| Hotline: 0983.970.780

'Đánh thức' các Vườn Quốc gia

Sống lay lắt giữa kho báu đại ngàn

Thứ Ba 16/05/2023 , 09:13 (GMT+7)

Có những chính sách đang như sợi dây thừng trói chặt kho báu trong các vườn quốc gia và trói luôn sinh kế của hàng triệu người miền rừng.

Rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Hoàng Anh.

Rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Hoàng Anh.

Nằm trên địa bàn các xã Hoàng Liên, Tả Van, Bản Hồ của tỉnh Lào Cai và Phúc Khoa, Trung Đồng của tỉnh Lai Châu, Vườn Quốc gia Hoàng Liên hiện quản lý khoảng 28,5 nghìn ha vùng lõi, 1.383 ha vùng đệm trong và có hơn 62.407 ha vùng đệm ngoài.

Hoàng Liên là một trong số các vườn quốc gia “sinh sau đẻ muộn”, đến nay mới chỉ hơn 20 năm, trong khi đồng bào các dân tộc Mộng, Dao, Tày, Giáy… đã sinh sống ở rừng tự lâu đời.

 Ông Nguyễn Duy Thịnh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên nói, nếu không thay đổi chính sách thì bài toán hài hòa giữa đời sống bà con và công tác bảo vệ, phát triển rừng sẽ còn nan giải.

1.

Nhìn từ trên bản đồ xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai gần như bị bao trùm hết bởi một màu xanh lá. Màu xanh của rừng. Bốn bề là rừng núi, xã nằm giữa một lòng chảo hứng nước từ con suối bắt nguồn từ Mường Hoa, ngày thường qua thung lũng nước chảy êm đềm, trên cao nhìn xuống giống hồ nước lớn nên mới có tên là xã Bản Hồ.

Với diện tích tự nhiên khoảng  hơn 11.000 ha, trong đó có hơn 9.000 ha rừng đặc dụng do Vườn Quốc gia Hoàng Liên quản lý, Bản Hồ là xã nhiều rừng nhất ở Sa Pa và hình như cũng là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất thì phải.

Chủ tịch xã Lý Láo Tả và bản đồ toàn màu xanh của xã Bản Hồ. Ảnh: Văn Việt. 

Chủ tịch xã Lý Láo Tả và bản đồ toàn màu xanh của xã Bản Hồ. Ảnh: Văn Việt. 

Chủ tịch xã Bản Hồ Lý Láo Tả nói giọng trầm buồn: Đáng ra với diện tích đất đai rộng lớn như ở đây người dân muốn nghèo cũng khó, nhưng phần lớn diện tích đó lại là đất của vườn quốc gia, không được làm bất cứ cái gì trong đó cả, chỉ giữ gìn, bảo vệ thôi.

Cho nên Bản Hồ mới nghèo. Cả xã có hơn 600 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Tày, Mông, Dao hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn hơn 42%. Đời sống của hơn 3.000 nhân khẩu trông chờ vào 150 ha lúa trồng một vụ, trước đây còn có chút thu nhập thêm nhờ trồng cây thảo quả dưới tán rừng, nhưng sau thấy trồng loại cây này ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng nên nhà nước cấm, dân khổ lại càng thêm khổ.

Tả Trung Hồ, Ma Quái Hồ, Séo Trung Hồ, Nậm Tóng, La Ve, năm thôn bản nằm trong vùng lõi của vườn quốc gia là những thôn nghèo nhất. Dù cả bên Vườn Quốc gia Hoàng Liên và chính quyền địa phương tìm đủ mọi cách để tạo thêm sinh kế cho bà con tuy nhiên đụng chỗ nào vướng chỗ đó.

Nhà nước chả tuyên truyền đi vào rừng đặc dụng của vườn quốc gia chỉ để lại những dấu chân, chỉ lấy đi những bức ảnh đấy là gì.

Lý A Sẩu và cánh rừng bản La Ve. Ảnh: Văn Việt. 

Lý A Sẩu và cánh rừng bản La Ve. Ảnh: Văn Việt. 

Mấy anh em ở trạm kiểm lâm số 5 dẫn chúng tôi lên La Ve, bản 100% người Tày của xã Bản Hồ. Nói qua về công tác bảo vệ rừng, có lẽ hiếm có nơi nào người dân chấp hành chuẩn chỉ như là ở đây. 120 hộ người Tày La Ve sống giữa vùng lõi của rừng Hoàng Liên. Cây cối của vườn quốc gia quản lý mọc đến tận mái hiên nhà sàn. Thâm u, trầm mặc, bởi rừng với người Tày không chỉ là sinh kế mà còn mang nhiều giá trị văn hóa, tâm linh.

