông dân khác những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về trồng thanh long với mong muốn cùng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Chung tay thay đổi cách làm

Dẫn chúng tôi thăm vườn thanh long xanh mướt, nặng trĩu quả, ông Nguyễn Văn Hôi cho biết thêm, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn không phải dễ, đòi hỏi người trồng phải kiên trì theo đuổi. Bởi như trước đây khi canh tác thanh long truyền thống, nhà nông tự đưa ra quy trình chăm sóc, bón phân, thời vụ theo kiểu “nắng ngủ, mưa nghỉ, mát trời đi chơi”, thì làm theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP bắt buộc người trồng phải đảm bảo quy định về sử dụng phân, thuốc và đảm bảo thời gian cách ly đúng chuẩn. Đặc biệt, phải xây dựng được vùng đệm an toàn vì chỉ cần các hộ xung quanh canh tác không an toàn, các loại hóa chất theo đường nước, gió, không khí chạy sang vườn mình thì sản phẩm của mình cũng không đạt chuẩn, vì thế luôn đòi hỏi sự liên kết, tổ chức sản xuất đồng bộ, hiệu quả.

Hội quán Cầu Đôi địa chỉ đỏ để các thành viên cùng bàn chuyện phát triển KT-XH, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản. Ảnh: Trần Trung.

Hội quán Cầu Đôi địa chỉ đỏ để các thành viên cùng bàn chuyện phát triển KT-XH, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản. Ảnh: Trần Trung.

Xuất phát từ quan điểm đó, với sự tham vấn của ông Hôi, tháng 7/2019 hội quán Cầu Đôi, hội quán thanh long đầu tiên tại địa phương chính thức ra đời tại xã Thanh Phú Long. Sau 3 năm đi vào hoạt động từ 22 thành viên ban đầu, đến nay hội quán đã thu hút gần 87 thành viên tham gia. Ngoài giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hội quán còn là sân chơi bổ ích, thiết thực của nông dân.

Anh Phan Quốc Vinh chủ nhiệm hội quán chia sẻ, hội quán Cầu Đôi không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng để người dân “nói nhau nghe và nghe nhau nói”, nơi đây còn là địa chỉ đỏ để các thành viên cùng bàn chuyện phát triển KT-XH, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản. “Trong quá trình sinh hoạt, chúng tôi lồng ghép giới thiệu các loại phân hữu cơ vi sinh có mặt trên thị trường cho các thành viên lựa chọn sử dụng, kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP và các chủ trương của địa phương. Các thành viên cùng nhau trao đổi cách làm mới, hiệu quả, xem phim tư liệu, nghe nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm…”, anh Vinh nói.

Các thành viên hội quán chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật cắt tỉa cành thanh long già cỗi. Ảnh: Trần Trung.

Các thành viên hội quán chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật cắt tỉa cành thanh long già cỗi. Ảnh: Trần Trung.

Anh Đoàn Văn Lực, thành viên hội quán Cầu Đôi, bày tỏ: “Trong các cuộc sinh hoạt của hội quán, chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, mạnh dạn trao đổi với cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp để tiếp thu ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, cách tiếp cận thị trường trong sản xuất và xây dựng kế hoạch phát triển cho mình; đồng thời có điều kiện gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với chính quyền để đề xuất, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc”.

Chủ tịch hội nông dân xã An Lục Long Nguyễn Văn Hải cho biết, An Lục Long là xã nông nghiệp, trước đây 10 năm bà con chủ yếu trồng lúa, 10 năm trở lại đây bà con trồng chuyên canh thanh long. Bước đầu cây thanh long đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. 2 năm gần đây do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá thanh long xuống thấp khiến nhiều nhà vườn lo lắng. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền vận động bà con chăm sóc tốt theo hướng VietGAP, GlobalGAP.

“Chủ trương của huyện cũng như địa phương là quy hoạch 1 cây 1 con. Theo đó, chỉ tập trung phát triển cây thanh long là cây chủ lực, đối với những vườn già cỗi chúng tôi vận động bà con cải tạo trồng lại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, chính quyền địa phương sẵn sàng kêu gọi, mở cửa đón tiếp doanh nghiệp từ nơi khác đến địa phương thu mua, bao tiêu sản phẩm, đơn cử có công ty XNK tại Cần Thơ, họ đang kết hợp hội quán thu mua hết sản phẩm cho thành viên, hầu hết các thành viên đều sống khỏe bất chấp thị trường biến động”, ông Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh.

Những chiếc xe trở những sọt thanh long hữu cơ chuẩn bị xuất bến. Ảnh: Trần Trung.

Những chiếc xe trở những sọt thanh long hữu cơ chuẩn bị xuất bến. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Hải, cùng với hội quán, thời gian qua, địa phương đã vận động thành lập được trên 45 tổ hợp tác, HTX canh tác 645/1.300ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước như Nhật, Hàn, Australia, New Zealand… 

“Hướng tới đây, bên cạnh vận động bà con vào các hội quán, tổ hợp tác, HTX, chúng tôi còn mở các lớp dạy nghề ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng thanh long để nhà nhà trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, người người trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Có làm như vậy mới đáp ứng được thị trường, đưa quả thanh long hội nhập sâu rộng vào các nước trên thế giới, tiếp tục khẳng định vị thế thanh long là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế tại địa phương”, ông Nguyễn Văn Hải nói.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.