| Hotline: 0983.970.780

Đại điền: Ngoài kia gió đang thổi

[Bài 8] Người đầu tiên nuôi cua lông ở tỉnh Hưng Yên

Thứ Hai 31/10/2022 , 09:31 (GMT+7)

Là người mê ăn cua lông (cà ra) nên tôi rất ngạc nhiên khi thấy người ta có thể nuôi được chúng và đó lại là một đại điền có tiếng của tỉnh Hưng Yên.

Empty

Anh Lưu Văn Dũng bên đám cua lông còn non tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giá bán đắt khó tưởng tượng

Bài liên quan

Giơ những con cua có dáng thon gọn, đầu càng lún phún một túm lông tơ, mềm mịn như nhung ra, anh Lưu Văn Dũng ở thôn Thọ Lão, xã Quang Hưng (huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) chỉ cho tôi cách phân biệt yếm to là cái, yếm nhỏ là đực: “Giờ chúng đang có tốc độ lớn rất nhanh. Tháng sau anh về đây chúng ta làm nồi lẩu, lúc đó cua cái đã mang gạch, đạt 6-7 con/kg có giá 700.000đ/kg, cua đực đạt 6-7 con/kg có giá 320.000đ/kg”…

Cuối thu nhưng trời vẫn còn oi nóng nên đám cua lông (cà ra) bám đen ở đám rễ lục bình dưới ao, đến bữa ăn mới vươn càng lên khều những khúc cá vụn rồi dứt ra từng miếng, bỏ vào mồm nhai, thong thả như người ta ăn trầu. Hai cái hàm của nó nhấp nhô lên xuống nhịp nhàng trông rất ngộ.  

Trước đây, khi thấy một số người trong vùng chuyên nghề cai thầu ao để thả cá, anh Dũng mới bật ra một suy nghĩ trong đầu, tại sao không biến cánh đồng trũng, cấy lúa một vụ bấp bênh của quê mình thành ao? Vậy là năm 2004 anh bắt đầu hợp đồng với xã thuê 2,4 ha đất để có thể hiện thực hóa ý tưởng đó. Những đám ruộng gần bên của dân cũng được anh tích tụ dần bằng cách mua gom, lúc đầu mỗi sào 15 triệu, sau 50 triệu, tổng được thêm 6 ha nữa.

Anh giải thích: “Nếu trồng cây ăn quả phải 5-7 năm mới có thu, còn nuôi thủy sản chỉ 5-7 tháng là đã có thu rồi. Trước đây tôi nuôi cá thương phẩm thấy con giống khó mua, nhiều khi phải ăn chực nằm chờ cả ngày lẫn đêm ở cơ sở sản xuất nên từ năm 2006 đã tự làm các loại giống thông thường như trắm cỏ, rô Phi, trê Phi, mè, trôi. Sau đó tôi làm sang các loại đặc sản như rô đồng, trê đồng, tôm đồng, cá lăng đen, trắm đen, cua lông.

Thất bại lớn nhất của tôi vào năm 2010 khi nuôi 20 vạn con cá lăng đen gặp dịch bệnh hao tới 60%, cộng thêm giá bán thấp khiến vụ đó lỗ 600-700 triệu. Cũng tại mình cả thôi, “máu” quá nên nuôi liều chứ chưa biết gì về kỹ thuật.

Sau đó, tôi đi học tại cơ sở nuôi ở các tỉnh, rồi học cả 2 năm ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I thì đã làm chủ được cách xử lý nguồn nước, tạo ô-xy, phòng chống dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt chỉ còn 5-7%, mỗi vụ xuất bán 80-100 tấn.

Empty

Cận cảnh cua lông cái. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc thị trường có nhu cầu về con giống nhiều thì tôi chuyển đổi, mỗi vụ chỉ sản xuất khoảng 50 tấn cá thương phẩm, còn lại là hàng trăm triệu con cá giống (trong đó có 20-30 triệu con cá chép đỏ, đủ cung cấp cho 5-7 triệu gia đình có cái cúng ông công, ông táo dịp cuối năm - PV).  

