| Hotline: 0983.970.780

Bão tố dưới những cánh rừng vàng [Kỳ 1]: Tranh chấp dai dẳng

Thứ Tư 06/09/2023 , 08:49 (GMT+7)

Công tác điều tra, đo đạc làm căn cứ phân định, cắm mốc ranh giới rừng của tỉnh Nghệ An không đến nơi đến chốn, đây chính là nguồn cơn đẩy mâu thuẫn leo thang.

Ông Lầu Bá Xềnh, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn đưa tay hướng về khu vực tranh chấp dai dẳng. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Lầu Bá Xềnh, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn đưa tay hướng về khu vực tranh chấp dai dẳng. Ảnh: Việt Khánh.

Hệ lụy lịch sử để lại

Dù trải qua nhiều công đoạn nhưng đến nay kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng năm 2019 trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa được phê duyệt. Diễn biến đứt đoạn này làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý, từ đó làm căn cứ phân định, cắm mốc ranh giới, tiến tới đẩy nhanh chủ trương giao đất, giao rừng.

Được biết, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 4213/QĐ-UBND ngày 20/9/2018 về việc ban hành Đề án giao rừng, gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2018-2021; Quyết định số 425/QĐ-UBND ngày 22/02/2022 về việc gia hạn thời gian thực hiện đến năm 2023. Tuy nhiên ghi nhận đến hết năm 2022, toàn tỉnh mới tiến hành giao rừng gắn với giao đất được hơn 158.000 ha, đạt 59,68%.

Mốc giới thực địa chưa rõ ràng, số liệu thực tế “vênh” qua từng giai đoạn khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng rất khó khăn, đồng thời là nguồn cơn của tranh chấp, kiện tụng, lấn chiếm đất rừng trái luật gây nhức nhối khắp các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Yên Thành, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu…

Quy hoạch 3 loại rừng không đến nơi đến chốn là nguồn cơn của những tranh chấp, mâu thuẫn. Ảnh: Quốc Toản.

Quy hoạch 3 loại rừng không đến nơi đến chốn là nguồn cơn của những tranh chấp, mâu thuẫn. Ảnh: Quốc Toản.

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngành chức năng tỉnh Nghệ An lý giải hàng loạt nguyên do: Quá trình giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trước đây thực hiện không đồng bộ với công tác quy hoạch; giải quyết đền bù, thu hồi đất không dứt điểm; quy hoạch chồng chéo lên đất rừng đã giao…

Lấy thực tế tại Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn, vốn được xem là chủ rừng sở hữu nhiều diện tích nhất sẽ thấy rõ bất cập. Dù đã “biến tấu” nhiều lần nhưng đến nay các cấp ngành chức năng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, các con số thi nhau nhảy múa chẳng biết đường nào mà lần.

Từ mốc trên 172.549 ha giai đoạn 2003 - 2007 tụt xuống 168.140 ha thời kỳ 2007 - 2014, giai đoạn 2014 - 2019 tiếp đà giảm sâu xuống còn 162.204 ha. Năm 2019 đoàn điều tra quy hoạch lâm nghiệp thực hiện rà soát, điều chỉnh quỹ đất trên cơ sở chồng xếp ranh giới 3 loại rừng lại ấn định diện tích 172.768 ha, khá tương đồng so với… thời điểm đầu (?!)

Số liệu thực tế tại Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn 'nhảy nhót' qua từng giai đoạn. Ảnh: Việt Khánh.

Số liệu thực tế tại Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn "nhảy nhót" qua từng giai đoạn. Ảnh: Việt Khánh.

Trong khi đó bản đồ hiện trạng sử dụng đất của ngành Tài nguyên và Môi trường thể hiện Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn đang sử dụng đến 185.584 ha, tựu chung vênh nhau khoảng… 13.000 ha. Từ thực tế này thấy rằng việc tranh chấp, kiện tụng là lẽ đương nhiên.

Tâm điểm Nậm Càn - Lưu Kiền

Dai dẳng nhất, băn khoăn nhất là cuộc tranh chấp của người dân 2 xã Lưu Kiền (huyện Tương Dương) và Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn) xung quanh diện tích 3.120 ha đất rừng.

Trong lá đơn khiếu nại gửi đến lãnh đạo tỉnh Nghệ An vào tháng 6/2021, Trưởng bản Nậm Khiên 1 Lầu Nhìa Xồng; Trưởng bản Nậm Khiên 2 Lầu Tồng Chò, đại diện cho 165 hộ dân tại 2 bản Nậm Khiên 1, 2 của xã Nậm Càn khẳng định: “Không đồng ý Kết luận số 1767 ngày 20/10/2017 của Ban chỉ đạo Dự án 513”.

Trên tinh thần đó, dân bản Nậm Khiên 1, 2 đã biểu quyết 100% ý kiến khiếu nại với các cấp có thẩm quyền, yêu cầu tổ chức “hiệp thương lại” bằng cách điều chỉnh đường ranh giới giữa xã Nậm Càn và Lưu Kiền với lý do “người dân xã Lưu Kiền lấn chiếm vào sâu toàn tuyến của xã Nậm Càn diện tích 3.120 ha”.

Đốt nương làm rẫy là phong tục đã ăn sâu vào máu của đồng bào Mông tại Kỳ Sơn. Ảnh: Quốc Toản.

Đốt nương làm rẫy là phong tục đã ăn sâu vào máu của đồng bào Mông tại Kỳ Sơn. Ảnh: Quốc Toản.

Theo phản ánh của người dân Nậm Càn, trước đây nhân dân xã Nậm Càn và Lưu Kiền có truyền thống đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, thể hiện rõ qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và phỉ Châu Phà, nhưng mọi thứ dần thay đổi khi tấm bản đồ 364 ra đời.

“Bản đồ 364 thể hiện đoạn đường ranh giới lấn sâu vào đất Nậm Càn toàn tuyến 3.120 ha. Chúng tôi không chấp nhận vì đây là bản đồ giả dối do một số cá nhân có chức quyền của 2 xã thông đồng, tự lập, tự ký, đóng dấu. Đề nghị các cấp lãnh đạo có thẩm quyền làm trung gian lấy diện tích tranh chấp chia đôi để đảm bảo quyền lợi chính đáng”, nội dung trong đơn kiến nghị thể hiện.

Sau khi tiếp nhận thông tin, ngày 14/6/2021 UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng UBND các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn kiểm tra, tham mưu hướng giải quyết. Hơn 2 năm qua hàng loạt các buổi hiệp thương đã được tổ chức nhưng kết quả không nói lên nhiều điều, mọi thứ cơ bản vẫn dậm chân tại chỗ, những băn khoăn, thắc mắc vẫn chưa được hóa giải.

Ông Lầu Bá Xềnh, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn xác nhận quá trình hiệp thương chưa mang lại kết quả: “Bấy lâu dân Nậm Càn vẫn làm ăn, canh tác, chăn thả gia súc trên phần đất này, nương rẫy, trang trại của nhân dân nằm tất ở đó, đùng cái lấy bản đồ 364 ra phân định là không được. Có những đặc điểm, cơ sở để xác thực nguồn gốc đó của người dân Nậm Càn, bởi lẽ đồng bào người Thái (huyện Tương Dương) vốn dĩ không làm nương rẫy trên đất dốc, ở đâu bằng phẳng thì họ làm ruộng thôi. Lâu nay người dân Lưu Kiền không đến đó, cũng không làm gì”.

Để củng cố niềm tin, Bí thư Lầu Bá Xềnh nhắc đến những bậc cao niên có uy tín trong cộng đồng, xem đây là nhân chứng sống có thể giải đáp những khúc mắc. “Dưới bản Nậm Khiên có già Lầu Xây Phia, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn qua nhiều thời kỳ am hiểu tường tận việc này. Để tôi đưa anh xuống hỏi cho cặn kẽ”, ông Xềnh nói.

Sau chừng 30 phút vắt vẻo, đánh vật trên cung đường khổ ải, rốt cuộc cũng đến được nhà già Lầu Xây Phia. Gạt chân chống xe đỗ xịch trước cổng, ông Xềnh cất tiếng gọi: "Già Phia ơi, có khách dưới xuôi lên thăm này”. “Chờ chút, mình ra ngay đây”, trong nhà tức thì vang lời đáp.

Già Lầu Xây Phia (phải) 'nhân chứng sống' am hiểu từng tận nguồn cơn sự việc mong mỏi các cấp ngành nhìn nhận thấu tình đạt lý. Ảnh: Việt Khánh. 

Già Lầu Xây Phia (phải) "nhân chứng sống" am hiểu từng tận nguồn cơn sự việc mong mỏi các cấp ngành nhìn nhận thấu tình đạt lý. Ảnh: Việt Khánh. 

Nhâm nhi chén trà nóng trong không gian khá yên ắng, tôi lân la hỏi gia cảnh, rằng vợ chồng già có mấy người con? Công việc có ổn định không? Thu nhập đủ sống không? Già Lầu Xây Phia không chút giấu giếm: “Nhiều con lắm, tận 12 đứa, 7 trai, 5 gái, tất cả đều đã lập gia đình, đa số chúng nó đều làm ăn xa. Đất nơi đây độ dốc cao, lại xói mòn hết cả, thành thử chỉ chuyên tâm làm rẫy không thôi thì thiếu ăn, phải kết hợp phát triển chăn nuôi trang trại mới đảm bảo được sinh kế. Giờ rừng tái sinh nhiều nên quỹ đất trồng cỏ cho trâu cũng bò thu hẹp lại, kết hợp biến động thị trường, giá cả giảm mạnh nên chỉ nuôi cầm chừng thôi”.

Già Phia nay đã ngoài 75, dù tuổi cao nhưng còn minh mẫn, tràn đầy nhiệt huyết. Khi đề cập đến cuộc tranh chấp dai dẳng giữa đôi bên, già Lầu Xây Phia nghiêm nghị: “Số liệu, cơ sở thực tế trước đây rất chính xác, có đồi núi, có khe suối đàng hoàng. Khi bản đồ 364 ra đời lại phủ nhận tất cả, mà theo tôi được biết thì đâu riêng gì khu vực này, nhiều điểm khác cũng tranh chấp tương tự đấy thôi. Vấn đề giữa Nậm Càn và Lưu Kiền dây dưa mãi rồi, kéo dài gần 30 năm vẫn chưa giải quyết xong. Bao thế hệ đã sống, đã canh tác, ăn đời ở kiếp trên mảnh đất ấy, chúng tôi không thể từ bỏ được, đồng thời không chấp nhận đường ranh giới phân định của bản đồ 364. Yêu cầu tỉnh Nghệ An, 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương giữ nguyên hiện trạng như trước kia, hoặc phân chia thấu tình đạt lý, trên tinh thần tôn trọng giá trị lịch sử, tôn trọng người dân bản địa".

Trước sau, già Lầu Xây Phia nhất mực quả quyết: “Ai cố tình làm sai người đó phải chịu trách nhiệm, riêng quyền lợi chính đáng của người dân phải được đảm bảo”.

“Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở TN-MT, Sở NN-PTNT cùng 2 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, khảo sát thực địa để tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý. Tinh thần sẽ dựa vào tính pháp lý của bản đồ 364, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tiễn và phong tục tập quán của đồng bào để xác định đường ranh giới phù hợp với quy định của pháp luật, cũng như thỏa mãn một phần nhu cầu của người dân”, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ thông tin.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.