Theo ông Tuấn, chuyến khảo sát nói trên được 9 chuyên gia, nhà khoa học của Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện trong vòng 4 ngày và kết thúc vào ngày thứ 6 (21/7) vừa qua. Phạm vi khảo sát rộng 30 ha tại vùng biển dự kiến nhận chìm thuộc xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận).
“Có 4 nội dung khảo sát đã được thực hiện gồm: đo đạc, vẽ bản đồ địa hình; quay phim hiện trạng nền đáy; lấy mẫu trầm tích và lấy mẫu sinh vật đáy trong trầm tích. Trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên. Nhóm khảo sát đang hoàn thành báo cáo sơ bộ để tôi trực tiếp ra Hà Nội báo cáo lên Bộ TN-MT”, ông Tuấn cho biết.
Ông Tuấn khẳng định thêm: “Viện Hải dương học là “cơ quan tư vấn độc lập”. Cái này là làm theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên - Môi trường, còn quy trình thì người ta làm rồi, báo cáo đánh giá tác động môi trường người ta cũng đã làm. Người ta làm công việc theo quy trình của họ, còn bây giờ chúng tôi được yêu cầu thì chúng tôi làm cái này”.
Trước đó, Cty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Đề nghị này đã được Bộ Tài nguyên – Môi trường chấp thuận. Tổng diện tích được phép nhận chìm là 30ha mặt nước biển, nơi nhận chìm có độ sâu không quá 30m ở vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.
Theo đó, vật chất được phép nhận chìm có khối lượng gần 1 triệu m3, bao gồm bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.