| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ môi trường nuôi biển để phát triển bền vững:

[Bài 3] Thay đổi tập quán nuôi biển để sinh kế lâu dài

Thứ Năm 14/12/2023 , 07:48 (GMT+7)

Môi trường vùng nuôi vịnh Vân Phong đã và đang ngày càng suy giảm, người nuôi cần thay đổi tập quán nuôi biển để sinh kế lâu dài.

Nuôi biển trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Nuôi biển trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Những nguồn gây suy giảm môi trường nuôi

Những ngày cuối năm, chúng tôi có mặt tại vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè ở Đầm Môn, nằm trong vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Đứng trong bờ nhìn ra hướng biển đã thấy lồng bè nuôi san sát nhau. Hơn nữa nhiều bè đặt gần bờ, trong khi xung quanh là khu dân cư và tàu thuyền thường xuyên ra vào khu vực nuôi để neo đậu. Điều này khiến chúng tôi lo ngại phần nào cũng tác động đến quá trình nuôi trồng thủy sản của người dân.

Nhắc đến chuyện nuôi tôm cá trên vịnh Vân Phong, ông Trần Thanh Diêm, một người nuôi có thâm niên ở thôn Đầm Môn than vãn: “Bây giờ nguồn nước bị suy giảm, không bằng những năm trước đây, cá tôm nuôi bị hao hụt rất nhiều. Nhiều loài cá có sức đề kháng cao mà nuôi cũng không còn hiệu quả”.

Ông Trần Thanh Diêm đưa ra ví dụ như con cá bớp (cá giò) bây giờ bà con nuôi rất khó nên không còn thả nhiều như trước đây. Đến con cá mú nuôi cũng vậy, chúng nhạy cảm với nguồn nước, chỉ cần trong tháng gặp con nước xấu là chết hàng loạt.

Đứng trên bờ thôn Đầm Môn nhìn ra biển đã thấy lồng bè nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.

Đứng trên bờ thôn Đầm Môn nhìn ra biển đã thấy lồng bè nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.

Vì nuôi trồng thủy sản ngày càng khó khăn nên gia đình ông Diêm không còn nuôi tôm cá nhiều như trước đây. Hiện ông nuôi chủ yếu là giữ bè. Bè của ông nằm gần bờ, từ đình Đầm Môn nhìn ra biển đã thấy thấp thoáng.

Ông cho biết, đầu năm nay, ông thả 1.000 con cá mú hiện chỉ còn 200 con. Điều đáng nói, cá nuôi đến bằng cổ tay tưởng chừng đã ngon lành mà vẫn chết như thường. Đó là gia đình ông bị thiệt hại ít, chứ nhiều người trong xã ông Diêm nói thả nhiều bị thiệt hại nặng.

“Họ thả hàng chục ngàn con cá mú giờ cũng chỉ còn vài trăm con. Hơn nữa, vài năm trở lại đây, bà con nào nuôi tôm cá đạt thì còn 50-70% sản lượng, chứ nuôi dở chỉ còn 30 - 40%, thậm chí là mất trắng”, ông Diêm chia sẻ.

Trước đó vài ngày, chúng tôi gặp nhiều người dân ở thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh) cũng nuôi thủy sản lồng bè ở khu vực Bãi Tranh, Mũi Me trên vịnh Vân Phong, thuộc xã Vạn Thạnh. Nhiều người nuôi cũng than vãn, môi trường nguồn nước ngày càng khó nuôi nhất là đối tượng cá bớp và cá mú.

Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, từ đầu năm đến nay, nhiều hộ nuôi cá mú và cá bớp bị hao hụt lên đến 70-80% do chứng bệnh lở loét và mù mắt. Riêng gia đình ông vừa qua thả gần 4.000 con cá bớp, giờ chỉ còn 20% số lượng cá trong lồng nuôi. Đối với cá mú, gia đình ông cũng bị thiệt hại nhiều.

Tương tự, gia đình anh Trương Văn Chinh, ở thị trấn Vạn Giã vừa qua cũng bị thiệt hại nặng nề do cá bớp chết hàng loạt. Anh Chinh cho biết, đầu năm nay, gia đình thả 100.000 con cá bớp nhưng bị chết dần chết mòn, hiện chỉ còn 8.000 con, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng tiền giống, chưa kể chi phí thức ăn và công chăm sóc.

Người nuôi cho biết, thời gian qua việc nuôi cá bớp bị hao hụt nhiều. Ảnh: KS.

Người nuôi cho biết, thời gian qua việc nuôi cá bớp bị hao hụt nhiều. Ảnh: KS.

