| Hotline: 0983.970.780

Bán mỗi tạ heo, nông dân ĐBSCL lỗ 1,5 - 2 triệu đồng

Thứ Tư 20/10/2021 , 09:57 (GMT+7)

Giá heo hơi tại nhiều địa phương ở ÐBSCL đã giảm 50% so với đầu 2021 và hiện đang ở mức thấp kỷ lục trong hơn 2 năm qua.

Với giá xuất bán hiện nay, người chăn nuôi heo lỗ ít nhất từ 1,4-1,5 triệu đồng/con. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Với giá xuất bán hiện nay, người chăn nuôi heo lỗ ít nhất từ 1,4-1,5 triệu đồng/con. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Càng nuôi lâu càng lỗ nặng   

Ngày 19/10, giá heo hơi tại các tỉnh thành ĐBSCL còn 37.000 - 38.000 đồng/kg, tiếp tục giảm 1.500 - 3.000 đồng/kg so với tuần trước. Trong khi giá heo hồi đầu 2021 là 82.000 - 85.000 đồng/kg giúp cho người nuôi vô cùng phấn khởi.

Theo hộ chăn nuôi heo, giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã tăng khoảng 30% so với đầu năm, giá heo giống cũng tăng cao và nhiều chi phí đầu vào khác tăng, nên đối với người chăn nuôi heo nhỏ lẻ, giá thành nuôi một con heo 100kg hiện lên đến 5,5 - 6 triệu đồng. Với giá bán hiện tại, người chăn nuôi heo lỗ 1,5 - 2 triệu đồng/tạ.

Anh Trương Thanh Phong, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ có hơn 20 năm trong nghề chăn nuôi heo với số đàn gần 100 con lớn nhỏ. Cách đây vài ngày gia đình anh vừa xuất bán trên 50 con heo đã quá lứa với giá bán heo hơi 48.000 đồng/kg, sau khi anh trừ hết chi phí anh lỗ mỗi con heo trên 1 triệu đồng.

Anh Phong than thở nói, đã có trải qua nhiều năm trong thăng trầm với nghề nuôi heo nhưng chưa bao giờ gặp cảnh heo rớt giá kỷ lục như hiện nay. Năm 2019 gia đình nuôi heo bị Dịch tả heo Châu Phi làm chết sạch cả đàn. Sau khi dịch tả qua đi anh tái đàn nuôi được 1-2 lứa heo trong năm 2021 giá bán cao lên đến 70.000 - 80.000 đồng/kg giúp người nuôi phấn khởi chưa bao lâu nay giá heo lại giảm giá thủng cả đáy năm 2017 - 2019 bởi hiện giá thành đã cao hơn rất nhiều.

“Mình bán lứa heo này hết trong chuồng sẽ không muốn thả nuôi tiếp mà chỉ tập trung chăm sóc đàn heo còn lại trong chuồng với hy vọng những tháng cuối năm giá sẽ tăng lên để gỡ vốn lại phần nào hay phần nấy” anh Phong tâm sự.

Thương lái thu mua heo tại các nhà hộ dân tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thương lái thu mua heo tại các nhà hộ dân tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Còn tại Tiền Giang, tỉnh này hiện có hơn 350.000 heo, là một trong những địa phương có đàn heo lớn ở vùng ĐBSCL. Hiện giá heo hơi thương phẩm giảm sâu khiến nhiều người chăn nuôi lao đao. Gia đình ông Nguyễn Tấn Bỉnh ở xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho như đang ngồi trên đống lửa vì trại heo trên 120 con đang đến lứa xuất chuồng nhưng giá giảm, lại không có thương lái đến mua.

“Bây giờ, nhiều chợ chưa mở cửa, thương lái bán chậm lắm, mỗi ngày mổ có 1 con nên dân không có chỗ bán. Thức ăn, con giống giá cao, ở thời điểm bắt giá con giống từ 1,8 - 2 triệu đồng/con. Tính cả thức ăn, giá thành trên 5 triệu đồng/tạ, mà nay bán chỉ 3 - 3,2 triệu đồng/tạ, lỗ 2 triệu đồng/tạ. Người chăn nuôi chúng tôi kiến nghị địa phương cho các chợ mở lại, công nhân đi làm, học sinh đi học, lúc đó con heo mới bán được. Bây giờ nuôi cầm cự, chờ tình hình chợ búa mở lại coi sao chứ bán lỗ liền”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói.

Hiện nay giá heo đang xuống thấp nhiều hộ chăn nuôi heo ở ĐBSCL đưa ra phương án tự giết mổ heo để bán thịt ở các chợ lẻ giá sẽ cao hơn so với bán heo hơi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay giá heo đang xuống thấp nhiều hộ chăn nuôi heo ở ĐBSCL đưa ra phương án tự giết mổ heo để bán thịt ở các chợ lẻ giá sẽ cao hơn so với bán heo hơi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhà nông tự mổ heo bán gỡ gạc

Bà Lê Thị Tường, cơ sở bán thịt heo sạch ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết: Kể từ ngày 19/10 TP. Cần Thơ đã có công văn cho mở cửa kinh doanh buôn bán và chợ truyền thống bắt đầu hoạt động trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhưng, sức mua thịt heo của người dân vẫn còn chậm, mặc dù giá heo trên thị trường đang giảm mạnh do nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ thịt heo bị giảm mạnh vì dịch bệnh.

