Theo báo cáo mới nhất đến ngày 21/7 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh đã có 8.752 con bò của 5.345 hộ gia đình 13 huyện, thị xã, thành phố mắc bệnh viêm da nổi cục (VDNC). Trong đó, có 372 con chết, tiêu hủy do sức đề kháng giảm kéo theo bệnh viêm phổi, tụ huyết trùng... Hiện đã có 1.909 con khỏi bệnh, tuy nhiên số con bị bệnh vẫn rất nhiều với 6.471 con.
Điều đáng nói, bệnh VDNC trên trâu, bò tại Gia Lai đang gia tăng theo cấp số nhân và diễn biến khá phức tạp. Nếu như 10 ngày trước, Gia Lai có 4.500 con bò bị bệnh VDNC thì nay đã có gần 9.000 con bị bệnh.
Gia đình ông Huân (làng Bia Bre, xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) có đàn bò 5 con, hiện đã có 1 con bị bệnh VDNC. “Ngay khi phát hiện, tôi đã báo cáo với cán bộ thú y xã và được hướng dẫn nuôi nhốt riêng bò bị bệnh, tiêm thuốc kháng sinh… Vì vậy, những viết lở loét trên da bò đã khô lại và bò ăn uống bình thường. Cũng nhờ kịp thời phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng nuôi nên bệnh không lây lan sang những con khác”, ông Huân cho biết.
Tương tự tại Kon Tum, chỉ tính trong ngày 20/7, trên địa bàn tỉnh phát sinh 26 con bò mắc bệnh VDNC. Trong đó, huyện Đăk Tô có số con bò mắc bệnh nhiều nhất với 13 con, TP. Kon Tum có 9 con, huyện Đăk Hà có 4 con.
Tính đến ngày 20/7, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có 3.177 con trâu, bò bị bệnh VDNC. Trong đó có 155 con bò đã bị chết và bắt buộc tiêu hủy, 1.742 con đã chăm sóc khỏi triệu chứng lâm sàng, đang tiếp tục chăm sóc 1.280 con.
Theo nhận định, tình hình dịch bệnh VDNC thời gian tới có khả năng diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Nguyên nhân, VDNC là bệnh mới, chưa được đưa vào danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch nên việc hướng dẫn tổ chức phòng, chống dịch còn nhiều hạn chế; véc-tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng...) khó kiểm soát; tỷ lệ tiêm phòng thấp, sau khi tiêm cần khoảng 21 ngày mới đảm bảo đủ bảo hộ.
Trước tình hình đó, tỉnh Kon Tum đã đôn đốc các ngành chức năng theo dõi, nắm bắt thông tin dịch bệnh và chủ động hướng dẫn các địa phương đang có dịch triển khai các biện pháp phòng, chống theo quy định.
Đồng thời, phân công cán bộ chuyên môn xuống các ổ dịch, phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, chính quyền địa phương các xã triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như rải vôi, phun thuốc, đồng thời hướng dẫn các hộ chăn nuôi chăm sóc cho gia súc mắc bệnh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã triển khai tiêm phòng được 56.769 con trên tổng số 89.688 liều vacxin theo dự kiến.
Trong khi đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương cần giám sát, kịp thời phát hiện gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh để triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Cảnh báo tình hình dịch bệnh, hướng dẫn cách ly, chăm sóc gia súc bệnh, chăn nuôi theo quy trình, tiêu độc khử trùng, phun thuốc diệt côn trùng truyền bệnh, tiêu hủy gia súc chết. Cùng với đó, hướng dẫn các địa phương thực hiện hỗ trợ cho các hộ có trâu, bò bị tiêu hủy do bệnh VDNC theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai: Hiện các địa phương đã xuất ngân sách hỗ trợ và các tổ chức cá nhân chủ động mua và tiêm phòng được khoảng 117.000 liều vacxin (27% tổng đàn). Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT thì tỷ lệ tiêm phòng ở các địa phương đang có dịch phải đạt từ 90% tổng đàn trở lên mới đạt yêu cầu.
“Sở NN-PTNT đang chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y mua thêm 40.000 liều vacxin từ nguồn ngân sách tỉnh đã được phê duyệt để hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp”, ông Dũng nói và cho biết, Sở NN-PTNT cũng đang tham mưu UBND tỉnh các phương án để chống dịch, để giúp người dân sớm ổn định sản xuất chăn nuôi.
"Trong thời gian tới, khả năng bệnh VDNC tiếp tục lây lan sang các địa phương khác là rất cao. Nguyên nhân do người dân không tự giác báo vì sợ bị giữ bò ở nhà cách ly. Ngoài ra, những con gia súc bị bệnh nhưng vẫn đi lại và ăn uống được, điều này làm cho mầm bệnh phát tán và lây lan nhanh hơn
Vì vậy, các địa phương tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao kiến thức về chăn nuôi nhất là phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi như tự giám sát để phát hiện sớm và chăm sóc hộ lý giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, chủ động mua thuốc diệt các véc-tơ truyền bệnh và vacxin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi của mình".
(Ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai)