| Hotline: 0983.970.780

'Bánh tét lột dần' các thiếu hụt để giảm nghèo

Thứ Hai 30/10/2023 , 06:10 (GMT+7)

Bình Định Xác định được '8 nguyên nhân, 12 thiếu hụt' để đẩy lui cái nghèo đeo bám, huyện vùng cao An Lão đã vận dụng mọi nguồn lực giúp người dân.

Lộ trình giảm nghèo

An Lão là huyện miền cao của tỉnh Bình Định, đời sống người dân chủ yếu nương tựa vào khoảnh ruộng, đám rẫy nên thu nhập chẳng có là bao. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện An Lão còn đến 43,24%. Do đó, nhắc đến An Lão nhiều người cứ mặc định cái tên “huyện nghèo”.

Với mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025, những năm gần đây huyện An Lão đẩy nhanh triển khai, thực hiện các dự án, chương trình, tích cực đưa 3 chương trình mục tiêu quốc gia đi vào đời sống.

“Dựa trên 8 nguyên nhân, 12 thiếu hụt dẫn cái nghèo đến với nhiều hộ dân trên địa bàn, chúng tôi giải quyết từng nguyên nhân, từng thiếu hụt theo kiểu “bánh tét lột dần” để người nghèo từng bước thoát nghèo. Với tỷ lệ hộ nghèo 43,24% trong năm 2022, trong năm 2023 chúng tôi phấn đấu giảm nghèo 10%, cao hơn chỉ tiêu tỉnh giao và sẽ thoát nghèo vào năm 2025”, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Lão chia sẻ.

Chị Đinh Thị Phúc, cán bộ nông nghiệp xã An Trung (huyện An Lão, Bình Định) bên ngôi nhà khang trang của nông dân Đinh Văn Miết ở thôn 8. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Đinh Thị Phúc, cán bộ nông nghiệp xã An Trung (huyện An Lão, Bình Định) bên ngôi nhà khang trang của nông dân Đinh Văn Miết ở thôn 8. Ảnh: V.Đ.T.

1 trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện An Lão còn cao là về nhà ở. Hiện trên địa bàn huyện này còn 1.031 nhà ở đơn sơ, trong năm 2023 địa phương đang thực hiện hỗ trợ cho 140 hộ xóa nhà đơn sơ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ, cùng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ. Từ nay đến năm 2025 huyện An Lão sẽ phấn đấu xóa nhà ở đơn sơ trên địa bàn.

“Vấn đề xóa nhà ở đơn sơ chúng tôi đã lên kịch bản cụ thể, kinh phí cũng đã được tỉnh phê duyệt, địa phương chúng tôi đang dốc lực thực hiện”, ông Đỗ Tùng Lâm cho hay.

Một nguyên nhân nữa là hiện ở An Lão còn khoảng 1.000 hộ dân thiếu đất sản xuất, riêng xã An Vinh có đến 90% hộ dân bị “đói đất”. Để giải quyết, theo Phó Chủ tịch Đỗ Tùng Lâm, chính quyền huyện đang xây dựng phương án đề nghị UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương thu hồi đất của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện An Lão giao cho bà con sản xuất.

Nhà một người dân ở thôn 8, xã An Trung thoát nghèo nhờ mô hình nuôi heo đen. Ảnh: V.Đ.T.

Nhà một người dân ở thôn 8, xã An Trung thoát nghèo nhờ mô hình nuôi heo đen. Ảnh: V.Đ.T.

“Vấn đề này đã có ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, cuối năm 2023 tỉnh sẽ có chủ trương, qua năm 2024 huyện sẽ lên kịch bản, thực hiện giao đất. Phấn đấu đến năm 2025 những hộ thiếu đất sản xuất ở xã An Vinh sẽ có đủ đất để canh tác làm ăn. Các xã khác trong huyện cũng còn một số hộ dân thiếu đất, nhưng do quỹ đất của địa phương không còn, nên chúng tôi sẽ thực hiện chuyển đổi nghề cho người dân”, ông Đỗ Tùng Lâm cho biết thêm.

Đối với những hộ thiếu đất sản xuất, chuyển đổi nghề sẽ được UBND huyện An Lão hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để mua thiết bị làm nghề, đồng thời gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Trong năm 2023, huyện An Lão vận dụng các chương trình mục tiêu quốc gia đã mở gần 40 lớp đào tạo các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho người dân trên địa bàn.