Năm 2021 khi thấy cua lông đầu ra có bao nhiêu đều bán hết bấy nhiêu, tôi tìm mua loại nhỏ bằng cái nắp chai bia người ta bắt ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh về nuôi với giá 6.000đ/con. Nhưng hơn 1 vạn con cuối cùng chỉ còn được khoảng 3.000 con vì chuyển từ môi trường nước lợ về nước ngọt nên chúng không hợp. Tuy nhiên vụ đó tôi vẫn còn thu được hơn 2 tạ cua lông, bán được trên 100 triệu, lãi một chút.

Rút kinh nghiệm vụ này tôi mua 3 vạn con giống khai thác trên sông Thái Bình, khi mua cỡ 100 con/kg, giờ đã được 20 con/kg và phải thu trước tháng 11, 12 bởi để qua đông rất khó. Thức ăn của cua lông chủ yếu là cá tạp băm vụn ra, còn lại là khoảng 40% cám. Chúng phàm ăn nhưng ăn sạch, cá phải tươi chứ thối là chê. Để tránh cua ăn thịt lẫn nhau giống bắt về phải đồng đều về kích cỡ.

Cua lông có sức đề kháng rất khỏe. Vụ đầu nuôi chúng chết do lạ nước là một phần thôi chứ toàn thất thoát do bò qua bờ ao bê tông rồi bò qua tường rào cao hơn 1,5m nữa để ra ngoài. Một số người đánh cá ở ngoài mương còn bắt được cua của tôi. Ra đó, chúng cũng đào hang để sống như cua đồng vậy. Bởi thế vụ sau tôi cho trát mịn bờ ao hoặc lát một lớp đá hoa rồi phủ lên một lớp tôn nữa để chống cua bò đi”.

Empty

Ao nuôi cua lông của anh Lưu Văn Dũng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dẫu cua cái có giá bán gấp đôi cua đực, rất dễ phát hiện được giới tính dù chỉ là nhỏ bằng cái hạt bưởi nhưng khi mua giống anh Dũng không được quyền chọn lựa. Mỗi mét vuông, anh thả trung bình 20-30 con cua, có thể nuôi ghép với trạch đồng, trạch trấu nhưng không được ghép với cá bởi khi chúng còn nhỏ, dễ bị ăn thịt. Thử nghiệm nuôi cua cả trên bể lẫn dưới ao anh thấy dưới ao tốc độ lớn nhanh hơn nhưng trên bể thì quản lý được dễ hơn.

Nếu mỗi năm cua đồng lột xác 4 lần thì cua lông chỉ lột xác 3 lần, sau mỗi lần như thế chúng lớn rất nhanh, đến khoảng 1 năm tuổi vỏ đã lên nước đen bóng. Vụ này ước tính sản lượng của trang trại sẽ được khoảng 6-7 tạ và đã có người đặt mua hết.

Thực thà mà nói, cua lông tự nhiên vỏ vẫn cứng hơn, ăn ngọt hơn, thơm hơn cua nuôi nhưng do quá hiếm nên anh vẫn bán chạy. Anh dự định năm tới sẽ nghiên cứu cách cho cua lông sinh sản bằng bổ sung thức ăn nhiều can xi giúp chúng cứng vỏ, nhanh lột. Ủ ấm qua đông cho cua lông bằng cách thắp đèn, phủ bạt.

Empty

Một góc trang trại rộng lớn của anh Lưu Văn Dũng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ấp ủ nhiều kế hoạch táo bạo

Năm 2015 anh Dũng cho sinh sản cá chép lai V1, năm 2017 cho sinh sản chạch sông (chạch trấu), năm 2019 cho sinh sản cá trắm đen. Mỗi năm trang trại xuất bán cả cá giống lẫn cá thịt đạt doanh thu trung bình 12-13 tỉ, trong đó ước tính lãi chiếm 10-15%, tạo công ăn việc làm cho 8-12 lao động thường xuyên.

