| Hotline: 0983.970.780

Giá dầu tăng cao, ngư dân miền Trung gặp khó

[Bài 2] Ngư dân Khánh Hòa than vãn nguy cơ thua lỗ

Thứ Bảy 26/02/2022 , 08:24 (GMT+7)

Cũng như Bình Thuận, các tàu khai thác hải sản ở Khánh Hòa đang gặp khó vươn khơi khi giá dầu tăng mạnh bởi nguy cơ thua lỗ.

Chi phí tăng mạnh

Chúng tôi có mặt tại cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) chứng kiến trước mặt cảng này rất nhiều tàu cá đang neo đậu. Những tàu này chủ yếu hành nghề giã cào vùng khơi xa khoảng 100 hải lý và một số tàu hành nghề lưới rê.

Ngư dân cho biết, việc giá dầu tăng đã đẩy chi phí chuyến biển tăng cao, nguy cơ thua lỗ. Ảnh: Minh Hậu.

Ngư dân cho biết, việc giá dầu tăng đã đẩy chi phí chuyến biển tăng cao, nguy cơ thua lỗ. Ảnh: Minh Hậu.

Đang loay hoay bốc đá và tiếp nguyên liệu cho đôi tàu hoạt động nghề giã cào, ngư dân Nguyễn Văn Tý, ở xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, cho biết, thời tiết trên biển hiện bất lợi, gió thổi mạnh cộng với giá dầu tăng mạnh nên nhiều tàu giã cào quyết định nằm bờ.

Riêng đôi tàu của ngư dân Tý chuẩn bị vươn khơi vì đã nằm bờ lâu ngày. Thế nhưng với giá dầu hiện trên 21.000 đồng/lít đã khiến tổn phí cho chuyến biển của đôi tàu tặng mạnh.

Theo ngư dân Tý, để vươn khơi đánh bắt hải sản cho chuyến biển từ 10-15 ngày, đôi tàu này cần 1.000 cây đá, 14.000 lít dầu, cùng với lương thực, thực phẩm với tổng chi phí gần 400 triệu đồng. Trong khi trước đây khi giá dầu chưa tăng, dao động từ 16-18 ngàn đồng/lít thì tổn phí cho chuyến biển khoảng 300 triệu đồng.

Là một thuyền trưởng, ngư dân Tý lo ngại với tổn phí ở mức cao nên các tàu khó làm ăn và nguy cơ thua lỗ vì nguồn lợi hải sản bây giờ đã suy giảm mạnh.

“Mỗi chuyến biển đối với nghề giã cào khơi bây giờ đánh bắt trung bình được từ 30-40 tấn các loại, chủ yếu cá vụn (loại cá dành cho thức ăn trong nuôi trồng thủy sản). Trong khi giá cá không lên (bình quân bán khoảng 10.000 đồng/kg), giá dầu lại tăng mạnh nên tàu đánh bắt lợi nhuận thấp và khó đảm bảo đời sống cho bạn tàu”, ngư dân Tý than vãn.

Nhiều tàu neo đậu ở trước mặt cảng cá Hòn Rớ. Ảnh: Minh Hậu.

Nhiều tàu neo đậu ở trước mặt cảng cá Hòn Rớ. Ảnh: Minh Hậu.

Cách đôi tàu của ngư dân Tý không xa, đôi tàu giã cào của ngư dân Đặng Văn Lập, ở xã Vĩnh Lương cũng đang chuẩn bị nguyên vật liệu để vươn khơi trong nay mai.

Gặp chúng tôi ngư dân Lập kể, với giá dầu tăng mạnh hiện nay đã gây áp lực cho các tàu mỗi khi vươn khơi vì nguy cơ thu không đủ chi, thậm chí thua lỗ nặng. Như chuyến biển vừa cập cảng cách đây vài ngày đôi tàu của ông Lập đánh bắt được 45 tấn cá các loại được xem là trúng; doanh thu hơn 500 triệu đồng.

Tuy nhiên do giá dầu ở mức cao nên sau khi trừ chi phí, đôi tàu của ông chỉ lãi khoảng 100 triệu đồng. Sau khi ăn chia, 20 bạn tàu mỗi người chỉ được trên 2 triệu đồng, sau 15 ngày bám biển, rất bèo bọt.