Lo khâu tiêu thụ sản phẩm

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Lão, tính từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 9/2023, huyện đã mở 14 lớp dạy nghề nông nghiệp với 455 học viên theo học, gồm các nghề: Nuôi heo rừng, nuôi heo thả, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, trồng cây có múi. Cùng thời gian ấy, ngành chức năng huyện An Lão còn mở 8 lớp dạy các nghề phi nông nghiệp với 280 học viên theo học, gồm các nghề: Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, may công nghiệp, điện công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, hướng dẫn viên du lịch.

Bên cạnh đó, huyện An Lão còn triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất như nuôi heo bản địa (heo đen), nuôi bò lai, nuôi trâu, nuôi gà thả đồi và trồng các loại cây có múi theo định hướng phát triển chung của huyện và Sở NN-PTNT Bình Định.

“Đặc biệt, trong 3 năm qua huyện An Lão thực hiện Dự án chuyển giao kỹ thuật trồng cây chè dây, xây dựng liên kết chuỗi sản xuất và cải thiện sinh kế cho đồng bào Bana tại xã An Toàn do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, UBND huyện giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ huyện An Lão chủ trì thực hiện. Qua 3 năm thực hiện, đời sống của bà con Bana tham gia dự án ở xã An Toàn có chuyển biến tích cực. Khi nghề trồng chè dây trên đất rẫy và khoanh nuôi chè dây dưới tán rừng đi vào ổn định sẽ giúp đồng bào Bana ở xã An Toàn hạn chế nạn phá rừng và thu hái lâm sản dưới tán rừng theo kiểu tận diệt, hủy hoại môi trường tự nhiên”, ông Đỗ Tùng Lâm chia sẻ.

Anh Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão (Bình Định) cùng chị Đinh Thị Phúc, cán bộ nông nghiệp xã An Trung thăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ chăn nuôi, trồng rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão (Bình Định) cùng chị Đinh Thị Phúc, cán bộ nông nghiệp xã An Trung thăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ chăn nuôi, trồng rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Có 90 nông dân ở 3 thôn thuộc xã An Toàn được đào tạo nghề trồng, bảo tồn cây chè dây theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Dự án chọn được 9 điểm trên địa bàn 3 thôn có trữ lượng chè dây tự nhiên cao hơn so với các địa điểm khác trong vùng, tổng diện tích khoanh nuôi gần 12.000ha, mật độ trung bình đạt 16 cây/500m2, trữ lượng có thể lên đến 400 kg/ha.

Cũng theo ông Lâm, từ thành công của mô hình trồng và khoanh nuôi cây chè dây trong rừng tự nhiên ở xã An Toàn, hiện huyện An Lão tiếp tục triển khai các mô hình trồng cây dược liệu tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn. Giai đoạn đầu triển khai An Lão gặp không ít khó khăn vì đồng bào thiểu số ở huyện nghèo không có vốn đầu tư, hơn nữa, việc tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật trong trồng cây dược liệu của bà con không nhanh, kéo theo việc nhân rộng mô hình cũng chậm theo.

“Điều lo nhất là đầu ra của sản phẩm. Hiện chúng tôi đang tiến hành ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cây dược liệu, được như thế bà con mới yên tâm sản xuất, tạo thế đẩy mạnh phong trào”, ông Đỗ Tùng Lâm chia sẻ.

Giữa năm nay, Sở Công thương Bình Định đã hỗ trợ xây dựng mô hình thương mại 2 chiều, kết nối tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho huyện An Lão. HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn (xã An Toàn, huyện An Lão) mở quầy bán các sản phẩm của 20 thành viên tại huyện An Lão và hoàn thiện các bộ thiết kế, gian hàng trưng bày, tài liệu, tờ rơi, kênh truyền thông website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Mô hình nuôi heo đen của 1 hộ dân ở thôn 8 xã An Trung, huyện An Lão (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Mô hình nuôi heo đen của 1 hộ dân ở thôn 8 xã An Trung, huyện An Lão (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

HTX này xác định danh sách các sản phẩm tiềm năng của địa phương để đưa vào bày bán tại điểm mô hình thương mại 2 chiều; lựa chọn và trồng thử nghiệm được một số loại nông sản, dược liệu phù hợp để triển khai chuyển giao cho các hộ thành viên và hộ liên kết. Sở Công thương Bình Định còn tổ chức hỗ trợ phần mềm quản lý bán hàng, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường để tiêu thụ sản phẩm của đồng bào miền núi.

“Thiết lập chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm do những hộ nghèo sản xuất ra là cách giảm nghèo bền vững, hiệu quả”, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Lão khẳng định.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.