Sở hữu nhiều ý tưởng táo bạo, không chỉ dự định nhân giống cua lông mà sắp tới anh Dũng còn định thuần hóa cá nước lạnh (cá tầm) ở vùng nóng quê mình bằng cách khoan sâu xuống dưới đất để tìm nguồn nước mát rồi bơm lên ao. Khi nhiệt độ quá cao thì nuôi trong phòng có điều hòa nhiệt độ.

Hiện anh là Giám đốc HTX thủy sản Hưng Phát với 24 thành viên, có tổng diện tích chăn nuôi tới 50 ha. Anh kể, thành lập HTX có cái lợi là nguồn con giống đảm bảo, mua vật tư, thức ăn với số lượng nhiều được ưu đãi. Nhưng hiện khó khăn chung là đường điện kém, đường giao thông, kênh mương nuôi thủy sản vẫn phải chung với trồng lúa, nếu bơm ra ngoài thì ngập lúa dân kêu, còn không bơm thì ao trào, có khi thất thoát cá.

Empty

Anh Lưu Văn Dũng bên con cá chép đỏ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người nông dân xuất sắc của Việt Nam năm 2020, người nông dân của chuyển đổi số năm 2021 này vẫn ước ao có thể mở rộng diện tích ra hơn nữa nhưng: “Khó lắm anh ạ! Bà con bỏ đất hoang đó nhưng nhiều người không chịu bán cũng không chịu cho thuê mà có tâm lý trông chờ chính sách đền bù của Nhà nước về sau”…

Anh Doãn Trung Long - Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cừ nghe đến đây cũng gật gù, tỏ ý đồng tình: "Mượn đất chỉ hợp với trồng lúa, không hợp với trồng cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản vì cần thời gian lâu dài. Tuy nhiên tích tụ bằng cách đi thuê hay mua đất thì thủ tục còn phức tạp, lại vướng phải tâm lý muốn giữ đất của bà con".

Empty

Mỗi năm anh Lưu Văn Dũng xuất bán 20-30 triệu con cá chép đỏ thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn chị Nguyễn Thị Thu - Quyền trưởng Phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Hưng Yên cho biết, tỉnh có diện tích đất nông nghiệp khá khiêm tốn, chỉ 58.000 ha trong đó lúa 26.000 ha, cây ăn quả 15.000 ha, còn lại là rau màu các loại. Theo thống kê của các huyện (riêng Mỹ Hào không có số liệu) thì toàn tỉnh có hơn 240 hộ tích tụ, tập trung đất đai với tổng diện tích hơn 570 ha. Quy mô khá nhỏ nhưng giá trị lại khá lớn bởi hầu hết đều không trồng lúa mà trồng cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản.

Tình trạng chung là tích tụ khó do đất ít và giá đắt nên những hộ đại điền ở Hưng Yên có diện tích cỡ 10 ha rất hiếm. Trước đây có anh Nguyễn Đoàn - Công ty Công nghệ Phát triển Nông nghiệp Xanh mượn ruộng hoang cấy 160 mẫu ở huyện Yên Mỹ trở thành một mô hình sáng tạo của tỉnh nhưng tiếc thay, giờ đất đó dự án đã lấy gần hết nên anh không còn sản xuất nữa.

Cua lông hay còn gọi cà ra là tên của một loài cua kích thước lớn, đầu càng có một túm lông đen mềm, mịn như nhung. Chúng chỉ sống trong môi trường nước ngọt trên các con sông, trước đây chưa ai nuôi và nhân giống được. Thịt của cua lông không bị hoi như cua biển, ghẹ nên rất được ưa chuộng. Người sành ăn thường chọn con màu vàng để có mình mẩy, đầy bụng gạch, hay con màu đen để vừa già cua lại vừa ngọt thịt.

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dự án hơn 200 tỷ đồng bị hư hỏng phần kè do thi công ẩu

Hạng mục công trình kè biển chắn sóng chạy dọc đường ven biển huyện Hoằng Hóa chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân do chất lượng công trình không đảm bảo.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.