ĐBSCL là một trong những vùng nông nghiệp trù phú, cung cấp một lượng lớn gạo, tôm, trái cây cho Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, hàng triệu cư dân sống ở đây cũng là những người dễ bị tổn thương nhất do biến đối khí hậu.
Theo thống kê của ngành chuyên môn, trong 10 năm trở lại đây, 1,7 triệu người đã di dân ra khỏi ĐBSCL, trong khi chỉ có 700.000 người mới chuyển đến. Tỷ lệ di cư này hơn gấp đôi trung bình cả nước và thậm chí cao hơn nữa ở các khu vực chịu tác động mạnh của khí hậu.
"Vì mày mà tao đi Bình Dương"
Đi trên đường phố ở miền Tây thỉnh thoảng bắt gặp cảnh thanh niên mặc áo thun (áo phông) sau lưng có in hình con tôm, con cá và dòng chữ in sau lưng áo “Vì mày mà tao đi Bình Dương”. Ý chỉ làm ăn bể nợ nên phải di dân đi nơi khác làm ăn. Tuy nhiên, có rất nhiều hoàn cảnh khác nhau mà người ta phải đi Bình Dương.
Gia đình 4 người quanh năm chỉ bám vào mấy công ruộng nên cuộc sống nghèo vẫn nghèo, ông Lê Minh Hải, ở ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết: “Bây giờ trong ấp những thanh niên, thiếu nữ lớn lên đa phần đi Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM để mưu sinh hết rồi, chỉ còn người già và trẻ nhỏ ở nhà thôi. Đi dài dài tới xã thử coi, nhà cửa đóng cửa đếm không nổi”.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên con trai lớn của ông Hải là Lê Văn Bòn (42 tuổi) sau tết cùng vợ cuốn mùng mền đi TP.HCM làm thuê kiếm sống, để lại 2 đứa con, trong đó đứa lớn học lớp 7 và đứa nhỏ học lớp 5 cho ông bà nội nuôi.
Đi từ dưới sông lên nhà, vợ ông Hải tiếp lời: Nào giờ sống đây hơn 30 năm, nhưng đất đai ít chỉ có 4,5 công ruộng, làm 3 vụ/năm, thu hoạch xong trả nợ tiền phân bón chỉ dư chút đỉnh mua gạo và sắm gần áo cho gia đình.
Ngồi trong căn nhà trống hoác và xem lại những tấm giấy khen của người con lớn, chị Lê Thị Thùy (36 tuổi, ở ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang) kể: Vợ chồng chị có 2 người con Nguyễn Hoàng Khánh (15 tuổi) và Nguyễn Khánh An (11 tuổi). Gia đình không đất vườn, phải ở đậu đất nhà nước và là hộ cận nghèo.
Hàng ngày, để có tiền chi tiêu chị làm gỏi cuốn bán, còn chồng đến vụ đi vác lúa thuê. Trước việc gia đình khó khăn, Khánh đã đi theo bà ngoại lên tỉnh Bình Dương làm công cho cơ sở sản xuất mì. Do còn thiếu tuổi nên Khánh phải mượn giấy chứng minh nhân dân của người anh ở xóm nộp vào mới được nhận. Thấy người anh làm có tiền nên đứa con trai út cũng nói học xong lớp 6 sẽ nghỉ đi làm theo.
Tại ấp Tây Sơn, thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) trong những năm qua, số lượng người rời quê đi làm tại TP.HCM, Bình Dương rất nhiều, để lại những ngôi nhà vắng vẻ chỉ còn người già và trẻ nhỏ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng (Phó trưởng ấp Tây Sơn, thị trấn Núi Sập) cho biết: Do tại địa phương diện tích đất canh tác ít, nhu cầu công việc không đáp ứng được nên nhiều thanh niên rời quê đi kiếm tiền. Có gia đình thì đi 2 - 3 người, có gia đình thì đi cả hộ không chừng. Chúng tôi cũng rất đau đầu bởi tình trạng bỏ quê đi làm thuê.