“Nếu giá dầu cứ đà tăng lên nữa mà tàu đánh bắt không hiệu quả thì nguy cơ neo tàu hết. Khi đó đời sống của ngư dân càng chồng chất khó khăn”, ngư dân Lập nói.

Tàu săn cá ngừ đại dương đồng loạt vươn khơi

Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ cho biết, việc các tàu hành nghề giã cào đắn đo vươn biển trước giá dầu tăng cao là có cơ sở, vì nghề này tổn phí cho chuyến biển rất lớn. Ngoài ra, một số tàu lưới rê đang nằm bờ, ngoài thời tiết bất lợi, giá dầu tăng mạnh thì năm vừa rồi do các tàu này đánh bắt không hiệu quả. Cũng như sản lượng đánh bắt cá ngừ sọc dưa suy giảm, dao động từ 5-7 tấn cho chuyến biển từ 15 ngày trở lên. Nhưng giá thu mua cá lại không tăng theo kịp theo giá dầu nên có nhiều ngư dân bị thu lỗ.

Các tàu nằm bờ chủ yếu các tàu hành nghề giã cào. Ảnh: Minh Hậu.

Các tàu nằm bờ chủ yếu các tàu hành nghề giã cào. Ảnh: Minh Hậu.

Đối với các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương, theo ông Ba, hầu hết các tàu đều vươn khơi bám biển sau chuyến biển xuyên Tết.

Về vấn đề trên, ngư dân Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng xác nhận, dù giá dầu tăng nhưng ngư dân vẫn đi biển bởi đang vụ chính đánh bắt. Hơn nữa, giá cá hiện thu mua cũng ở mức cao, dao động từ 158-160 ngàn đồng/kg (loại 1) nên ngư dân sẽ cố gắng đánh bắt đạt sản lượng, cùng với đó bảo quản sản phẩm thật tốt để bù tổn phí do giá dầu tăng.

“Với giá dầu hiện tăng lên hơn 21.000 đồng/lít, nếu tàu đánh bắt được từ 1,5-2 tấn bà con vẫn kiếm ăn được. Nhưng những năm gần đây sản lượng đánh bắt cá ngừ của các tàu đều thấp, bình quân trên dưới 1 tấn cá nên dù trong vụ chính đánh, nhưng chỉ được 50% số tàu đánh bắt có lãi, còn 50% tàu lãi ít, huề vốn hoặc thu lỗ”, ông Phúc chia sẻ.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết, toàn tỉnh có 708 tàu đánh bắt xa bờ có 15m trở lên. Viêc giá dầu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều đến ngư dân bám biển. Vì để một chiếc tàu ra khơi hoạt động đánh bắt hải sản, chi phí nguyên liệu chiếm đến 70% tổn phí.

Thế nhưng đến mùa vụ đánh bắt cá ngừ, ngư dân vẫn phải bám biển đánh bắt để kiếm sống. Ngược lại đối với những nghề đánh bắt đã hết mùa cá thì ngư dân sẽ cân nhắc vươn khơi do chi phí tăng cao, các tàu không thể đi đại trà như mọi khi.

Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, việc giá dầu tăng đã ảnh hưởng lớn đến chi phí cho chuyến biến nhất là nhóm tàu đánh bắt xa bờ. Từ đó, dẫn đến hiệu quả kinh tế cho chuyến biển sẽ giảm xuống. Tuy nhiên việc tác động giá dầu làm ảnh hưởng đến những tàu đánh bắt xa bờ phải nằm bờ trên địa bàn tỉnh là chưa có. Thế nhưng với giá dầu hiện nay thì bà con mong muốn giá cá cũng phải được điều chỉnh lên mới cân bằng. Chẳng hạn như cá ngừ đại dương, giá phải lên 180 ngàn đồng/kg thì lúc đó mới cân bằng qua lại giữa giá dầu và giá cá. Còn hiện tại một chuyến biển kéo dài hơn 20 ngày tổn phí khoảng 140 triệu đồng nhưng sản lượng đánh bắt trên dưới 1 tấn/tàu. Với giá cá hiện trên 150 ngàn đồng/kg, các tàu đánh bắt cũng chỉ đủ tổn phí, không có lãi.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.