| Hotline: 0983.970.780

Bàn giải pháp tài chính bền vững cho vườn quốc gia và khu bảo tồn

Thứ Bảy 18/03/2023 , 15:14 (GMT+7)

Sáng 18/3, Bộ NN-PTNT phối hợp với WWF tổ chức Hội thảo cấp cao về định hướng và giải pháp tài chính bền vững cho các vườn quốc gia và khu bảo tồn.

Dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, bà MS.Kirsten Shuijt Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên toàn cầu, đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), lãnh đạo các tỉnh, Sở NN-PTNT các tỉnh khu vực phía Nam, lãnh đạo các vườn quốc gia, khu bảo tồn...

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trần Trung.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trần Trung.

Vườn quốc gia, khu bảo tồn rất đa dạng sinh học

Theo Cục Lâm Nghiệp, Việt Nam có hệ thống rừng đặc dụng với tổng diện tích trên 2,3 triệu ha. Trong đó, tính riêng 34 vườn quốc gia chiếm diện tích hơn 1,27 triệu ha.

Hệ thống rừng đặc dụng phân bố khắp cả nước rất đa dạng và phong phú, từ hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, tiêu biểu ở các vườn quốc gia: Ba Bể, Cát Bà, Cúc Phương, Phong Nha - Kẻ Bàng. Hệ sinh thái rừng cận nhiệt đới trên núi có độ cao thấp và trung bình ở các VQG: Hoàng Liên, Chư Yang Sin, Kon Ka Kinh, Bidoup - Núi Bà. Hệ sinh thái hỗn hợp (rừng - biển đảo) ở các VQG: Bái Tử Long, Cát Bà, Côn Đảo, Núi Chúa, Phú Quốc, cho đến hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các VQG: Xuân Thủy, Côn Đảo, U Minh Thượng, Mũi Cà Mau, U Minh Hạ,…

Hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Ảnh: VQG.

Hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Ảnh: VQG.

Hệ thống rừng đặc dụng hiện lưu giữ đa dạng loài quý hiếm với 186 loài động vật và 71 loài thực vật, tiêu biểu như hổ, voi Châu Á, Voọc  Cát Bà Chà Vá  chân nâu,  chân đen, sâm  Ngọc Linh, thông nước… Đặc biệt, hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế công nhận với 2 di sản thiên nhiên thế giới gồm VQG Phong Nha Kẻ Bàng; Khu BVCQ vịnh Hạ Long; 9 Khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận; 10 Vườn di sản ASEAN ; 9 Khu RAMSAR…

Việc bảo vệ, bảo tồn các giá trị của hệ sinh thái và đa dạng sinh học là rất cấp thiết trong hiện nay và tương lai. Ảnh: Trần Trung.

Việc bảo vệ, bảo tồn các giá trị của hệ sinh thái và đa dạng sinh học là rất cấp thiết trong hiện nay và tương lai. Ảnh: Trần Trung.

“Việc bảo vệ, bảo tồn các giá trị của hệ sinh thái và đa dạng sinh học là rất cấp thiết trong hiện nay và tương lai. Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu ban hành và tổ chức triển khai nhiều văn bản, chính sách quan trọng nhằm tiếp tục bảo tồn và phát triển bền vững môi trường rừng, sử dụng rừng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Có thể thấy, công tác bảo tồn đa dạng sinh học của nước ta hiện đang được thực hiện chủ yếu ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, nơi lưu giữ các cánh rừng đang được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, hiện các vườn quốc gia, khu bảo tồn đã và đang có nhiều hoạt động bảo tồn mang lại hiệu quả cho hệ sinh thái hoang dã cũng như lợi ích thiết thực đối với cộng đồng”, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết.

Giải pháp tài chính bền vững

Tại hội thảo, đại diện các vườn quốc gia, khu bảo tồn cũng nêu những tồn tại, khó khăn thách thức, theo đó,  nguồn lực đầu tư  như con người, tài chính, cơ sở vật chất hạn chế. Các khu bị chia cắt, dễ bị tổn thương; nhiều cấp quản lý; thiếu hệ thống giám sát. Biến đổi khí hậu làm mất một phần diện tích do nước biển dâng, bão lũ, hoặc suy giảm các hệ sinh thái/loài…

Đại diện các vườn quốc gia, khu bảo tồn kiến nghị tại hội thảo. Ảnh: Trần Trung.

Đại diện các vườn quốc gia, khu bảo tồn kiến nghị tại hội thảo. Ảnh: Trần Trung.

Các chuyên gia tại hội thảo cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm đưa ra các phương pháp nghiên cứu và xây dựng chiến lược tài chính bền vững cho các vườn quốc gia, khu bảo tồn.

Theo các chuyên gia, tính bền vững về tài chính của các khu bảo tồn là khả năng đảm bảo có các nguồn tài chính đầy đủ, ổn định, dài hạn; được phân bổ kịp thời và dưới hình thức phù hợp để trang trải toàn bộ chi phí của các khu bảo tồn và đảm bảo rằng các khu bảo tồn được quản lý một cách hiệu quả theo các mục tiêu bảo tồn và các mục tiêu khác…

Các chuyên gia đưa ra các giải pháp nghiên cứu và xây dựng chiến lược tài chính bền vững cho khu bảo tồn. Ảnh: Trần Trung.

Các chuyên gia đưa ra các giải pháp nghiên cứu và xây dựng chiến lược tài chính bền vững cho khu bảo tồn. Ảnh: Trần Trung.

“Chúng ta thấy rõ nhu cầu tài chính cho lĩnh vực bảo tồn là rất lớn, hiện nay với chỉ dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước được đầu tư cho bảo tồn, có thể thấy nguồn lực cho bảo tồn là chưa tương xứng, chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc tăng cường các giải pháp tài chính, khuyến khích áp dụng thử các cơ chế tài chính mới, tăng cường huy động nguồn lực quốc tế, từ cộng đồng, từ các dịch vụ lâm nghiệp, môi trường, hoặc du lịch sinh thái là cấp thiết và cần được khuyến khích”, theo các chuyên gia.

Định hướng chiến lược

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, “Chúng ta nhận thức rõ rằng, cùng với sự gia tăng dân số, diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp lại. Vấn đề đó đặt ra câu hỏi, phải chăng đã đến lúc chúng ta cần có tầm nhìn mới và cách tiếp cận mới để phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng thông qua sự tích hợp giữa khoa học kinh tế, khoa học công nghệ và khoa học xã hội.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác thị sát khu du lịch sinh thái tại VQG Cát Tiên. Ảnh: Trần Trung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác thị sát khu du lịch sinh thái tại VQG Cát Tiên. Ảnh: Trần Trung.

Trong cùng không gian rừng, ngoài giá trị từ gỗ, còn có những dược liệu quý hiếm, những loài thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, hay có thể phát triển chăn nuôi, thuỷ sản dưới tán rừng. Ngoài ra, giá trị kinh tế mới của rừng còn đến từ dịch vụ cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, nguồn thu từ tín chỉ các-bon rừng.

Hay việc bảo tồn, không chỉ bảo tồn đa dạng sinh học với những “nguồn xem” động thực vật quý hiếm; mà tri thức và văn hoá cộng đồng, không gian tinh thần, tín ngưỡng và tâm linh của đời sống con người cũng cần được bảo tồn và phát triển trong "một bảo tàng sống” là không gian rừng.

Tư duy về giá trị rừng đa dụng giúp hài hoà mối quan hệ giữa tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người, giữa tài nguyên hữu hình và tài nguyên vô hình, huớng đến sự phát triển bền vững”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác thăm các cộng đồng người đồng bào bản địa tham gia bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Trung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác thăm các cộng đồng người đồng bào bản địa tham gia bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Trung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mặc dù Chính phủ đã và đang rất quan tâm tới lĩnh vực lâm nghiệp nói chung và bảo tồn nói riêng, nhưng với bối cảnh nguồn lực tài chính công cũng cần phân bổ cho các lĩnh vực và ngành ưu tiên quan trọng khác. Vì thế, việc huy động, tìm kiếm các giải pháp tài chính bền vững cho bảo tồn là cần thiết.

Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã cụ thể hóa các giải pháp bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, vốn ngân sách nhà nước được cân đối, bố trí “để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, dự án ưu tiên của Chiến lược theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công; ưu tiên vận động các nguồn ODA thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học; nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên toàn cầu và WWF Việt Nam chủ trì hội thảo. Ảnh: Trần Trung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên toàn cầu và WWF Việt Nam chủ trì hội thảo. Ảnh: Trần Trung.

Thực tế, nguồn tài chính ổn định nhất, bền vững nhất hiện nay cho Việt Nam vẫn là nguồn vốn đầu tư công, nhưng cũng chỉ đủ chi trả cho đội ngũ nhân sự quản lý tại các khu bảo tồn, với một mức sống khiêm tốn, còn nhiều khó khăn và thiệt thòi. Do đó, về phía Bộ NN - PTNT, Bộ trưởng ghi nhận những kiến nghị từ các đồng chí hôm nay để trân trọng hơn những công việc của lực lượng kiểm lâm, những người bảo vệ rừng, lực lượng làm công tác bảo tồn, từ đó sẽ có những biện pháp hỗ trợ, ưu tiên hơn cho công tác bảo tồn.

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Trung.

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Trung.

“Rất nhiều giải pháp được kiến nghị trong hội thảo lần này, trong đó có giải pháp huy động các nguồn lực từ các thể chế, quỹ tài chính quốc tế và các đối tác quốc tế như WWF. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẵn sàng chủ động, phối hợp với các đối tác quốc tế cùng xây dựng những phương án, lộ trình, xây dựng đề xuất dự án vận động tài chính nhằm giảm bớt gánh nặng phân bổ nguồn lực công và đảm bảo tính bền vững, quy mô của tài chính cho bảo tồn. Nhân dịp này, tôi kêu gọi sự chung tay và tập trung hỗ trợ từ phía các đối tác quốc tế, đặc biệt là từ các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm sâu về lĩnh vực này như WB, UNDP, GIZ,...

Song song đó, chúng ta không thể không nhấn mạnh tới vai trò bảo tồn của khối tư nhân, của cộng đồng và người dân trong việc tạo nguồn tài chính thông qua các mô hình cộng đồng quản lý, mô hình đối tác công-tư, phí chi trả môi trường rừng, phí bảo vệ nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên”, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan khẳng định.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.