| Hotline: 0983.970.780

Đất Cửu Long giữa biến động thị trường:

[Bài 4]-Chiến lược nào phát triển cây thanh long bền vững?

Thứ Sáu 15/07/2022 , 19:03 (GMT+7)

Làm sao để cây thanh long phát triển bền vững? Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An.

Một vấn đề lớn đặt ra, theo Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An Nguyễn Quốc Trịnh, chỉ 15% sản lượng thanh long Long An tiêu thụ nội địa, 85% chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Chính vì phụ thuộc nhiều vào một thị trường, việc làm sao để cây thanh long phát triển bền vững đang là một thách thức lớn.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An trao đổi với Báo NNVN. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An trao đổi với Báo NNVN. Ảnh: Thanh Sơn.

Xin ông cho biết thực trạng của thanh long Long An hiện nay trước chính sách “Zero Covid” và lệnh 248, 249 từ phía Trung Quốc?

Hiện tổng diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh khoảng 11.650 ha. Trong đó, có khoảng 11.375ha cho trái, tập trung chủ yếu ở các huyện: Châu Thành, Tân Trụ… với tổng sản lượng hàng năm khoảng 330.000 tấn. Ngoài thanh long truyền thống vỏ đỏ ruột trắng, Long An còn có sản phẩm chủ lực là thanh long ruột đỏ. Ngoài ra, tỉnh cũng đã phát triển nhiều giống thanh long tím hồng, thanh long vỏ màu vàng ruột trắng đẹp mắt với thành phần dinh dưỡng cao.

Thanh long là cây trồng chủ lực của huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ảnh: Trần Trung.

Thanh long là cây trồng chủ lực của huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ảnh: Trần Trung.

Thanh long địa phương chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa khoảng 15% sản lượng, còn lại tập trung cho xuất khẩu, trong đó lượng thanh long xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Trước đây, Trung Quốc được xem là thị trường dễ tính, thời điểm đó thương lái Trung Quốc chỉ cần sản phẩm to, mẫu mã đẹp là họ sẵn sàng thu mua với giá cao hơn so với bán nội địa. Người nông dân quen với cách canh tác theo kiểu chỉ cần năng suất cao, mẫu mã đẹp nên họ phớt lờ, thậm chí không quan tâm nhiều đến sản xuất sạch. Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn bà con thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất theo hướng sạch, nhưng rất là khó.

Từ khi Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid” và lệnh 248, 249 làm ảnh hưởng rất lớn ngành sản xuất tiêu thụ thanh long. Cụ thể tại các cửa khẩu, trước đây hải quan phía họ chỉ kiểm tra rất ít, khoảng 5%/ tổng sản lượng hàng thanh long nhập khẩu thì nay họ kiểm tra gần như 100%. Kiểm tra như vậy nếu họ phát hiện xác Covid-19 trên bao bì hoặc sản phẩm thì họ hủy nhập toàn bộ lô hàng. Do đó làm ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu khiến giá thanh long liên tục đi xuống.

Dần dà, người dân đã tự ý thức được nguy cơ, họ đã triển khai canh tác theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, nhưng việc triển khai diễn ra rất chậm do tồn tại một số nguyên nhân như: một thời gian dài họ đã canh tác theo phương thức truyền thống thì đất đã biến chất khó khôi phục lại hiện trạng ban đầu; sau 2 năm dịch bệnh Covid-19 hoành hoành, số tiền vốn tích lũy từ những năm trước đó cạn dần, không đủ tái đầu tư theo hướng sạch, công nghệ cao…

Là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các doanh nghiệp, cầu nối, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp, hội viên, người nông dân, Hiệp hội đã có những giải pháp và chiến lược gì để tháo gỡ tiêu thụ thanh long?

Hiệp hội thanh long Long An có trên 100 thành viên là các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Long An, Tiền Giang, có năng lực kho, sơ chế có thể xuất khẩu với số lượng lớn. Trước thực trạng trên, Hiệp hội cũng đã cùng với các Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến tỉnh cùng nhau thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Bên trong một doanh nghiệp chuyên sản xuất thanh long xuất khẩu tại Long An. Ảnh: Trần Trung.

Bên trong một doanh nghiệp chuyên sản xuất thanh long xuất khẩu tại Long An. Ảnh: Trần Trung.

Tôi khẳng định một điều, mặc dù 2 năm trở lại đây có nhiều biến động nhưng thanh long vẫn là cây mang lại giá trị kinh tế rất là cao, khó cây nào đem lại được như vậy. Khi hải quan Trung Quốc mới ban hành lệnh 248, 249, nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ quy trình xin cấp mã nên việc cấp mã khó khăn. Hiệp hội đã phối hợp Cục BVTV, Sở NN-PTNT tỉnh Long An xuống từng cơ sở để cầm tay chỉ việc cho các doanh nghiệp, HTX gặp khó. Hiệp hội đã kết hợp với hải quan Trung Quốc tổ chức quay trực tuyến những kho thanh long cũng như vùng trồng thanh long để phía họ kiểm tra để thanh long được thông quan, xuất khẩu.

