| Hotline: 0983.970.780

Bản Đoòng ngút ngàn giữa lòng di sản: [Bài 4] Những người đưa tri thức về bản

Thứ Sáu 22/03/2024 , 08:49 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Dù biệt lập nhưng bản Đoòng vẫn có được chiếc máy xay xát gạo, máy bơm nước từ suối vào ruộng. Đó như là những thứ văn minh đầu tiên đến với bà con.

Một thanh niên gồng tay cuộn lên rồi quay máy. Tiếng máy nổ rộn lên kéo guồng máy xay xát hoạt động. Già làng Tòa đổ thúng lúa vào guổng, đầu bên kia hạt gạo trắng muốt tuôn ra ào ạt. “Ui trời. cả đời bi chừ mới biết cái thằng máy này nó ăn thóc rồi đẻ ra hạt gạo sạch mà nó trắng như mây trên đình núi này”, tiếng bà Pay thốt lên trong tiếng máy nổ giòn.

Già Tòa bên cỗ máy xay xát ở bản Đoòng. Ảnh: T. Phùng.

Già Tòa bên cỗ máy xay xát ở bản Đoòng. Ảnh: T. Phùng.

Tiếng máy nổ vui giữa rừng thẳm

Đấy là cái hồi cả bản có đến mấy hecta làm lúa nước. Cái khó là khi thu hoạch, để có hạt lúa, bà con phải đập, đạp, vò như cái thời mấy chục năm trước đây. Vất vả và nhọc công lắm.

Một lần băng rừng về xuôi, già làng Tòa thấy bà con gặt lúa xong là khiêng cái “máy tuốt lúa” về đạp tuốt, hạt thóc mẩy cứ theo guồng chứa chảy ra ào ào. Cái này thì được, nó chỉ tốn cái sức mà tiện lắm. Vậy rồi, già quyết định mua cái “máy tuốt lúa” đạp chân này mang về bản.

Đó là cái máy thủ công, người lớn dùng chân đạp mạnh vào thanh gỗ bàn đế để tác động cho cái trục gỗ tròn lớn quay. Trên trục gỗ gắn từng hàng thanh thép hình chữ V lộn ngược lên đó. Người sử dụng đạp cho trục quay tròn với tốc độ nhanh và đưa nắm lúa mới gặt vào cho răng tuốt đánh hạt thóc rụng ra.

Đơn giản vậy thôi, nhưng cả bản vui lắm. Từ nay hết cảnh đập lúa rộp cả tay. Đến vụ gặt, cái “máy tuốt lúa” được khiêng đi khắp bản. Cứ nhà nào gặt là đến khiêng máy về tuốt. Đám con nít thì cứ chạy quanh để chờ khi người lớn nghỉ làm thì xúm lại sờ tay vào những cái răng thép đã được rơm, hạt thóc đánh cho sang trắng lên. Nhiều người lớn cũng đến ngắm nghía, cả đời họ chưa vượt núi ra khỏi bản, phim ảnh, tivi… cũng không có để xem thì đích thị đây là cái máy hiện đại nhất mà họ mới thấy tận mắt, sờ tận tay, thậm chí sử dụng được nó mới ghê.

Những ngôi nhà đẹp, vững chắc đã dần thay thế những ngôi nhà lợp lá ở bản Đoòng. Ảnh: T. Phùng.

Những ngôi nhà đẹp, vững chắc đã dần thay thế những ngôi nhà lợp lá ở bản Đoòng. Ảnh: T. Phùng.

Có những vụ được mùa liên tiếp, thóc lúa cứ đầy bồ. Mấy nương sắn trồng ở cuối bản không ai nhổ nên cứ lớn cao ngồng lên, vượt quá đầu người. Sáng tối, tiếng giã gạo cứ thình thịch vang lên khiến già làng Trắc… khó ngủ dù đã uống đến ba chén rượu. Ông lại lội suối, băng rừng về phố huyện để mua cái máy xay xát gạo.

