| Hotline: 0983.970.780

Lao động nghề biển vừa thiếu vừa yếu: [Bài 1] 'Đỏ mắt’ tìm người đi bạn

Thứ Sáu 08/04/2022 , 07:54 (GMT+7)

Một thực tế đang tồn tại trong đánh bắt thủy sản ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ hiện nay là thiếu trầm trọng lao động đi biển trên những tàu cá xa bờ.

Khủng hoảng thiếu lao động

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, hiện tỉnh này có hơn 6.000 tàu cá, trong đó có hơn 3.000 tàu có công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ với các nghề chủ lực là câu cá ngừ đại dương, câu mực, lưới vây, mành chụp. Trong đó, tàu hành nghề lưới vây và nghề mành chụp là “ngốn” lao động nhiều nhất, mỗi tàu phải cần hơn 10 thuyền viên. Chỉ tính bình quân mỗi tàu cá cần 6 lao động thì với lực lượng tàu cá hơn 6.000 chiếc, Bình Định phải cần đến hơn 36.000 lao động nghề biển.

Thế nhưng trong thời gian gần đây, nghề đánh bắt thủy sản xa bờ phải đối mặt với nhiều thực tế buồn là: Đánh bắt không đạt sản lượng do ngư trường vắng cá, giá dầu tăng “dựng đứng” khiến phí tổn chuyến biển tăng cao và thiếu lao động nghề biển trầm trọng.

Tàu hành nghề lưới vây là 1 trong những nghề 'ngốn' rất nhiều lao động. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu hành nghề lưới vây là 1 trong những nghề “ngốn” rất nhiều lao động. Ảnh: V.Đ.T.

Ngư dân Ngô Lê Hát, chủ tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99168 TS (880CV) ở huyện Phù Cát (Bình Định), chia sẻ: “Tàu của tôi hành nghề mành chụp, phải cần đến từ 13-15 lao động. Bình thường, những chuyến biển trong năm để có lao động đi bạn, chủ tàu phải đưa trước cho bạn thuyền 6-7 triệu đồng/người trước khi họ xuống tàu ra khơi thì mới mong đủ lao động mở chuyến biển. Những chuyến biển đánh bắt xuyên Tết còn căng hơn, chủ tàu phải trả cho mỗi lao động đến 10 triệu đồng/người nhưng vẫn tìm không được lao động”.

Tại Khánh Hòa, tình trạng thiếu lao động nghề biển, nhất là lao động phục vụ cho tàu cá đánh bắt xa bờ diễn ra đã nhiều năm nay. Điều này đã khiến cho các chủ tàu chật vật tìm lao động cho mỗi chuyến biển.

Bây giờ, rất hiếm tàu cá có đủ lực lượng lao động đi biển thường xuyên. Ảnh: V.Đ.T.

Bây giờ, rất hiếm tàu cá có đủ lực lượng lao động đi biển thường xuyên. Ảnh: V.Đ.T.

Lão ngư dân Nguyễn Quảng (72 tuổi), chủ tàu KH 92539 TS, chuyên đánh cá ngừ đại dương ở xã Phước Đồng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) than vãn: “Những năm gần đây việc tìm lao động nghề biển cho tàu đánh bắt xa bờ cực kỳ khó khăn. Dù chúng tôi muốn phát triển hay nâng cấp mua sắm thiết bị phục vụ nghề đánh bắt cá ngừ, song không có bạn tàu đi biển nên cũng đành chịu thua”.

Gánh nặng của những chuyến biển

Do tình trạng thiếu lao động nghề biển quá trầm trọng, nên các chủ tàu phải bằng mọi cách tìm cho ra thuyền viên để mới có thể mở biển. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), những năm gần đây, tình trạng khan hiếm bạn thuyền đi biển diễn ra thường xuyên. Không kiếm ra lao động trong tỉnh, các chủ tàu ở địa phương phải “câu” cả lao động ở các tỉnh khác như Khánh Hòa, Phú Yên để tàu mình đủ bạn thuyền.

“Trước mỗi chuyến biển, các bạn thuyền thường đòi hỏi ứng trước 1 số tiền rồi mới chấp nhận đi. Trung bình mỗi lần ứng như vậy từ 5 đến 10 triệu đồng. Do đó, với những tàu lớn có hàng chục lao động thì ngoài chi phí nhiên liệu, nhu yếu phẩm, chủ tàu còn mất thêm vài chục đến vài trăm triệu đồng tiền ứng trước cho bạn thuyền mà chưa biết hiệu quả đánh bắt như thế nào”, ông Hùng cho hay.

Ngư dân Nguyễn Quảng (72 tuổi), chủ tàu KH 92539 TS, chuyên đánh cá ngừ đại dương ở xã Phước Đồng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết lao động nghề biển hiện nay rất khó tìm. Ảnh: K.S.

Ngư dân Nguyễn Quảng (72 tuổi), chủ tàu KH 92539 TS, chuyên đánh cá ngừ đại dương ở xã Phước Đồng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết lao động nghề biển hiện nay rất khó tìm. Ảnh: K.S.

Tỉnh Phú Yên cũng không ngoại lệ, tỉnh này hiện có 4.105 tàu cá, trong đó có 540 tàu chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương. Tổng số lao động phục vụ trên những tàu khai thác cá ngừ đại dương ở Phú Yên khoảng 3.200 người, chiếm khoảng 15,6% trong tổng số khoảng 20.500 lao động nghề biển trong tỉnh. Mỗi tàu câu cá ngừ đại dương cần khoảng 5-7 lao động.

Do quá trình đô thị hóa các vùng ven biển, con em ngư dân tham gia vào nhiều ngành nghề khác nên lao động trên các tàu khai thác cá ngừ đại dương ngày càng thiếu và yếu, đây cũng là vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Do quá trình đô thị hóa các vùng ven biển, con em ngư dân tham gia vào nhiều ngành nghề khác nên lao động trên các tàu khai thác cá ngừ đại dương ngày càng thiếu và yếu. Ảnh: K.S.

Do quá trình đô thị hóa các vùng ven biển, con em ngư dân tham gia vào nhiều ngành nghề khác nên lao động trên các tàu khai thác cá ngừ đại dương ngày càng thiếu và yếu. Ảnh: K.S.

“Việc thiếu hụt lao động nghề biển làm một số chủ tàu giảm số chuyến biển đi khai thác trong năm, sản lượng khai thác trong từng chuyến biển có thể giảm sút do không đủ lực lượng lao động trên tàu đảm bảo cho yêu cầu công việc, cũng như tăng thêm sức ép cho những lao động khác trên tàu do phải làm thêm việc, không đạt được hiệu quả cao”, ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên chia sẻ.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.