Hiện hoạt động này vẫn duy trì, mỗi tuần họ kiểm tra trực tuyến 10 kho và 10 mã số vùng trồng. Chúng tôi vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ các doanh nghiệp và HTX, khi các kho, vùng trồng được kiểm tra thành công thì chúng tôi tổ chức ngay tập huấn để các đơn vị tới học hỏi, rút kinh nghiệm về triển khai, nhân rộng nhanh. Sở Công thương tỉnh Long An cũng tích cực phối hợp, hỗ trợ rất nhiều như cấp áo cho các kho, mỗi kho 1 loại áo để mặc khi kiểm dịch…

Văn phòng SPS Việt Nam cùng Hiệp hội và chính quyền, doanh nghiệp địa phương gỡ khó thanh long xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Văn phòng SPS Việt Nam cùng Hiệp hội và chính quyền, doanh nghiệp địa phương gỡ khó thanh long xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Có thể thấy thị trường Trung Quốc rất lớn nhưng mình cũng phải tìm đối trọng để khi có sự cố xảy ra hạn chế ảnh hưởng sản xuất, tiêu thụ thanh long. Để tìm thêm thị trường xuất khẩu mới, giải bài toán đầu ra thanh long, hiện nay Hiệp hội đang có rất nhiều việc, gần như ngày nào cũng phải triển khai, xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long trong nước, đặc biệt là các siêu thị, chuỗi của hàng thực phẩm sạch cùng các chợ đầu mối. Ngoài ra, Hiệp hội cũng làm việc với các khu công nghiệp, khuyến khích họ đưa thanh long vào khẩu phần ăn cho công nhân. Đồng thời đề nghị 2 công ty Nafood và Navifood nâng cao hơn nữa năng suất chế biến thanh long, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu. Nếu làm tốt những điều trên, chỉ tính riêng thị trường nội địa, mỗi năm chúng ta có thể tiêu thụ trên 100.000 tấn thanh long, làm đối trọng tăng lên, rủi ro ở phía Trung Quốc sẽ giảm đi.

Hiệp hội cũng tạo ra nhiều group trên nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook quy tụ từ HTX, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân, chuyên gia kinh tế thậm chí những nhà chuyên thu mua nông sản xuất khẩu, để cung cấp thông tin, tạo sân chơi, kết nối cung cầu, khi có thông tin thị trường hoặc nhu cầu thanh long sạch thì người bán và người mua tìm thấy nhau…

Theo ông, để cây thanh long phát triển bền vững và khẳng định vị thế trên đất Long An nói riêng, ĐBSCL nói chung, giải pháp căn cơ là gì?

Thực tế cho thấy, chất lượng sản phẩm là một trong những rào cản để thanh long xuất khẩu chính ngạch. Điều này cũng xuất phát từ việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của nhiều nông dân. Trong số gần 12.000 ha thanh long đang trồng tại Long An thì phần diện tích sản xuất theo chuẩn chỉ chiếm trên 25%. Nâng cao chất lượng trái thanh long theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn tiêu chí xuất khẩu được xem đây là yếu tố then chốt để cây thanh long phát triển ổn định, bền vững và lâu dài.

Người trồng thanh long ngày càng thích thú với lối canh tác hanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, CNC. Ảnh: Trần Trung.

Người trồng thanh long ngày càng thích thú với lối canh tác hanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, CNC. Ảnh: Trần Trung.

Thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục phối hợp ngành nông nghiệp địa phương tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; Triển khai các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; Đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là mô hình sản xuất công nghệ cao và nhân rộng các mô hình hiệu quả để giảm chi phí đầu vào, giúp sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ.

Theo đó, Hiệp hội đang phối hợp ngành nông nghiệp tỉnh Long An quy hoạch trồng khoảng 6.000 ha thanh long công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, trên 1.000 ha thanh long đạt tiêu chuẩn cao hơn để đi thị trường khó tính hơn và triển khai các logistic. Theo đó, tại khu vực trọng điểm thanh long Châu Thành, Hiệp hội phối hợp các doanh nghiệp xây thêm các kho lạnh để tăng khả năng bảo quản, xuất khẩu bằng nhiều con đường để đi nhiều thị trường hơn.

Hiện nhu cầu thanh long xuất khẩu đang hút hàng, các doanh nghiệp của ta lẫn bạn đang ráo riết tìm đủ hàng xuất khẩu, đặt biệt là thanh long ruột trắng. Theo tôi từ nay tới cuối năm thanh long sẽ trở lại quỹ đạo bình thường.

Doanh nghiệp tại Long An tất bật chuẩn bị hàng xuất đi Trung Quốc trong thời kỳ 'hậu Covid-19'. Ảnh: Trần Trung.

Doanh nghiệp tại Long An tất bật chuẩn bị hàng xuất đi Trung Quốc trong thời kỳ "hậu Covid-19". Ảnh: Trần Trung.

Đặc biệt, thanh long Châu Thành của Long An cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhãn hiệu thanh long Tầm Vu đã được bảo hộ tại 5 quốc gia: Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore và Trung Quốc. Ngoài tiêu thụ và xuất khẩu trái tươi, Hiệp hội yêu cầu các thành viên tập trung chế biến sâu nhiều sản phẩm từ thanh long như thanh long sấy giòn, thanh long sấy dẻo, rượu vang thanh long, nước ép thanh long, bột thanh long hòa tan, siro thanh long,... để đa dạng hóa sản phẩm làm hài lòng những đối tác, thậm chí các đối tác khắt khe.

Nói chung mọi thay đổi đều khó khăn, bà con mình phải cố gắng thay đổi, nếu không thay đổi sẽ càng khó khăn hơn nên chúng ta phải tiếp tục cố gắng cùng nhau phối hợp với các Bộ, ban, ngành, các địa phương phối hợp tạo vùng trồng ổn định, không bị dư thừa, có như vậy thanh long phát triển bền vững.

Hiện cái khó nhất là nhiều nhà vườn thiếu vốn tái sản xuất, nhà nước đã có nhiều chương trình hỗ trợ như NNCNC, chuỗi liên kết, đăng ký cấp chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Hiệp hội đề nghị các ngân hàng cần vào cuộc và có những chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tái cấu trúc nợ để các doanh nghiệp, HTX cũng như bà con nông dân khôi phục sản xuất.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm