| Hotline: 0983.970.780

Thả sò huyết vào ao nuôi thủy sản dưới tán rừng, một công đôi lời

Thứ Ba 09/08/2022 , 10:00 (GMT+7)

Nuôi thủy sản dưới tán rừng nhận khoán, ngư dân Kiên Giang có sáng kiến thả thêm sò huyết, vừa đa dạng đối tượng nuôi lại tăng thu nhập trên cùng diện tích.

Người dân nhận khoán đất rừng phòng hộ ở ấp Xẻo Quao thu hoạch sò huyết nuôi xen canh trong vuông tôm sú, cua biển. Ảnh: Trung Chánh.

Người dân nhận khoán đất rừng phòng hộ ở ấp Xẻo Quao thu hoạch sò huyết nuôi xen canh trong vuông tôm sú, cua biển. Ảnh: Trung Chánh.

Kiên Giang có hơn 200km bờ biển với trên 140 hòn đảo lớn nhỏ, diện tích rừng phòng hộ ven biển, rừng đặc dụng lên đến hàng chục nghìn ha.

Thực hiện Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ, tỉnh Kiên Giang đã giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân được trên 3.300ha, trong đó gồm 529ha rừng đặc dụng và 2.800ha rừng phòng hộ.

Riêng Ban Quản lý rừng Kiên Giang đã thực hiện giao khoán được 2.233ha, chủ yếu là tuyến ven biển An Biên - An Minh và Hòn Đất - Kiên Lương. Các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng được khai thác 40% diện tích mặt nước để phát triển sinh kế nuôi thủy sản dưới tán rừng.

Cách đây 20 năm, anh Trần Hoàng Tuấn từ Cần Thơ qua Kiên Giang mưu sinh, cưới vợ và chọn ấp Xẻo Quao, xã Thuận Hòa, huyện An Minh để lập nghiệp. Khi nhà nước có chủ trương giao khoán đất rừng phòng hộ cho các hộ dân nhận bảo vệ, anh Tuấn đã đăng ký nhận khoán. Sau này, anh Tuấn còn tiếp nhận từ phần nhận khoán của các hộ khác gom lại, với tổng diện tích hiện nay là 18ha.

Anh Tuấn cho biết, theo quy định, người dân nhận khoán bảo vệ rừng, được khai thác từ 30-40% diện tích mặt nước để nuôi thủy sản nước lợ. Do là rừng phòng hộ ven biển, nước mặn, lợ quanh năm nên đối tượng thả nuôi chủ yếu là tôm sú và cua biển.

Sò huyết chỉ ăn sinh vật phù du và sống ké trong môi trường nước nuôi tôm, cua nên hầu như chỉ tốn mỗi tiền mua con giống nhưng mang lại nguồn thu nhập đều cho người dân. Ảnh: Trung Chánh.

Sò huyết chỉ ăn sinh vật phù du và sống ké trong môi trường nước nuôi tôm, cua nên hầu như chỉ tốn mỗi tiền mua con giống nhưng mang lại nguồn thu nhập đều cho người dân. Ảnh: Trung Chánh.

Trong quá trình canh tác, người dân nhận thấy môi trường nuôi dưới tán rừng ven biển khá phù hợp với con sò huyết nên đã mua giống về thả nuôi thử, không ngờ đạt hiệu quả.

Anh Tuấn bảo, nuôi ghép chung tôm sú - cua biển - sò huyết là mô hình lấy ngắn nuôi dài. Con tôm sú thả giống khoảng 3-4 tháng bắt đầu có thu hoạch và người dân thường thu tỉa, thả nối nên có thu hoạch nhiều đợt trong năm. Còn cua biển phải thả nuôi từ 5-6 tháng mới có thu hoạch. Riêng sò huyết mỗi lứa nuôi lên đến 12 tháng, thời điểm thả giống thuận nhất trong năm khoảng tháng 5, 6 Dương lịch.

“Sau khoảng 1 năm thả nuôi sò huyết có thể thu hoạch, trọng lượng từ khoảng 130 con/kg là thương lái thu mua. Giá sò huyết thu chính vụ, loại 130 con giá từ 95.000 - 105.000 đồng/kg. Sò loại 100 con/kg giá 125.000 - 130.000 đồng/kg. Nếu như thu nhập từ tôm, cua có lai rai, đủ chi tiêu và chi phí hàng ngày thì sò huyết lại cho thu nhập theo vụ, có số tiền lớn để tích lũy hoặc tái đầu tư sản xuất”, Anh Trần Hoàng Tuấn chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của những bà con nhận khoán rừng ở khu vực Xẻo Quao, sò huyết sống ẩn mình dưới lớp sình non nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống của tôm, cua nuôi chung. Trong khi nuôi tôm quảng canh cải tiến phải cho ăn dặm thêm thức ăn viên, cua cho ăn cá rô phi cắt nhỏ. Riêng con sò huyết chỉ ăn sinh vật phù du và sống ké trong môi trường nước nuôi tôm, cua nên hầu như chỉ tốn mỗi tiền mua con giống.  

Chòi canh nuôi sò huyết vùng bãi bồi ven biển và dưới tán rừng phòng hộ của người dân ở cửa biển Xẻo Quao, đối tượng nuôi không tốn nhiều chi phí nhưng mang lại thu nhập lớn cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Chòi canh nuôi sò huyết vùng bãi bồi ven biển và dưới tán rừng phòng hộ của người dân ở cửa biển Xẻo Quao, đối tượng nuôi không tốn nhiều chi phí nhưng mang lại thu nhập lớn cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện An Minh cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện được 103.500ha. Trong đó, có 47.800ha nuôi tôm, 47.000ha nuôi cua biển, 1.900ha nuôi và khoanh nuôi sò huyết, 2.500ha hến biển, 2.400 nghêu lụa, vẹm xanh và 1.900ha nuôi cá ao, cá rừng.

Trong đó, riêng nuôi dưới tán rừng phòng hộ 3.150ha, sản lượng 676 tấn (330 tấn tôm sú, 214 tấn cua biển và 132 tấn sò huyết). Riêng vùng bãi bồi ven biển, trên diện tích đã giao khoán, người dân thực hiện khoanh nuôi và khai thác tự nhiên tổng diện tích 6.300ha, sản lượng đã thu hoạch 9.600 tấn. Năm nay nhờ tôm, cua, nhuyễn thể… đều được giá nên người nuôi có thu nhập khá.

Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, tổng diện tích thả nuôi thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh tăng 5%, đạt trên 267.600ha, sản lượng ước đạt 13.350 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.