| Hotline: 0983.970.780

Lao động nghề biển vừa thiếu vừa yếu

[Bài 4] Thiếu lao động nghề biển chuyên nghiệp và những hệ lụy

Thứ Hai 11/04/2022 , 12:01 (GMT+7)

Lao động trên tàu cá không đều tay, thao tác không đồng bộ, có thể làm ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt, nhất là khi ngư trường ngày càng vắng cá.

Làm việc lớ ngớ khiến tàu cá mất sản lượng

Về chất lượng lao động biển, theo lão ngư Nguyễn Quảng (72 tuổi), chủ tàu cá mang số hiệu KH 92539 TS chuyên hành nghề đánh cá ngừ đại dương ở xã Phước Đồng (TP Nha Trang, Khánh Hòa), phân tích: Các chủ tàu do thiếu người đi biển nên nhận lao động không chuyên rất nhiều, thậm chí bây giờ có cả lao động miền núi xuống đi biển. Do đó hiệu quả cho chuyến biển đánh bắt bị ảnh hưởng rất lớn.

Những chủ tàu cá ở Khánh Hòa phải bán tàu vì quá nãn việc thường xuyên vất vả kiếm lao động nghề biển. Ảnh: K.S.

Những chủ tàu cá ở Khánh Hòa phải bán tàu vì quá nãn việc thường xuyên vất vả kiếm lao động nghề biển. Ảnh: K.S.

Điển hình thấy rõ là 2 tàu cùng hành nghề như nhau, trình độ tài công cũng như máy móc thiết bị trên tàu được trang bị như nhau, nhưng khi thả cùng một mẻ lưới thì tàu nào có lao động chuyên nghiệp sẽ làm việc từng khâu rất nhịp nhàng và hiệu quả năng suất lao động rất cao.

Ngược lại, tàu nào có lực lượng lao động chiếm phần nhiều không chuyên nghiệp sẽ làm việc chậm chạp, cứ loay hoay mãi, vẫn chưa xong việc, trong khi tàu đánh bắt chuyên nghiệp đã muối cá xong và thả mẻ lưới mới.

Lao động nghề biển đã khó kiếm, lao động đi biển chuyên nghiệp càng khó kiếm. Ảnh: V.Đ.T.

Lao động nghề biển đã khó kiếm, lao động đi biển chuyên nghiệp càng khó kiếm. Ảnh: V.Đ.T.

Lão ngư Bùi Thanh Ninh, chủ của 8 chiếc tàu cá đánh bắt xa bở ở phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), phân tích thêm: “Hầu hết những lao động nghề cá không chuyên thường bị say sóng, gặp những lao động như thế, chẳng những cả ê kíp thuyền viên trên tàu phải làm “gánh” việc cho lao động bị say sóng phải nằm bẹp một chỗ, mà còn phải mất thêm người chăm sóc cho lao động ấy.

Đó là nói về nghề lưới vây rút chì, chứ với nghề câu cá ngừ đại dương đòi hỏi kỹ thuật thì lao động không chuyên càng không thể đáp ứng. Đây là nguyên nhân dẫn đến hiệu suất đánh bắt của các tàu cá bị giảm”.

Bán tàu vì thiếu lao động chuyên nghiệp

Theo các chủ tàu cá, tình trạng thiếu lao động nghề biển chuyên nghiệp sẽ dẫn nghề đánh bắt xa bờ của ngư dân đến chỗ tàn lụi dần. Thực tế tại xã Phước Đồng (thành phố Nha Trang) có gia đình đã trải qua 3 đời gắn bó với nghề biển, nhưng do thiếu lao động nên tàu cá phải nằm bờ suốt từ tháng này sang tháng nọ. Vì quá bực bội, nên chủ tàu này đành bán tàu là cần câu cơm của mình để tìm hướng làm ăn khác.

Tỉnh Quảng Nam đang khắc phục nạn thiếu lao động nghề biển bằng cách khuyến khích các chủ tàu cá ứng dụng các trang thiết bị mới, hiện đại vào khai thác. Ảnh: L.K.

Tỉnh Quảng Nam đang khắc phục nạn thiếu lao động nghề biển bằng cách khuyến khích các chủ tàu cá ứng dụng các trang thiết bị mới, hiện đại vào khai thác. Ảnh: L.K.

Hoặc như ngư dân Đặng Quân ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) cũng bán 2 chiếc tàu đánh bắt cá ngừ đại dương vì mệt mỏi việc tìm kiếm lao động đi biển.

Theo tâm sự của ông Quân, trước đây gia đình ông có 3 chiếc tàu đánh bắt cá ngừ đại dương. Thời ăn nên làm ra, lao động xin tàu ông đi biển rất nhiều, ông phải chọn lựa người chuyên nghiệp mới cho đi. Thế nhưng vài năm gần đây, dù gia đình ông Quân đã tìm mọi cách tìm kiếm lao động nhưng công cốc, tàu cứ đi một vài chuyến lại thiếu lao động phải nằm bờ.

Thấy vây, gia đình ông Quân đành phải bán tàu, chứ để tàu nằm bờ không ai trông coi, lại tốn tiền do thuê người trông giữ. Hơn nữa, để tàu nằm bờ nhiều cũng hư hao máy móc, ngư lưới cụ.

Tỉnh Quảng Nam đang khắc phục nạn thiếu lao động nghề biển bằng cách khuyến khích các chủ tàu cá ứng dụng các trang thiết bị mới, hiện đại vào khai thác. Ví như sử dụng máy dò cá ngang vào nghề lưới vây, nghề chụp; ứng dụng máy thu lưới trong nghề lưới rê, nghề câu; đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu thả lưới, thu lưới nhằm tăng hiệu quả khai thác, giảm sức lao động, giảm số lao động trên tàu cá.

Lao động nghề biển thiếu chuyên nghiệp khiến hiệu quả đánh bắt của tàu cá kém đi. Ảnh: L.K.

Lao động nghề biển thiếu chuyên nghiệp khiến hiệu quả đánh bắt của tàu cá kém đi. Ảnh: L.K.

“Việc đào tạo nghề cho lao động biển hiện nay cần có sự tham gia của các đơn vị có chuyên môn như các trường đại học chuyên về thủy sản, viện thủy sản hoặc trường trung học nghề thủy sản. Tại Quảng Nam hiện nay không có trường trung học nghề thủy sản nào, nên những năm qua địa phương này chủ yếu phối hợp với Trường Đại học Nha Trang để mở các lớp đào tạo cho ngư dân, nhưng chủ yếu là đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng.

Để tăng hiệu quả khai thác cũng như nâng cao trình độ, chất lượng lao động nghề biển, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra giải pháp điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, chuyển dịch một phần lao động khai thác vùng ven bờ, vùng lộng đã được đào tạo sang phục vụ khai thác vùng khơi”, đại diện Chi cục Thủy sản Quảng Nam chia sẻ.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển