| Hotline: 0983.970.780

Nam Định: Chăn nuôi nhỏ lẻ khó tái đàn

Bài 2: Tái đàn chậm theo lộ trình

Thứ Hai 13/04/2020 , 10:48 (GMT+7)

Năm 2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi “càn quét” qua tỉnh Nam Định với tốc độ lây lan nhanh, phạm vi rộng và thời gian kéo dài, gây thiệt hại lớn.

Theo thống kê, tổng trọng lượng phải tiêu hủy là 14.511 tấn. Thiệt hại hơn 500 tỉ đồng. Sau 1 năm “chìm ngập” trong bệnh DTLCP, đến nay toàn bộ 214 xã, phường trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng lợn ốm, chết và đã công bố hết dịch. Các trang trại, gia trại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học đang từng bước tái đàn trở lại.

Nhiều trang trại, gia trại tái đàn ở mức cầm chừng, không ồ ạt. Ảnh: Mai Chiến.

Nhiều trang trại, gia trại tái đàn ở mức cầm chừng, không ồ ạt. Ảnh: Mai Chiến.

Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định chia sẻ, thời gian vừa qua, công tác tái đàn trên địa bàn tỉnh được thực hiện một cách thận trọng. Đảm bảo an toàn, có sự kiểm soát của chính quyền địa phương, cán bộ thú y, người chăn nuôi và thực hiện có lộ trình phù hợp với từng địa phương, cơ sở chăn nuôi.

Theo đó, đối với các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi chưa bị dịch, tiếp tục thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn đảm bảo an toàn dịch bệnh, nhất là đàn lợn nái để cung cấp con giống phục vụ nhu cầu tái đàn trên địa bàn tỉnh.

Được phép nhập 100% số lợn theo nhu cầu của cơ sở. Khi nhập về trại phải thực hiện nuôi cách ly ít nhất 2 tuần, sau đó lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả âm tính với bệnh DTLCP mới được chuyển vào khu chăn nuôi chính.

Đối với các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi bị dịch đã tiêu hủy một phần hoặc toàn bộ thì trước khi nhập đàn vào nuôi phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm để xác định lưu hành của virus DTLCP trong cơ sở.

Bước đầu, chỉ được phép nhập đàn với số lượng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi được 30 ngày, mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với DTLCP thì mới chuyển vào nuôi khu chăn nuôi chính và được phép nhập thêm con giống theo nhu cầu.

Vị này cho biết thêm, các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học. Thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi ít nhất 1 tuần trước khi nhập lợn vào nuôi.

“Hiện nay, việc tái đàn chủ yếu thực hiện ở những trang trại, gia trại có đủ điều kiện áp dụng biện pháp an toàn sinh học. Ở những cơ sở này, họ bắt đầu tăng công suất tái đàn theo quy mô chuồng trại và nuôi lợn với trọng lượng xuất chuồng cao hơn trước đây”, bà Nga nói.

Theo thống kê, từ tháng 12/2019 cho đến nay, tỉnh Nam Định mới tái đàn được khoảng 10% tổng đàn (hằng năm tỉnh này luôn duy trì gần 800.000 con lợn - PV). Tái đàn ở mức chậm, bởi gặp nhiều khó khăn.

Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, tái đàn phải an toàn và có kiểm soát. Ảnh: Mai Chiến.

Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, tái đàn phải an toàn và có kiểm soát. Ảnh: Mai Chiến.

Một là, do số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh chiếm phần lớn, nhiều hộ không còn đủ điều kiện để áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nên tâm lý lo sợ, e dè khi tái đàn trở lại.

Hai là, lợn giống rất khan hiếm, do đợt DTLCP vừa qua đã khiến 57.954 con lợn nái (chiếm 46%) phải tiêu hủy nên nguồn cung con giống bị hạn chế.

Ba là, giá giống cao và khó mua. Hiện giá lợn giống trên thị trường đang bán với giá từ 2-2,5 triệu đồng/con có trọng lượng khoảng 7kg, người dân, không còn vốn để mua vì dịch bệnh.

Ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhấn mạnh, các huyện, thành phố khi thực hiện tái đàn phải đảm bảo nguyên tắc chung, thận trọng, an toàn và có kiểm soát. Tái đàn có lộ trình phù hợp theo hướng dẫn của Sở NN-PTNT và các chủ hộ chăn nuôi tự chịu trách nhiệm về kết quả tái đàn.

Các hộ chăn nuôi khi thực hiện tái đàn mà không khai báo với chính quyền địa phương sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Trong trường hợp xấu rảy ra (lợn chết vì dịch - PV) sẽ không được hưởng ưu đãi tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Xem thêm
Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.