Lý A Sẩu vừa là Bí thư Chi bộ, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bản Hồ vừa là tổ trưởng tổ bảo vệ rừng cộng đồng La Ve chia sẻ: Năm nào cũng vậy, vào những dịp sau tết cổ truyền người Tày ở đây lại làm lễ ăn thề để cùng nhau gìn giữ, bảo vệ rừng. Đại diện tất cả các hộ dân trong bản tập trung khi thì ở nhà ông bí thư chi bộ, khi ở nhà trưởng bản hoặc nhà văn hóa để cùng nhau làm lễ ăn thề.

Giữ rừng ở La Ve được đưa vào hương ước. Ảnh: Hoàng Anh.

Giữ rừng ở La Ve được đưa vào hương ước. Ảnh: Hoàng Anh.

Một bản hương ước được những người có uy tín của bản công bố. Có mấy nội dung trọng tâm như không được thả rông gia súc vào rừng, không chặt phá, lấn chiếm đất rừng, không được lên rừng hái măng, tích cực tham gia tuần tra, bảo vệ rừng…

Gia đình nào cũng phải ký cam kết, nếu có vi phạm chấp nhận chịu sự trừng phạt theo hương ước bản đã ban hành. Nhờ thế mà rừng ở đây được gìn giữ từ đời này qua đời khác. Tên của bản cùng với tên con suối La Ve, nghĩa là trong sạch, mát lành, chính nhờ rừng được giữ gìn, bảo vệ.

Kể từ dạo có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, với diện tích giao khoán khoảng gần 300 ha, mỗi năm bản La Ve nhận được khoảng 160 triệu đồng. Một nửa được chia cho dân bản nâng cao đời sống, nửa còn lại dùng cho hoạt động của tổ xung kích bảo vệ rừng gồm 12 người. Mỗi tháng đi tuần rừng 4 lần, cũng gọi là đỡ đần đôi chút chứ chưa thể đảm bảo được cuộc sống đồng bào.

Thành thử, cũng giống như Chủ tịch xã Lý Láo Tả, Lý A Sẩu tâm tư, đời sống bà con còn vất vả quá các anh ạ. 52 hộ dân còn trong diện nghèo và cận nghèo, không phải bà con lười nhác gì đâu, mà vì đất đai sản xuất ít quá, lại chỉ làm được có một vụ, rừng mênh mông thế mà chỉ giữ thôi chứ không được làm gì. Làm cán bộ thôn bản Sẩu thấy mình phải có trách nhiệm tìm sinh kế cho bà con chứ cứ để thế này thì nguy quá.

Phát triển cây khoai sâm Hoàng Sin Cô ở La Ve. Ảnh: Văn Việt. 

Phát triển cây khoai sâm Hoàng Sin Cô ở La Ve. Ảnh: Văn Việt. 

Năm 2021, Hợp tác xã nông nghiệp Bản Hồ được thành lập với 7 thành viên, Sẩu là giám đốc. Vườn Quốc gia Hoàng Liên và xã Bản Hồ kỳ vọng hợp tác xã khi đi vào hoạt động sẽ phát triển các loại cây trồng thế mạnh như khoai sâm Hoàng Sin Cô, trà cúc, chăn nuôi lợn thảo dược…

Cũng liên kết hợp tác với các hộ dân ở các bản Tả Trung Hồ, Ma Quái Hồ, Séo Trung Hồ và các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra ở Hà Nội rồi nhưng hướng phát triển bền vững xem ra còn rất mông lung. “Tính ra nếu phát triển được khoai sâm doanh nghiệp họ sẽ bao tiêu với giá 5-8 nghìn đồng/kg, trà cúc khoảng 200-500 nghìn đồng/kg.

Từ điều kiện tự nhiên đến thị trường tiêu thụ ở đây rất phù hợp, giá trị kinh tế cũng cao rất nhiều so với làm lúa, chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện hợp tác xã mới chỉ thực hiện được ở các diện tích ruộng bậc thang chuyển đổi, còn diện tích vườn quốc gia quản lý thì vẫn đang vướng, chưa ai cho làm gì.

2.

Mắc trước mắc sau. Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, ông Nguyễn Duy Thịnh cứ nói đi nói lại với chúng tôi mãi cái câu ấy khi đặt vấn đề cởi trói cho các vườn quốc gia. Từ phát triển kinh tế dưới tán rừng, chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng đều “mắc trước mắc sau” như thế cả. Không chỉ Hoàng Liên mà là thực trạng chung của tất cả các vườn quốc gia trên đất nước này.

Vẻ đẹp chưa được đánh thức ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Hoàng Anh. 

Vẻ đẹp chưa được đánh thức ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Hoàng Anh. 

Trong rừng Hoàng Liên, nếu nói về danh lam thắng cảnh có muôn vàn. Đó là đỉnh Fansipan, nóc nhà Đông Dương. Là Suối Vàng - Thác Tình Yêu, Vũng Rồng - Giếng Tiên, núi Hàm Rồng, Thác Bạc Sa Pa, Cổng trời Sa Pa…

Nếu nói về văn hóa là đời sống, bản sắc bao đời nay của cộng đồng các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy. Về đa dạng sinh học là số loài động, thực vật đặc hữu nhiều nhất đất nước. Ấy vậy mà ông Thịnh nói, kho báu khổng lồ ấy chưa phát huy được giá trị gì cũng là vì “mắc trước mắc sau”.