Theo anh Trương Văn Chinh, chưa bao giờ cá nuôi của gia đình bị hao hụt nhiều như năm nay. Anh cũng không hiểu nguyên nhân từ con giống kém chất lượng hay là do môi trường bị ô nhiễm gây ra. Nhưng cá bị chết đều có triệu chứng lở loét và lồi mắt. Mặc dù anh đã nỗ lực điều trị theo kinh nghiệm nhưng tình hình không thuyên giảm.

Theo các chuyên gia, việc môi trường nuôi biển ở vịnh Vân Phong bị suy giảm có các nguyên nhân sau.Thứ nhất là rác thải sinh hoạt từ hoạt động nuôi biển xả thải trực tiếp xuống biển, rác thải sinh hoạt từ trên bờ người xả xuống biển. Bên cạnh đó, nguyên nhân nữa đó là việc nguồn thức ăn tươi sống cho tôm hùm, cá biển ăn nhưng dư thừa không được thu gom hết cũng làm cho nguồn nước bị suy giảm…

Giải pháp bảo vệ môi trường biển

Trước thực trạng môi trường đã và đang ngày càng suy giảm, ông Trần Thanh Diêm cho rằng, nếu người nuôi không có ý thức thay đổi tập quán nuôi trồng thủy sản như thu gom rác thải sinh hoạt và thức ăn dư thừa của nuôi tôm cá vào bờ xử lý thì e rằng mai này không còn sinh nhai.

Người nuôi trồng thủy sản cần nâng cao nhận thức, không vứt rác sinh hoạt xuống biển và thu gom thức ăn thừa vào bờ xử lý. Ảnh: KS.

Người nuôi trồng thủy sản cần nâng cao nhận thức, không vứt rác sinh hoạt xuống biển và thu gom thức ăn thừa vào bờ xử lý. Ảnh: KS.

“Bây giờ ở đáy vùng này (vùng Đầm Môn), ai lặn xuống đều thấy bợn trắng của màu mỡ (thức ăn cho tôm cá) bỏ xuống lâu ngày. Do nguồn nước ở đây không thông thoáng nên đọng lại từng lớp từng lớp”, ông Diêm chia sẻ và cho biết thêm, mấy năm về trước lúc nuôi trồng thủy sản lồng bè ít, khi lặn xuống biển thấy cá trắng nhưng nay không còn nữa. Về mùa này, nguồn nước nhìn thấy trong, chứ mùa gió Nam, kết hợp nắng nóng đáy vùng nuôi bốc lên, tôm cá nuôi dễ bị sốc gây thiệt hại.

Ông Nguyễn Xuân Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết, hiện trên địa bàn xã nuôi thủy sản lồng bè với 2 đối tượng chính gồm tôm hùm và cá biển, với tổng cộng 941 bè và 35.000 ô lồng.

Thời gian qua, nghề nuôi thủy sản lồng bè đã cải thiện đời sống của người dân và giải quyết lao động tại địa phương rất lớn. Tuy nhiên do phát triển ồ ạt, trong đó có nhiều người dân từ tỉnh Phú Yên vào thả nuôi đã khiến vùng nuôi dày đặc lồng bè, từ đó lượng rác thải xử lý không đảm bảo, gây ra áp lực ô nhiễm môi trường rất lớn.

Vì vậy, việc quan trong nhất là người nuôi trồng thủy sản phải nâng cao ý thức, nhận thức trong việc bảo vệ môi trường đó là không vứt rác xuống biển trong quá trình nuôi; đặc biệt trong quá trình nuôi thức ăn hàng ngày cho tôm hùm, cá biển người dân cho lượng ăn vừa đủ, không để dư thừa và phải thu gom thức ăn còn lại sau khi cho tôm hùm, cá biển ăn.

Cùng với đó là giải pháp về khoa học, chúng ta phải đẩy mạnh nghiên cứu, nhanh chóng có các loại thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi biển. Việc này không chỉ làm giảm nguồn ô nhiễm vùng nuôi mà còn giúp đảm bảo an oàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hướng đến phát triển bền vững.

Đối với cơ quan nhà nước thì phải quy hoạch lại vùng nuôi, đảm bảo mật độ, đạc biệt là phải thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân có ý thức bảo vệ môi trường biển vịnh Vân Phong nói riêng và vùng nuôi biển nói chung.

Ngành chức cần nâng cao năng lực quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn như tổ chức các hoạt động thu gom chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản; xây dựng mô hình điểm về thu gom lượng chất thải rắn phát sinh hoạt động sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản tại vịnh Vân Phong phù hợp với tình hình thực tế, làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Công tác quan trắc môi trường cần phải đẩy mạnh, nhằm tăng tần suất và mật độ lấy mẫu nước  phục vụ cho công tác cảnh báo kịp thời cho người nuôi trồng thủy sản.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.