| Hotline: 0983.970.780

'Nhấn chìm 1,5 triệu m3 chất thải vào biển là đúng pháp luật'

Thứ Hai 10/07/2017 , 09:40 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN-MT) trước dư luận lùm xùm về vụ việc này trong thời gian qua.

Đúng luật hoàn toàn?

Theo Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), sau khi nhận được Hồ sơ đề nghị cấp phép nhấn chìm 1,5 triệu m3 chất thải vào biển của Cty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (nằm trên địa bàn xã Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận) thì Bộ này đã thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp giấy phép với sự tham gia của 22 thành viên là các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sinh thái, hải dương học, một số hội nghề nghiệp, BQL Khu bảo tồn biển Hòn Cau, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận và các bộ, ngành liên quan.

14-14-47_h1jpg
Khu bảo tồn biển Hòn Cau, nơi này chỉ cách Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân I khoãng 5km

Cùng với việc tổ chức thẩm định, Bộ TN-MT cũng có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành và các ý kiến góp ý của hội đồng thẩm định, các đơn vị, địa phương liên quan. Trên cơ sở quy định của các Luật liên quan, ý kiến thông qua, Bộ TN-MT đã cấp Giấy phép số 1517 ngày 23/6/2017 cho phép Cty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu sau nạo vét (nói nôm na là chất thải - PV) từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Việc cấp Giấy phép này, theo Bộ TN-MT là đã tuân thủ theo đúng quy định pháp luật, chú trọng các giải pháp bảo vệ môi trường biển, khu vực bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda và các khu vực ven bờ. Vật chất nhận chìm có khối lượng 918.533m3, bao gồm 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu. Phương tiện nhận chìm được sử dụng là các xà lan phễu chuyên dụng, nhận chìm theo hình thức mở đáy xà lan và sử dụng lưới chắn bùn nhằm giảm thiểu phát tán vật.

Thời gian được phép nhận chìm chỉ thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10/2017, là thời gian gió mùa Tây Nam hoạt động, nên hướng phát tán vật, chất nhận chìm không hướng về Khu bảo tồn biển Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản ven bờ. Hơn nữa, độ sâu lớn nhất của khu vực nhận chìm là -36,1m, trong khi đó, độ sâu của Khu Bảo tồn biển Hòn Cau từ -5m đến -10m nên khó có khả năng dịch chuyển vật, chất nhận chìm ở đáy biển đến Khu Bảo tồn biển Hòn Cau.

14-14-47_h2jpg
Ban lãnh đạo Cty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 báo cáo phương án đảm bảo an toàn khi thi công nhận chìm 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển ngày 7/7/2017


Còn lo ngại

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có 5 nhà máy nhiệt điện, trong đó Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân I do phía Trung Quốc và TCty Điện lực Vinacomin, thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cùng tham gia góp vốn. Ông Zhang Tanzhi là Chủ tịch Hội đồng thành viên. Mới đây, ngày 8/7, TCty Phát điện 3 (EVNGENCO3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết cũng đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển Vĩnh Tân 2,4 triệu m3 bùn, cát thải sau nạo vét.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Lâm (GĐ Sở TN-MT Bình Thuận), trong quá trình triển khai có khả năng nước sẽ đục, ảnh hưởng đến các hộ dân nuôi tôm vì họ bơm nước biển để nuôi. Ông đề nghị phải có phòng giám sát cộng đồng để người dân tự giám sát cùng với các cơ quan chức năng.

Ông Trương Ngọc Giao (GĐ BQL Khu bảo tồn biển Hòn Cau) lo ngại, vị trí nhận chìm sau này sẽ có một lớp bùn cát có thể cao tới 6-7m, đây lại là vùng nước trồi đặc biệt.

Khi nước trồi lên, chảy đi theo dòng sẽ mang theo bùn cát sang khu biển khác. Do vậy, sau khi thi công xong và sau đó 1 năm là phải đánh giá lại xem Hòn Cau ảnh hưởng tới mức nào, chứ không phải làm xong rồi thôi.

Ông Huỳnh Quang Huy (Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận) nói thêm về độ lan tỏa của dòng chảy, bởi vì đây là vùng nước trồi 1 năm có 2 dòng chảy rõ ràng. Vì vậy, đề nghị đặt thêm một số trạm quan trắc ở xa hơn lấy từ đầu điểm ở Mũi Né.

Còn ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong băn khoăn, trong quá trình thi công nhận chìm thì phía đơn vị thi công, nhà máy phải có trách nhiệm, khi thấy có vấn đề là phải lập tức dừng ngay.

"Đề nghị không chỉ có các trạm quan trắc biển, mà phải đặt thêm nhiều điểm quan trắc trong bờ, vì trong bờ có nhiều hoạt động kinh tế khác", ông Điển nói.

“Bộ TN-MT không buông lỏng vấn đề bảo vệ môi trường biển. Chúng tôi ý thức được trách nhiệm trước dân và Chính phủ trong việc này. Khi thi công nếu các chỉ số vượt so với giấy phép thì cả Viện Hải dương học Nha Trang, Sở TN-MT Bình Thuận và đoàn công tác của Bộ đều có thể ra quyết định tạm dừng thi công ngay” - Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc.

 

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.