Kể từ khi có dự án cáp treo lên đỉnh Fansipan, mỗi năm vườn quốc gia nhận được hơn 7 tỷ đồng tiền thuê môi trường rừng, cùng với đó, các tuyến du lịch leo núi chinh phục đỉnh Fansipan theo nhiều cung đường khác nhau cũng được đưa vào khai thác.

Đặc biệt là du lịch làng bản, du lịch văn hóa, nhân văn trong khu vực vùng lõi vườn quốc gia cũng đã mở ra những con đường mới, gắn bó chặt chẽ giữa bảo vệ và phát triển rừng, mở ra sinh kế cho đồng bào. Đơn giản nhất như nghề làm porter, khuân vác, hướng dẫn khách du lịch leo núi cũng có thể thu nhập từ 300-500 nghìn đồng mỗi ngày.

Rồi du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay, phát triển dược liệu dưới tán rừng… Có biết bao nhiêu cơ hội mở ra, nhìn thấy rất rõ để phát triển nhưng cứ đụng vào là mắc.

Loạt vướng mắc trong phát triển kinh tế rừng đang cần tháo gỡ. Ảnh: Hoàng Anh. 

Loạt vướng mắc trong phát triển kinh tế rừng đang cần tháo gỡ. Ảnh: Hoàng Anh. 

“Chúng tôi đã xây dựng xong phương án quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững và Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên, giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quy hoạch rõ 7 khu có thể cho thuê dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, nhằm mục đích vừa bảo tồn vừa phát triển. Nếu đối chiếu với Luật Lâm nghiệp 2017 thì không vướng gì, tuy nhiên Nghị định 156/2018/NĐ-CP còn nhiều vấn đề bất cập”, ông Thịnh phân tích.

Theo Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, cơ chế chính sách hiện nay khuyến khích thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, thuê dịch vụ môi trường rừng nhằm tăng nguồn thu cho quỹ bảo vệ và phát triển rừng, tuy nhiên các luật chưa đồng bộ, chưa có cơ sở đảm bảo để doanh nghiệp có thể yên tâm rót tiền đầu tư.

Ví dụ, khi thực hiện một dự án ở trên đất rừng, ngoài vấn đề ký hợp đồng với chủ rừng, trả tiền thuê môi trường rừng thì tài sản của doanh nghiệp phải được công nhận, đảm bảo ra làm sao, so với Luật Xây dựng, Luật Đầu tư sẽ như thế nào. Không thể kêu gọi người ta bỏ hàng mấy nghìn tỷ đồng vào đấy rồi lại thay đổi, hôm nay phù hợp ngày mai lại không được.

Dưới tán rừng Hoàng Liên. Ảnh: Hải Đăng. 

Dưới tán rừng Hoàng Liên. Ảnh: Hải Đăng. 

Rồi cả chính sách phát triển dược liệu dưới tán rừng cũng mắc. Nghị định 156/2018/NĐ-CP mới chỉ quan tâm đến thuê rừng phát triển du lịch sinh thái chứ chưa rõ ràng chuyện thuê làm dược liệu. Tiềm năng của Hoàng Liên với mảng này lớn vô cùng.

Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp liên kết với người dân phát triển thương hiệu sâm Fansipan, khoai sâm Hoàng Sin Cô, trà cúc, hoa lan, thậm chí trồng được cả sâm Ngọc Linh và vô số loài thảo dược khác. Đó không chỉ là nâng cao giá trị kinh tế rừng mà còn là sinh kế, đời sống và là lối mở của hàng vạn đồng bào gắn bó với rừng từ bao nhiêu đời qua.

Chúng tôi tính rằng một ha trồng khoai sâm Hoàng Sin Cô hiện cho thu nhập khoảng từ 120 -150 triệu đồng, trong khi đó đồng bào trồng lúa trên chừng ấy diện tích một vụ thu tốt lắm cũng chỉ 5 tấn thóc, trừ chi phí còn được khoảng 25 triệu. Vườn quốc gia có đất, có lao động là đồng bào bản địa, nếu liên kết với các doanh nghiệp có vốn, khoa học, thị trường sẽ tạo thành chuỗi khép kín, kinh tế rừng là ở chỗ đó chứ ở đâu.

“Tổng kết lại cho thuê dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, phát triển dược liệu là hướng phát triển bền vững nhất với Hoàng Liên. Chính phủ cũng có đề án rồi tuy nhiên các bộ ngành chưa quy định rõ. Chúng tôi đề nghị sớm sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định cụ thể về thuê môi trường rừng, có như thế mới có thể cởi trói cho các vườn quốc gia, cũng là cởi trói cho hàng triệu đồng bào ở miền rừng”, ông Nguyễn Duy Thịnh kiến nghị.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.