Ngồi lặng lẽ trước hiên nhà, ông Nguyễn Ngọc Chơn (64 tuổi) ở ấp Tây Sơn, thị trấn Núi Sập kể, nhà không có ruộng đất, hai vợ chồng lúc trước còn khỏe thì đi làm thuê làm mướn ở khắp nơi để lo cho thằng con đi học. Rồi đến khi con trai tốt nghiệp lớp 12 thì vợ chồng bệnh tật triền miên, sức khỏe suy giảm không thể lao động nặng nhọc được nữa, không còn lo nổi nữa, đành để con dang dở con đường học vấn. Thấy cha mẹ khổ cực nên Nguyễn Hồ Hiệp (23 tuổi) đi lên Sài Gòn để làm công nhân, nay đã 4 năm.
Việc tha hương cầu thực đã khó, nhưng gần 2 năm nay có rất nhiều trường hợp mất việc làm ở vùng đất xa nhà vì đại dịch Covid-19.
Anh Phạm Trường Sơn (ngụ xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang) đã quen với công việc cắt cỏ cho bò ăn. Đây là khoảng thời gian anh phụ giúp gia đình sau khi nghỉ việc công ty ở Đồng Nai. Anh Sơn cho biết: Chưa dịch bệnh tôi làm thu nhập 9 đến 10 triệu đồng/tháng, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra thì thất nghiệp cho đến nay. Qua dịch tôi dự định vô công ty thủy sản làm nhưng không biết người ta có nhận mình hay không nữa.
Ông Phạm Văn Hùng (cha anh Sơn) trăn trở: Ba anh em thằng Sơn đều lao động ở Đồng Nai, còn tôi bốc vác ở kho gạo dưới quê, nhưng đến nay đều ngưng việc hết. Gia đình mong mỏi có hỗ trợ để qua dịch bệnh, bởi nghỉ việc ở quê không làm gì có nguồn thu nhập.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, toàn tỉnh có trên dưới 450 doanh nghiệp, với tổng số khoảng 25.000 lao động bị ảnh hưởng.
Đốt hết tuổi xuân
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái ĐBSCL cho biết, di dân có 2 yếu tố. Một là lực hút - tức là sống ở thành phố, có sự chuẩn bị, có xây dựng năng lực khi đi. Hai là lực đẩy – nông thôn, không thể sống được nơi đang sống. Họ đi từ độ tuổi 20 vì thu nhập nông thôn không hấp dẫn, không có tiền đồ.
Ông Thiện kể rằng, trước đây, ở nông thôn người không đất vẫn có thể tiếp cận được những nguồn sinh kế, nguồn sống miễn phí như: cá sông, nước sông, rau đồng và canh tác ít vụ, năng suất thấp nhưng ít chi phí.
"Theo khảo sát của tôi năm 2015 ở Đồng Tháp, 100 hộ gia đình lấy ra một hộ (5 người) có 1 ha đất, canh tác 2 vụ vẫn sống được. Nay cũng với diện tích đó mà canh tác 3 vụ phải đi Bình Dương vì lợi nhuận quá thấp do chi phí tăng, đất cạn kiệt chất dinh dưỡng. Một ha lúa 3 vụ trong 15 năm tính tới, tính lui xã hội bị lỗ 47,3 triệu đồng. Tức nói cách khác là càng thâm canh thì quốc gia càng nghèo đi vì tiền đê không tính vào chi phí lúa. Do đó cảm giác có lời”, ông Thiện nhấn mạnh.
Theo ông Thiện, cá sông dần biến mất vì không thể lên đồng được. Nguồn nước sông không còn nay tắm phải trả tiền.
Vậy suy ra, đó là lực đẩy họ đi. Họ đi mà không có chuẩn bị, làm việc thủ công, không tay nghề. Làm tay chân, tích lũy không bao nhiêu cả, đốt hết tuổi xuân.
Nghị quyết 120 đã nêu ra chiến lược dài hơi cho đồng bằng theo hướng thích ứng thuận thiên là chính, tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên. Chuyển tư duy nông nghiệp từ thuần túy sản xuất sang làm kinh tế nông nghiệp, và quy hoạch tích hợp, tổng thể cho toàn đồng bằng. Đây là cách ứng xử tốt nhất đối với tình hình nhiều thách thức của miền đất này. Nếu làm được Nghị quyết 120 thì ĐBSCL sẽ có sức chống chịu tốt hơn với những thách thức. Đất đai được duy trì, sông được chảy, văn hóa sông nước còn có nền đất, nước để tồn tại thì người đồng bằng sẽ không phải tha hương.