| Hotline: 0983.970.780

Bàn giải pháp giảm chi phí sản xuất lúa vụ đông xuân 2021 - 2022

Thứ Ba 16/11/2021 , 12:19 (GMT+7)

Giá vật tư đầu vào, phân bón vẫn đang là rào cản lớn đối với nông dân. Cần có các mô hình, hướng dẫn để giảm giá thành sản phẩm, giảm chi phí sản xuất.

Diễn đàn Kết nối nông sản 970 của Bộ NN-PTNT vừa tổ chức chương trình trực tuyến với nội dung kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ đông xuân (ĐX) các tỉnh phía Nam.

Lan tỏa rộng hơn mô hình, giải pháp giảm vật tư 

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2021 các tỉnh Nam bộ đã diễn ra trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19. Kèm theo đó, mực nước lũ ở vùng ĐBSCL thấp.

Trong bối cảnh đó, công tác triển khai sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2021 tại các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL đã được tiến hành sớm và có nhiều giải pháp thích ứng với tình hình dự báo lũ. Đến nay, về sản xuất vụ thu đông, vụ mùa 2021 các tỉnh Nam bộ cơ bản đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Các địa phương ĐBSCL cần tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ nhằm hạn chế, né sâu bệnh, giảm chi phí về công tác bảo vệ thực vật. Ảnh: LHV.

Các địa phương ĐBSCL cần tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ nhằm hạn chế, né sâu bệnh, giảm chi phí về công tác bảo vệ thực vật. Ảnh: LHV.

Đối với vụ ĐX 2021 - 2022, giá vật tư vẫn tăng cao, trong khi đây là vụ rất cần thiết để đạt năng suất cao nhất, với giá thành sản xuất thấp nhất. Về việc này, Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương đã có các cuộc họp và đề xuất Chính phủ tìm cách tháo gỡ. Theo ông Tùng, phần giải pháp lớn đã có.

“Vốn, phân bón, lao động là những yếu tố quyết định đến giá thành nông sản ở ĐBSCL. Làm tốt giống, phân bón, thì việc sử dụng thuốc BVTV sẽ ít hơn. Trên tổng diện tích 1,5 triệu ha của ĐBSCL, hiện mới xuống giống 300.000 ha, do đó sắp tới nhu cầu giống khá lớn. Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tính toán số liệu chi tiết đến từng cánh đồng. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, nông dân và doanh nghiệp”, ông Tùng nói.

Đối với xuất khẩu gạo, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế xuất khẩu gạo đến nửa đầu tháng 9/2021 đạt 4,23 triệu tấn, trị giá 2,26 tỉ USD, giảm 12,09% về lượng và giảm 4,53% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, hiện nay, tỉnh đang chuẩn bị cho vụ ĐX 2021 - 2022 và giá lúa đang tốt, từ 5.800 - 6.000 đồng/kg. “Có thể thấy, khi vấn đề lưu thông được giải quyết thì giá lúa sẽ có sự điều chỉnh tăng, bên cạnh đó các loại trái cây, rau màu giá bán cũng khởi sắc trở lại”, ông Thọ nhận định.

Tuy nhiên ông Thọ cho biết hiện giá vật tư đầu vào, phân bón vẫn đang là rào cản lớn đối với lợi nhuận của nông dân. Theo ông, sắp tới phải có các mô hình, hướng dẫn để giảm giá thành của sản phẩm, giảm chi phí sản xuất cho bà con.

“Các cơ quan như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục BVTV, Cục Trồng trọt có thể đưa ra mô hình giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất để Sở NN-PTNT triển khai xuống với bà con”, ông Trương Kiến Thọ đề xuất.

Đối với các chính sách, Sở NN-PTNT An Giang kiến nghị có nguồn vốn cho HTX để có thể nhận được sản phẩm, vật tư nông nghiệp từ nhà máy, giảm chi phí trung gian cho bà con nông dân. Ngoài ra, trong đợt thu hoạch rộ lúa ĐX vào tháng 2 - 3/2022 tới, vì khối lượng lớn nên các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về vốn để thu mua. Vì vậy, có thể nghiên cứu phương án thế chấp lúa gạo để vay vốn ngân hàng, đảm bảo quá trình thu mua được liên tục, không ảnh hưởng đến giá lúa.

“An Giang kiến nghị các cơ quan chức năng cần triển khai, mở rộng hệ thống kho chứa để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, lưu trữ lúa gạo trong thời điểm thu hoạch rộ, đảm bảo giá lúa ổn định cho bà con”, ông Trương Kiến Thọ kiến nghị thêm.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) khuyến cáo, các tỉnh ĐBSCL cần tuần thủ chặt chẽ khung thời vụ vụ ĐX 2021 - 2022, tập trung vào khoảng tháng 11 và tháng 12/2021, tuyệt đối không gieo sạ trong tháng 1/2022. Và đối với cây lúa, rầy di trú vào tuần lễ thứ 3, 4 hàng tháng.

Do đó, địa phương căn cứ tình hình rầy vào đèn bố trí thời điểm xuống giống thích hợp để né rầy. Đầu vụ, bà con cần chú ý phòng rầy nâu, sâu năn; giữa vụ phòng trừ đạo ôn lá và cuối vụ phòng trừ đạo ôn cổ bông.

Kiểm soát chặt chất lượng lúa giống

Liên quan tới vấn đề cung ứng giống lúa, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang kiến nghị, trong vụ ĐX 2021 - 2022, Kiên Giang có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng giống đóng bao bì không có nhãn mác cung ứng giữa các đại lý tới tay nông dân nên gây khó khăn cho công tác quản lý.

Nhiều tỉnh ĐBSCL đề nghị thắt chặt việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá lúa giống. Ảnh: LHV.

Nhiều tỉnh ĐBSCL đề nghị thắt chặt việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá lúa giống. Ảnh: LHV.

Bên cạnh đó, giá bán giống lúa, nhất là những giống lúa bản quyền liên tục tăng (trước đây giá bán trung bình 13.500 đồng/kg, hiện nay đã tăng lên khoảng 15.000 đồng/kg). "Vì vậy, đề nghị các đơn vị sản xuất giống nghiên cứu đến việc chia sẻ bản quyền giống trên cơ sở thỏa thuận giá bán hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân có điều kiện tiếp cận được với giống những giống bản quyền, giống chất lượng cao với giá thành thấp nhất", ông Toàn nói.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam cho biết, Công ty đang cung cấp nhiều loại giống lúa, rau đậu cho bà con nông dân ở khu vực phía Nam.

Hiện nay, giống lúa Đài thơm 8 của đang được bà con ở khu vực BĐSCL sử dụng nhiều, đóng góp vào giá trị xuất khẩu cho mặt hàng lúa gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, vừa qua có hiện tượng bán giống bao trắng, giống giả làm ảnh hưởng đến cả năng suất và chất lượng sản phẩm của nông dân.

“Đặc biệt, tình trạng giống giả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu của các đơn vị làm lúa gạo của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng xem xét, có giải pháp để hạn chế được hiện tượng đóng bao trắng, hàng giả trên thị trường, bởi các doanh nghiệp không thể nào có khả năng để quản lý hết được”, ông Phong đề nghị.

Đẩy nhanh áp dụng máy sạ cụm

Bà Đào Thị Như Hè, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Kim Hồng cho biết: Hiện nay, Công ty đang phân phối sản phẩm máy sạ cụm. Đây là giải pháp giúp giảm công lao động, gieo sạ đảm bảo mật độ, hạn chế tập quán sạ dày của bà con, giúp giảm nhiều chi phí sản xuất. Công ty đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai được các mô hình thử nghiệm trên 13 tỉnh ĐBSCL.

Theo kết quả ghi nhận được, máy sạ cụm đã giúp giảm lượng giống sử dụng xuống còn 40 - 60 kg/ha, nhờ đó giảm được tới 30% chi phí giống. Bên cạnh đó, khi sử dụng máy sạ cụm giúp giảm được lần bón phân cuối cùng (lần thứ 4).

Tuy nhiên, máy sạ cụm cũng đang có một số điểm hạn chế, nếu gặp thời tiết mưa thì cụm sạ sẽ dễ mất tính liên kết, một số cánh đồng lầy như Hậu Giang, Cần Thơ thì máy sạ cụm không thể hoạt động được. Vì vậy, trong các vụ mùa tiếp theo, công ty mong muốn các địa phương quan tâm nhiều hơn tới khâu giảm giống, tới máy sạ cụm, vì khi giảm lượng giống gieo sạ thì phân bón, thuốc BVTV cũng sẽ giảm theo.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Quảng Bình khống chế được dịch tả lợn Châu Phi

Những ngày cận Tết, người chăn nuôi lợn tại Quảng Bình đỡ lo khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.