Thời gian qua, dịch tả heo Châu Phi ở Cần Thơ được khống chế, tạo điều kiện cho người dân tái đàn heo và thời điểm này có nhiều đàn heo tới lứa bán nên nguồn cung heo hơi và thịt heo khá dồi dào.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng dịch Covid-19, việc tiêu thụ khó khăn, nhiều tiểu thương và doanh nghiệp hạn chế thu mua heo hơi. Từ đó, lượng heo hơi tồn đọng trong dân nhiều, người nuôi phải tốn thêm tiền thức ăn, thua lỗ càng nặng nề hơn. Nhiều hộ chăn nuôi heo đưa ra phương án tự giết mổ heo để bán thịt ở các chợ lẻ với giá bán từ 60.000 - 70.000 đồng/kg thịt heo đùi, ba rọi, nạc…

Giá này dù sao cũng cao hơn từ 20.000 - 30.000 đồng/kg so với bán heo hơi cho thương lái đến tận chuồng thu mua nên cũng giúp người chăn nuôi gỡ gạc được phần nào chi phí.

Tỉnh Bến Tre là một trong những địa phương có sản lượng heo thương phẩm lớn nhất ở ĐBSCL. Ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre cho biết: "Hiện đàn heo của tỉnh ước khoảng 410.000 con. Giá heo thấp nên nhà nông đang gặp khó khăn. Nhiều người đang tự mổ heo để bán thu hồi vốn mà không qua thương lái. Do giá heo thấp nên hộ nào còn heo nhỏ gáng nuôi cầm cự. Các hộ hạn chế, không tái đàn lúc này. Hiện tỉnh cũng chưa có chính sách gì hỗ trợ người chăn nuôi. Chúng tôi cũng hy vọng Chính phủ có chính sách hỗ trợ phục hồi chăn nuôi, kích cầu giá heo hơi trong nước.”

Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân trong Tổ hợp tác chăn nuôi an toàn sinh học An Phước (ở ấp An Phước, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam tỉnh Bến Tre) cho biết: THT có 18 nông hộ tham gia nuôi heo an toàn sinh học. Hiện nay, nông dân bán heo với giá dao động từ 3,2 - 3,4 triệu đồng/tạ, dưới giá thành chăn nuôi. Có hộ nuôi lỗ ít nhất cũng 20 triệu đồng, còn hộ nào nuôi nhiều lỗ cả trăm triệu. Giá heo quá thấp bán không ai mua nên nhiều người đành phải tự mổ đem bán thu hồi vốn chứ càng nuôi càng lỗ.

Trước tình hình giá heo đang giảm mạnh, các tỉnh ở ĐBSCL cũng chưa có chính sách gì hỗ trợ người chăn nuôi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trước tình hình giá heo đang giảm mạnh, các tỉnh ở ĐBSCL cũng chưa có chính sách gì hỗ trợ người chăn nuôi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Trước Tổ hợp tác có liên kết với một doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, bây giờ giá heo rẻ doanh nghiệp này cũng bỏ chạy. Quá trời heo, bây giờ mổ heo tự phát đầy đường hết trơn. Đầu dịch tới cuối mùa dịch tôi mổ bán cho bà con ăn, cũng đỡ đỡ.  Hiện đàn heo nái, heo con vẫn còn nhiều mà giá heo quá rẻ nên nhà nông cũng gặp nhiều khó khăn. Bây giờ, heo con mỗi nhà còn trên chục con mà giá bán cũng có mấy trăm ngàn, không có ai mua. Mình gáng vay ngân hàng, mua chịu thức ăn chỗ đại lý nuôi cầm cự chờ qua dịch chứ biết làm sao”, ông Dũng cho biết thêm.

Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang cho biết: Hiện nay, số lượng heo tại An Giang vẫn ổn định ở mức đàn  trên 58.000 con. Công tác đảm bảo an toàn, phòng chống dịch trên heo vẫn được địa phương triển khai thường xuyên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, mức tiêu dùng giảm nên giá heo bị kéo xuống thấp gây khó khăn cho người chăn nuôi. Ngành nông nghiệp cũng đã triển khai nhiều biện pháp, hỗ trợ người chăn nuôi như tạo ra các chuỗi liên kết, liên hệ thương lái…

Người chăn nuôi đang kỳ vọng những tháng cuối năm giá heo tăng giá trở lại, giúp người dân có lãi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Người chăn nuôi đang kỳ vọng những tháng cuối năm giá heo tăng giá trở lại, giúp người dân có lãi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Luôn vận động người chăn nuôi thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi như: quy trình chăn nuôi phù hợp để hạn chế mầm bệnh xâm nhập vào trại, tiết kiệm chi phí trong quá trình chăn nuôi, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi. Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, xác định và định hướng phát triển đàn heo theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp liên ngành tại cửa khẩu kiểm tra chặt chẽ các phương tiện vận chuyển và hàng xách tay ngăn chặn nhập lậu heo và các sản phẩm từ heo. Đồng thời tuyên truyền và vận động các hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn heo về lở mồm long móng.

Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho rằng, trong tnh hình hiện nay bà con hạn chế tăng đàn. Cần phải kết nối tăng cường tiêu thụ nội địa, hạn chế nhập khẩu thịt đông lạnh. Bên cạnh đó, tạo thuận lợi trong lưu thông mua bán mùa Covid-19. Ông Đoàn Văn Đảnh cũng kiến nghị Trung ương nên có nhà máy thu mua, trữ đông và chế biến trong tình hình giá thấp và cân đối khi giá cao.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.