| Hotline: 0983.970.780

Bình Định xem xét công bố dịch viêm da nổi cục toàn tỉnh

Thứ Hai 19/07/2021 , 17:35 (GMT+7)

Trước diễn biến dịch phức tạp trên diện rộng, gây thiệt hại khá nặng nề, Bình Định xem xét công bố dịch viêm da nổi cục trâu bò trên toàn tỉnh.

Dịch bệnh tấn công ào ạt

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, cuối tháng 4/2021, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) phát sinh trên đàn bò tại xã Cát Thành (huyện Phù Cát), đến nay đã lây lan ra toàn tỉnh, phủ kín 11 huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh.

Tính đến cuối tháng 6/2021, Bình Định đã có 10.017 con bò bị mắc bệnh, chiếm tỷ lệ 3,2% tổng đàn; trong đó có 877 con bị chết đã được tiêu hủy, 4.939 con đã được điều trị khỏi bệnh.

Bệnh viêm da nổi cục không ngừng tấn công đàn bò ở Bình Định. Ảnh: Chi cục CN-TY Bình Định cung cấp.

Bệnh viêm da nổi cục không ngừng tấn công đàn bò ở Bình Định. Ảnh: Chi cục CN-TY Bình Định cung cấp.

Huyện Tây Sơn là 1 trong những địa phương bị bệnh VDNC gây thiệt hại cho đàn bò nhiều nhất. Tính đến ngày 12/7, trên địa bàn huyện Tây Sơn đã có 7.492 con bò mắc bệnh; trong đó có 427 con bị chết đã được tiêu hủy, 5.602 con đã được điều trị khỏi và hiện đang tiếp tục điều trị cho 1.463 con đang mắc bệnh.

Ngành chức năng huyện này đang tiếp tục giám sát, rà soát, phát hiện các ca bệnh mới để hướng dẫn điều trị triệu chứng. Đồng thời hướng dẫn phác đồ điều trị cho hộ chăn nuôi, vận động người chăn nuôi áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng bệnh và tích cực chăm sóc để làm tăng sức đề kháng cho đàn bò nhằm tránh dịch bệnh xâm nhập.

Sở NN-PTNT Bình Định hiện đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh VDNC và 2 tổ công tác trực thuộc. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cũng đã thành lập tổ phòng chống dịch của đơn vị, phân công thành viên đứng chân địa bàn theo dõi diễn biến tình hình dịch và hỗ trợ địa phương xử lý, phòng chống dịch bệnh.

“Chúng tôi tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các địa phương đang xảy ra dịch, triển khai tiêm phòng vacxin tại những nơi xảy ra dịch bệnh, đồng thời vận động người chăn nuôi tự mua vacxin tiêm phòng cho đàn vật nuôi của mình.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định kiểm tra bò chết vì bệnh VDNC. Ảnh: Chi cục CN-TY Bình Định cung cấp.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định kiểm tra bò chết vì bệnh VDNC. Ảnh: Chi cục CN-TY Bình Định cung cấp.

Tính đến giữa tháng 7/2021, toàn tỉnh đã tiêm phòng được 227.316 con trâu bò, đạt 84,9% tổng đàn thuộc diện tiêm, bao gồm vacxin Nhà nước hỗ trợ và vacxin người dân tự mua tiêm”, ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho hay.

“Bệnh VDNC vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp tại địa phương, gây tâm lý e ngại khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm thịt bò.

Do đó, trong thời gian gần đây, sản lượng tiêu thụ thịt bò tiếp tục giảm mạnh gây thiệt hại cho người chăn nuôi”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.

Đề nghị hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại

Điều đáng mừng là hiện nay, tình hình dịch bệnh tại 2 xã Cát Thành và Cát Khánh (huyện Phù Cát), những địa phương khởi phát bệnh VDNC đã được khống chế, đã qua 15 ngày những địa phương nói trên không có thêm bò mắc bệnh hoặc chết. 

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, số lượng trâu bò bệnh phát sinh mới giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, do thời điểm này bệnh xuất hiện ở thể nặng, chủ yếu xảy ra trên bê và trâu, bò già trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt, nên vẫn còn xảy ra tình trạng bò chết ở các địa phương.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định lấy mẫu bò bị bệnh để xét nghiệm, phân tích bệnh nhằm điều chỉnh phác đồ điều trị. Ảnh: Chi cục CN-TY Bình Định cung cấp.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định lấy mẫu bò bị bệnh để xét nghiệm, phân tích bệnh nhằm điều chỉnh phác đồ điều trị. Ảnh: Chi cục CN-TY Bình Định cung cấp.

"Hiện chúng tôi quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là triển khai có hiệu quả công tác tiêm phòng đợt 2 năm 2021. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch VDNC của ngành chức năng hiện đang gặp nhiều khó khăn do hệ thống mạng lưới thú y cơ sở vừa mỏng vừa yếu, dẫn đến công tác giám sát và phòng chống dịch bệnh gặp nhiều trở ngại”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.

Cũng theo ông Phúc, trước sự tấn công dữ dội của bệnh VDNC trên đàn bò gần 300.000 con của tỉnh, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn gửi Bộ NN-PTNT đề nghị hướng dẫn công bố dịch và xin hỗ trợ thuốc sát trùng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT xét thấy Bình Định đủ điều kiện công bố dịch VDNC nên Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh công bố dịch trên địa bàn.

“Sau khi công bố dịch, Sở NN-PTNT sẽ kiến nghị với UBND tỉnh Bình Định xem xét, cho chủ trương thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ những hộ chăn nuôi trâu, bò bị thiệt hại do bệnh VDNC trong thời gian vừa qua để họ có vốn tái sản xuất. 

Ngoài ra, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu, đề xuất để Sở NN-PTNT xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh, huyện, cơ sở giai đoạn 2021-2030, theo Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.