Cái máy nổ mới sơn màu đỏ chót và guồng xay màu xanh được tháo rời ra. Người lớn của bản được huy động kiếm dây rừng, đòn khiêng để thực hiện việc khiêng máy vượt núi, băng suối về bản. “Đám người lớn cũng mất gần hai ngày mới khiêng hết được cái máy này về đấy. Nhưng không có ai kêu mệt nhọc mô. Chỉ có mấy đứa không may bị ngã trẹo cẳng chân phải đi cà nhắc mấy hôm thôi”, già làng Tòa kể lại.

Khi ông thợ máy được già làng mời từ thị trấn lên lắp rắp xong máy vào hệ thống thanh đầm đổ dầu vào máy và nổ thử thì mọi người như nín thở. “Cành, cành, cành… phạch phạch”, tiếng máy nổ giòn vang xa trong sự háo hức, reo hò của mọi người. Mấy người đứng dịch ra phía ống xả máy nổ rồi hút hà cái mùi dầu cháy cũng thấy làm thích. Rồi người đông dần, con nít cũng chen vào hít thở… rất lạ mà.

Lớp học nơi ươm mầm cho những thế hệ tương lai của bản Đoòng. Ảnh: T. Phùng.

Lớp học nơi ươm mầm cho những thế hệ tương lai của bản Đoòng. Ảnh: T. Phùng.

Già làng cho dựng một cái nhà lán trước vạt đất trống và làm nơi đặt máy xay xát gạo. Ngôi lán lúc nào cũng đông người. Người mang lúa đến xay xát, người đến xin trấu về đốt, kẻ đến xin cám…

Thậm chí người rảnh việc cũng đến xem máy nổ, nói chuyện dưới xuôi, khói thuốc lá, khói máy xay xát không lúc nào ngớt. Đến khi việc tò mò xem máy đã thỏa chí, già làng “lệnh” là cứ ba ngày thì nổ máy một lần, khi đó bà con vác thóc đến và lấy gạo về.

Công sá không phải tính. Già làng để cái thúng bên cạnh, nhà nào xát gạo xong thì đong vào đó mấy bơ thôi, Chẳng cần quy định, đong bao nhiêu cũng được. Già làng cười hà hà: “Miềng lấy đủ tiền dầu để mà mua đủ cho cái thằng máy nó uống để nó nổ thôi mà”.

Những năm gần đây, cái suối mà dân bản ngăn để lấy nước vào ruộng cạnh nước. Vậy là không còn nước tưới, ruộng lúa cũng hoang hóa dần. Cái máy xay xát cũng ít việc rồi nghỉ hẳn. Thỉnh thoảng, già làng lại lau chùi nó cho khỏi cũ đi.

"Mong Nhà nước đầu tư cho tuyến ống để dẫn nước từ suối lớn về thì có ruộng, có lúa và nó lại nổ để xay xát gạo thôi mà", già Toàn bảo với tôi như vậy.

Sự học trên vùng đất hiếm

Vì biệt lập nên việc học hành ở bản Đoòng cũng lắm gian truân. Trẻ em ở bản Đoòng cũng như phần lớn bố mẹ của chúng, mù chữ đã lâu, bởi ăn ở biệt lập như vậy biết đi đâu học cái chữ. Vào năm 2001, già làng có mời ông Nguyễn Quang Vinh (ở Nghệ An) vào mở lớp dạy học cho con em, nhưng lớp học này chỉ tồn tại được đôi tháng rồi tan. Để xoá mù cho con em đồng bào, tháng 12/2009, Phòng GD-ĐT huyện Bố Trạch đã lên đây tổ chức một lớp học và cử 2 giáo viên trường Tiểu học Tân Trạch về luân phiên trực tiếp dạy học, mỗi người thay nhau ở nửa tháng.

