Ông Nguyễn Quang Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, huyện An Dương cho biết, trên địa bàn xã vừa bùng phát ổ dịch tả lợn Châu Phi tại hộ ông Phạm Minh Đức, thôn Trạm Bạc.
Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, địa phương đã báo cơ quan chức năng, tổ chức tiêu hủy, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển giết mổ.
Cùng với đó, công tác giám sát dịch bệnh, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi được tăng cường.
Địa phương đã tổ chức trực 24/24 giờ tại chốt kiểm dịch ra vào ổ dịch, tổ chức hướng dẫn kiểm soát dịch bệnh và giám sát chặt chẽ đàn lợn tới tận các hộ chăn nuôi.
Trước thời điểm dịch bệnh xảy ra, gia đình ông Phạm Minh Đức đang có tổng cộng 55 con lợn thịt, đã nuôi được gần 3 tháng tuổi. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ông Đức nhập giống không rõ nguồn gốc từ tỉnh Thái Bình, không thực hiện kiểm dịch và tiêm phòng theo quy định.
“Sau khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi đã nhanh chóng triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
Các cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu huỷ 17 con lợn thịt, tổng trọng lượng hơn 900 kg của gia đình ông Đức. Rất may, đến nay đã 6 ngày trôi qua mà trên địa bàn chưa phát sinh thêm tình trạng lợn ốm chết hay ổ dịch mới”, ông Nguyễn Quang Phúc cho hay.
Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương cho biết, địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo các hướng dẫn khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
Đối với ổ dịch tả lợn Châu Phi ở xã Lê Lợi, cơ quan chức năng đã tập trung khoanh vùng, dập dịch và sàng lọc những con lợn mắc bệnh và khẩn trương tiêu hủy theo đúng cái quy định để đảm bảo không phát tán dịch ra các hộ chăn nuôi khác.
Bên cạnh đó, huyện An Dương cũng đã tập trung để mua hóa chất khử trùng để giao cho các địa phương, các cái trang trại, các hộ dân để chủ động tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi.
Để dịch không lây lan trên diện rộng, huyện An Dương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo sự chỉ đạo của UBND thành phố Hải Phòng.
“Hiện tại trên địa bàn huyện đang có 6 trang trại quy mô nhỏ và 570 hộ chăn nuôi với tổng đàn lợn hơn 7.800 con. Dù quy mô đàn không lớn nhưng tập trung chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ nên việc phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn”, ông Toản thông tin.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, chủ động, các địa phương đang có dịch tả lợn Châu Phi là xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy) và xã Lê Lợi (huyện An Dương) sẽ tiếp tục thực hiện khử trùng, tiêu độc hố chôn hủy, khu vực xung quanh ổ dịch đúng quy định.
Bên cạnh đó, phải tổ chức thường trực tại chốt kiểm dịch ra vào ổ dịch, tiếp tục thống kê đàn gia súc nuôi trên địa bàn, giám sát chặt chẽ đàn lợn/trâu/bò tới tận các hộ chăn nuôi và triển khai thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.
Đối với phòng nông nghiệp các huyện, phòng kinh tế các quận cần tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các ban ngành chức năng tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh tới tận các hộ, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, nơi kinh doanh nhằm phát hiện sớm, báo cáo kịp thời các trường hợp mắc bệnh, nghi mắc bệnh để có các biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Tính đến 16/7, tại Hải Phòng, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 27 hộ trên địa bàn 2 xã thuộc huyện Kiến Thụy và An Dương, số lợn tiêu hủy bắt buộc là 420 con (12 con lợn nái, 399 con lợn nuôi thịt và 9 con lợn con), trọng lượng lợn tiêu hủy hơn 16 tấn.
Trong đó, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, dịch xảy ra tại 26 hộ, số lợn tiêu hủy bắt buộc là 365 con với tổng trọng lượng hơn 13 tấn. Tại xã Lê Lợi, huyện An Dương, dịch xả ra tại 1 hộ, số lợn chết, tiêu hủy bắt buộc là 55 con lợn thịt, trọng lượng lợn tiêu hủy hơn 3 tấn.