| Hotline: 0983.970.780

Giá dầu tăng cao, ngư dân miền Trung gặp khó

[Bài 1]-Ngư dân Bình Thuận đắn đo vươn khơi

Thứ Sáu 25/02/2022 , 14:40 (GMT+7)

Dầu là nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn chi phí mỗi chuyến vươn khơi, do vậy giá dầu tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của ngư dân.

Thời gian qua, giá dầu liên tục tăng cao đã khiến hàng loạt tàu đánh bắt hải sản của ngư dân Bình Thuận phải nằm bờ, nhiều ngư dân đắn đo không dám vươn khơi. Ngư dân Lê Văn Tiến, ở phường Phú Hài, TP. Phan Thiết cho biết, gia đình ông có tàu đánh bắt xa bờ, hoạt động nghề vây rút chì ở ngư trường Trường Sa.

Ngư dân cho rằng, giá dầu tăng cao khiến các tàu phải tính toán thật kỹ mới dám vươn khơi. Ảnh: KS.

Ngư dân cho rằng, giá dầu tăng cao khiến các tàu phải tính toán thật kỹ mới dám vươn khơi. Ảnh: KS.

Mỗi chuyến biến kéo dài hơn 20 ngày, tàu tiêu tốn từ 7.000-8.000 lít dầu. Với giá dầu hiện lên đến gần 21.000 đồng/lít, thì chỉ tính riêng chi phí mua dầu đã hết khoảng 145 -165 triệu đồng, tăng hơn 30% so với các chuyến biển trước. Trong khi đó, những năm gần đây, nguồn lợi hải sản ngày càng khan hiếm, giá thu mua cũng bấp bênh nên tàu vươn khơi thường rất đắn đo, nhất là khi giá dầu tăng mạnh thời gian qua.

“Hiện nhiều tàu đành nằm bờ vì giá dầu tăng mạnh, bà con sợ đánh bắt không đủ sản lượng để lấy lại tổn phí. Hơn nữa hiện thời tiết trên biển không thuận lợi, gió Bắc thổi mạnh nên cũng gây khó khăn cho tàu thuyền vươn khơi đánh bắt hải sản”, ông Tiến chia sẻ.

Ghi nhận chúng tôi tại khu vực trong và ngoài cảng cá Phan Thiết, hiện tàu thuyền neo đậu bờ dày đặc, ước đến hàng trăm tàu lớn nhỏ.

Trong số tàu trên có tàu mang số hiệu Bth 98115 TS, công suất 240 CV hoạt động nghề mành chà của ngư dân Lê Thanh Bá, ở phường Bình Hưng (TP Phan Thiết).

Ngư dân Bá cho biết, tàu của ông cũng như nhiều tàu khác ở đây đã nằm bờ nhiều ngày nay, trong khi mọi năm thời điểm này đã tấp nập vươn khơi. Nguyên nhân do thời tiết không thuận lợi, gió Bắc thổi mạnh, ngư trường vắng cá và việc tìm bạn tàu đi biển hiện cũng khó khăn.

Đặc biệt, giá dầu tăng mạnh càng khiến các chủ tàu phải tính toán thật kỹ lời lãi mới dám nhổ neo. Vì mỗi chuyến biển, chi phí nguyên liệu dầu chiếm hơn 50% tổn phí.

“Như tàu của tôi đi trung bình từ 3-4 ngày mất khoảng 20 triệu tiền dầu. Chuyến sau Tết tàu đi đánh bắt không hiệu quả, lại thấy giá dầu tăng cao nên khó lấy lại tổn phí thành ra neo tàu”, ông Bá chia sẻ.

Nhiều tàu cá đều phải đắn đó vươn khơi khi giá dầu tăng cao. Ảnh: KS.

Nhiều tàu cá đều phải đắn đó vươn khơi khi giá dầu tăng cao. Ảnh: KS.

Không chỉ các tàu cá Phan Thiết nằm bờ mà các tàu cá ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng vào cảng Phan Thiết neo đậu. Như đôi tàu giã cào của ngư dân Nguyễn Hữu Ngọ, ở xã Phước Tĩnh, huyện Long Điền đã neo đậu tại cảng hơn 3 ngày nay để tránh gió. Vì càng gió các tàu hoạt động sẽ tốn nguyên liệu hơn so với biển êm, cũng như hiệu quả khai thác.

Gặp chúng tôi, ngư dân Ngọ cho biết, với giá dầu hiện gần 21.000 đồng/lít thì các tàu đánh bắt hải sản chỉ cớ lỗ hoặc huề vốn, chứ kiếm lãi là rất khó.

Như đôi tàu của ngư dân Ngọ trước khi giá dầu chưa tăng mỗi ngày hao tổn khoảng 1.500 lít dầu, tương ứng từ 25-30 triệ đông. Nay giá dầu cứ liên tục tăng lên thì tàu ông buộc mỗi ngày phải đánh bắt với doanh thu khoảng 40 triệu mới đủ tổn cho tất cả chi phí. Trong khi đó, nguồn lợi ngày càng suy giảm, tàu trung bình chỉ đánh bắt khoảng 1 tấn cá các loại là cùng, nhưng chủ yếu cá vụn, giá trị kinh tế thấp nên khó kiếm lãi.

Do đó, ngư dân Ngọc cho rằng, nếu giá dầu không cao, ổn định thì đôi tàu của ông vẫn hoạt động được thuyền xuyên, liên tục. Nay giá dầu cao quá nên làm không nổi, nhất là thời tiết bất lợi như hiện có gió Bắc hoạt động mạnh khiến tàu càng hao tổn nguyên liệu.

Chi phí chuyến biển về phần dầu đã chiếm hơn 50% tổn phí nên đánh bắt hiệu quả các tàu mới dám vươn khơi. Ảnh: MH.

Chi phí chuyến biển về phần dầu đã chiếm hơn 50% tổn phí nên đánh bắt hiệu quả các tàu mới dám vươn khơi. Ảnh: MH.

Do đó, tàu ngư dân Ngọ cũng như nhiều tàu khác đang neo đậu ở khu vực trong và ngoài cảng cá Phan Thiết đợi tình hình thời tiết biển êm, ngư trường có cá chạy mới quyết định cho tàu vươn khơi trở lại.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết, việc giá xăng dầu tăng cao đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Do chi phí cho chuyến biển sẽ tăng lên, nhất là các tàu hoạt động xa bờ có thời gian bám biển dài ngày.

Do đó, trước tình hình giá xăng dầu tăng, để tiết kiệm chi phí, Chi cục khuyến cáo bà con nên hoạt động theo tổ đội nhằm chia sẻ ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác. Cùng với đó, trước khi bám biển, ngư dân cần nắm rõ tình hình thời tiết, ngư trường để tổ chức đánh bắt có hiệu quả.

Đặc biệt cần tăng cường bảo quản hải sản sau khai thác nhằm giúp cá không bị hư hỏng, chất lượng để bán với giá cao nhất, bù vào tổn phí tăng cao. Cũng như các tàu phải kết nối với các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để thu mua hải sản kịp thời trên biển, giúp ngư dân tiết kiệm nhiên liệu, chi phí phát sinh và nâng cao hiệu quả đánh bắt.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh có 7.545 tàu cá; trong đó tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên là 1.965 chiếc; sản lượng khai thác thủy sản trung bình từ 210.000-220.000 tấn/năm. Đến nay, tỉnh đã có 1.858 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 97,9%; cùng với đó đã kiện toàn và duy trì hoạt động 187 tổ đoàn kết/4.305 thuyền viên và 05 nghiệp đoàn nghề cá/68 tàu/674 xã viên, 34 hợp tác xã và 35 doanh nghiệp dịch vụ thủy sản trên biển, 167 tàu dịch vụ hậu cần xa bờ.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Cương quyết không để tàu cá vươn khơi khi chưa đủ điều kiện

Bà Rịa - Vũng Tàu Bộ đội biên phòng tỉnh đang tăng cường các biện pháp mạnh tay với những trường hợp tàu cá không đủ điều kiện vươn khơi, nhằm gỡ thẻ vàng IUU trước 'giờ G' sắp điểm.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.