Thầy giáo Lê Viết Khánh Tân là một trong những người thầy cắm bản ở đây cho biết: “Lúc khai giảng lớp có 16 em học sinh, đủ các lứa tuổi. Những em đã có học trước đây đọc được chữ, làm được toán thì theo đó mà bố trí vào lớp 2, số đông còn lại xếp vào lớp 1. Trong lớp mà nghe tiếng máy nổ xay xát gạo là học sinh cứ chạy ùa ra xem như chim ra rang chứ không ngồi yên. Sau này phải báo già làng chỉ nổ máy xay vào ngày cuối tuần mới yên được”.

Người dân bản Đoòng đã sử dụng nguồn nước tự chảy về đến tận mỗi nhà. Ảnh: T. Phùng.

Người dân bản Đoòng đã sử dụng nguồn nước tự chảy về đến tận mỗi nhà. Ảnh: T. Phùng.

Mấy năm gần đây, huyện Bố Trạch chỉ đạo giáo viên cắm bản để dạy chữ cho con em trong bản. Lớp học có 8 đứa trẻ được chia làm ba lớp học chung một phòng. Trong đó có bốn em học lớp 7, ba em học lớp 5 và một em học lớp 1. Điểm trường có bốn thấy giáo ăn ở tại đây để lo việc dạy con chữ cho các em.

Thầy giáo Hoàng Văn Sáu phụ trách điểm trường cho hay: “Phải gom lại như vậy các em mới chịu học. Phương pháp dạy thì chúng tôi cứ chia thời gian dạy chữ cho lớp 1, rồi tập làm văn cho lớp 5, lại quay đến dạy toán lớp 7. Phải cố gắng làm sao cho các em có được kiến thức thật vững để sau này vào đời không còn cực nhọc như bố mẹ chúng".

Rồi những vất vả cứ quen dần, ở lâu thành bạn, các thầy giáo như đã trở thành “công dân” của bản Đoòng. Bản có việc là các thầy được mời tham gia, mời bàn bạc. Hay có khi, đang đêm lỡ có người đau ốm thì dân bản cũng đến đập cửa nhà các thầy để kêu nhờ. Cứ cuối tuần, các thầy băng rừng về là cứ như “cửa hang lưu động” của dân bản. Người gửi mua cái áo phông, người nhờ mua hộ mấy đôi pin đèn hay nhờ cái bật lửa ga…

"Thôi thì thiếu cái gì bà con nhờ gửi cái đó miễn là mang xuyên rừng được vừa sức. Có khi bà con không có tiền thì anh em cũng hỗ trợ luôn. Ngoài việc dạy học, mấy thầy như những con thoi chuyển tải văn hóa, hiểu biết, thông tin… cho bà con với thế giới bên ngoài những cánh rừng già", thầy Sáu bộc bạch thêm.

Già làng Tòa (bên phải): 'Nếu được đầu tư lấy nước từ suối lớn về thì đời sống dân bản được tốt lên'. Ảnh: T. Đức.

Già làng Tòa (bên phải): "Nếu được đầu tư lấy nước từ suối lớn về thì đời sống dân bản được tốt lên". Ảnh: T. Đức.

Sau nhiều năm ở bản và đến cuối tuần lại băng rừng về nhà, mỗi tháng thường có bốn lần vào ra trên đôi chân cho đến khi thành quen thì các thấy giào mới đào tạo được cho bản Đoòng lần đầu tiên có em học sinh được đi học đại học. Đó là em Nguyễn Thị Ba (con ông Nguyễn Văn Trường) và Nguyễn Văn Xuân (con của ông Nguyễn Văn Triển). Cả hai sinh viên đều theo học ngành nông lâm.

"Hy vọng từ các em sẽ là gói thuốc bổ cho việc học ở vùng biệt lập này. Đó cũng là điều mà những thầy giáo cắm bản tại đay cũng thêm chút tự hào về nghề của mình", thầy Sáu nói như tâm sự.

Cũng theo thầy Sáu, hiện đến thời điểm này, điểm trường bản Đoòng có được 20 em học sinh được bố trí từ lớp 1 đến lớp 9.

"Cơ bản các em đều rất chăm học và ngoan. Hy vọng đó là nguồn nhân lực để phát triển bản Đoòng của những năm sau này", thầy Sáu nói trong hy vọng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm