| Hotline: 0983.970.780

Bão tố dưới những cánh rừng vàng [Kỳ 2]: Vì sao Tương Dương ngồi trên mỏ vàng vẫn nghèo?

Thứ Năm 07/09/2023 , 06:55 (GMT+7)

Huyện Tương Dương với nguồn tài nguyên dồi dào đã trở thành miếng mồi béo bở cho các doanh nghiệp nhảy vào xâu xé, đói nghèo dai dẳng cũng từ đây mà ra.

Trời ban cho Tương Dương tài nguyên rừng màu mỡ, tiếc thay người dân bản địa chưa thể trông cậy vào đó để ổn định sinh kế. Ảnh: Việt Khánh.

Trời ban cho Tương Dương tài nguyên rừng màu mỡ, tiếc thay người dân bản địa chưa thể trông cậy vào đó để ổn định sinh kế. Ảnh: Việt Khánh.

Chảy máu tài nguyên

Tưởng như sự đổ bộ của hàng loạt doanh nghiệp tiềm tăng sẽ góp phần đẩy lùi nghèo đói và nâng tầm chất lượng cuộc sống cho đồng bào Tương Dương (Nghệ An). Tuy nhiên qua nhiều năm nhìn lại, kỳ vọng lớn lao rốt cuộc đã hóa ảo mộng. Hệ sinh thái tự nhiên bị xáo trộn nặng nề, hàng ngàn ha đất, rừng màu mỡ, tài nguyên, khoáng sản thi nhau “đội nón ra đi”, sinh kế của người dân bị thu hẹp lại, niềm tin rơi rớt… Rõ ràng bài toán kinh tế của cấp thượng tầng khiến địa phương này phải gánh chịu cái giá quá đắt.

Thủy điện luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Ảnh: Quốc Toản.

Thủy điện luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Ảnh: Quốc Toản.

Thủy điện” là loại hình kinh doanh chủ lực và gây ám ảnh bậc nhất với đồng bào nơi đây. Trên địa bàn huyện Tương Dương có tổng cộng 5 dự án thủy điện đã vận hành thương mại, hàng năm đóng góp cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng, có điều chỉ khoảng 10 tỷ đồng của thủy điện Xoóng Con (quy mô nhỏ nhất, công suất chỉ 15 MW) chảy vào túi của huyện nhà. Đánh đổi rất nhiều nhưng lợi ích thu về quá bọt bèo. Ấy là nỗi bức bí khó giãi bày của chính quyền huyện Tương Dương.

Bài liên quan

Một vấn nạn khác đọa đày huyện nghèo dai dẳng là tình trạng khai thác vàng vô tội vạ, đặc biệt là đỉnh đồi Pu Phen, thuộc địa phận của 2 xã Yên Na và Yên Tĩnh. Một thời các đầu nậu lắm của nhiều tiền dưới cái mác “thăm dò khoáng sản” đã nườm nượp kéo về đây, thi nhau cày xới tơi tả những khoảnh rừng, khe suối để rút ruột tài nguyên.

Vẫn nhớ như in những ký ức đau thương, ông Quang Văn Đặng, Bí thư Đảng ủy xã Yên Tĩnh trải lòng: “Đỉnh điểm là giai đoạn 2007 – 2017, bấy giờ huyện không quản lý nổi. Danh nghĩa là thăm dò nhưng trên đồi Pu Phen bị xới tung nham nhở, nhiều hố, hầm bị đục khoét sâu thăm thẳm, nhiều vị trí mất chân nhìn tổng hổng, toang hoác. Không riêng gì đỉnh Pu Phen, cả lòng khe Cha Hạ trong vắt xưa kia nay cũng không còn nguyên trạng, những tháng ngày đáng quên đó mãi hằn sâu trong tiềm thức của người dân Yên Tĩnh”.

Rừng mất đằng rừng, sông mất đằng sông, doanh nghiệp thi nhau bòn rút tài nguyên khiến đời sống của dân bản thêm phần thống khổ. Đến mức, người dân Tương Dương vẫn truyền tai nhau câu nói đầy chua chát của một vị lãnh đạo đương thời: “Tương Dương ngồi trên mỏ vàng mà vẫn nghèo”.

Vấn nạn khai thác vàng trái phép để lại muôn vàn hệ lụy.  Ảnh: Quốc Toản.

Vấn nạn khai thác vàng trái phép để lại muôn vàn hệ lụy.  Ảnh: Quốc Toản.

“Trên đỉnh Phu Phen hiện có trang trại C5 của hơn chục hộ dân, họ khai hoang, khoanh vùng và tổ chức sản xuất. Thời tiết, thổ nhưỡng khu vực này cực kỳ phù hợp để trồng chè dây, chúng tôi đang đẩy mạnh công tác bảo tồn, từng bước mở rộng diện tích để gây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Bán tài nguyên không thể mang lại ấm no bền vững được, người dân Yên Tĩnh phải hướng đến cuộc sống yên tĩnh”, Bí thư Quang Văn Đặng khẳng định.

Ký ức thương đau còn đó

“Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thủ Đô (gọi tắt là Công ty Thủ Đô) tiến hành thăm dò khoáng sản từ những năm 2007, đáng ra phải tham vấn cộng đồng công khai, đằng này doanh nghiệp làm tắt, lừa xã, lừa huyện. Quá trình lấy ý kiến của dân không minh bạch, không tổ chức họp bàn, họ chỉ hỏi chung chung chứ không đi vào chi tiết cụ thể. Chính quyền, nhân dân không hề đồng thuận như lời họ khẳng định”, ông Quang Văn Đặng nói rõ.

Doanh nghiệp, đầu nậu đa phần từ Thái Nguyên tìm về, dân bản địa chủ yếu được thuê mướn để vận chuyển, mang vác máy móc, vật dụng thiết yếu (gạo, dầu, muối mắm…) môi trường phức tạp tức thì nảy sinh hàng loạt vấn đề. Cả một miền rừng yên bình bỗng chốc xáo trộn tứ tung, tình hình an ninh trật tự nóng hầm hập, vì đồng tiền nhiều người không giữ được mình, hệ quả trai thì nghiện ngập, gái thì hư hỏng. Qua thống kê sơ bộ trên địa bàn xã Yên Tĩnh có hàng chục cháu nhỏ không biết… mặt cha, tỷ lệ này cao nhất huyện Tương Dương.

Chính quyền huyện Tương Dương đã nhiều lần đẩy đuổi mới giảm thiểu được phần nào nạn khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: Quốc Toản.

Chính quyền huyện Tương Dương đã nhiều lần đẩy đuổi mới giảm thiểu được phần nào nạn khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: Quốc Toản.

Trong bối cảnh hết sức rối ren may thay vẫn có những cán bộ tâm huyết đã kịch liệt phản đối việc khai thác vàng vô tội vạ của Công ty Thủ Đô cùng nhiều doanh nghiệp khác, điển hình phải kể đến bà Hoàng Thị Minh Lợi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yên Tĩnh. Nhận thấy không tài nào lay chuyển được “người đàn bà thép”, phía doanh nghiệp đã cố tình chơi chiêu, bắn tin cho huyện Tương Dương khăng khăng việc người dân bản địa cố tình gây khó dễ và đẩy đuổi họ khỏi địa điểm thăm dò. Từ lý do “quán xuyến tình hình không tốt, không làm tròn vai trò lãnh đạo”, bà Lợi bị kỷ luật, dù rằng những người tường tận hiểu rằng cớ sự không đến mức đó.

Lời nói phảng phất nỗi niềm chất chứa, bà Hoàng Thị Minh Lợi trải lòng: “Đất Yên Tĩnh được trời phú cho đỉnh đồi Phu Phen giàu tài nguyên khoáng sản, rất nhiều công ty vào nhòm ngó và khai thác vô tội vạ. Nhắc đến Phu Phen là gợi lại nỗi đau và mất mát của người dân xã Yên Tĩnh, bao gồm chính tôi, một Bí thư Đảng ủy bị cách chức, mất việc vì lý do từ trên trời rơi xuống.

Hiện trạng đồi Phu Phen trước đây là rừng già núi rậm, một số hộ dân vẫn canh tác, sản xuất trên đó, nhận thấy việc làm của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sinh kế, nguy hại hơn là chảy máu tài nguyên rầm rộ nên đồng bào bản Cành Toong kiên quyết phản đối, nhưng lực bất tòng tâm. Trên danh nghĩa là thăm dò khai khoáng nhưng thực chất là khai thác tầm sâu, sản phẩm thu về là vàng thật 100%”.

Bà Hoàng Thị Minh Lợi không bao giờ đồng tình với doanh nghiệp khai thác vàng trái phép. Ảnh: Việt Khánh.  

Bà Hoàng Thị Minh Lợi không bao giờ đồng tình với doanh nghiệp khai thác vàng trái phép. Ảnh: Việt Khánh.  

Bà Lợi nói thẳng đã làm vàng là kéo theo cả tràng hệ lụy, sập hầm, thương vong, ma túy, trộm cắp, và đủ loại tệ nạn thi nhau mọc lên. Doanh nghiệp vào chiếm chỗ dẫn đến cảnh thiếu đất, thiếu rừng trầm trọng, dần dà đẩy dân bản vào thế phụ thuộc. Tiên phong là Công ty Thủ Đô, kế đó là Bảo Lâm… đỉnh đồi Pu Phen như thể chiếc bánh màu mỡ bị xâu xé không thương tiếc, công cuộc khai thác vàng tiếp diễn triền miên, quanh năm suốt tháng.

Chỉ vài tháng ngắn ngủi nữa là đến tuổi hưu, bất ngờ nhận trát kỷ luật thành thử không tránh khỏi xót xa. Nhưng là một người đảng viên chân chính thì không được phép bi quan, xác định cây ngay thì bóng phải tròn, những oan ức rồi sẽ được làm sáng tỏ. Quả thật với uy tín của mình bà Hoàng Thị Minh Lợi đã sớm được tín nhiệm làm Trưởng bản Cành Toong sau đó không lâu, ở cương vị mới bà vẫn ra sức cống hiến, tận tâm cùng đồng bào thêm 9 năm nữa. Khoảng thời gian đó, bà luôn nhất quán quan điểm “không đánh đổi tài nguyên bằng bất cứ giá nào”.

Lại nói về Công ty Thủ Đô, thực tế doanh nghiệp chưa bao giờ từ bỏ ý định “càn quét” đỉnh Phu Phen thêm một lần nữa. Điều này được thể hiện rõ qua Công văn số 38/CV-TĐ ngày 2/1/2023 gửi đến Cục Khoáng sản Việt Nam về việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của Dự án đầu tư khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại xã Yên Na và Yên Tĩnh.

Cần biết rằng dự án này được Bộ TN-MT cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 75/CP-BTNTM ngày 19/01/2017 với diện tích 126,7 ha, thời hạn 15 năm. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đã hết hiệu lực kể từ ngày 23/5/2015, dự án thuộc diện chậm tiến độ.

Thấm hơn ai những hệ lụy dai dẳng, những người trong cuộc đã kịch liệt phản đối. Tội vạ của Công ty Thủ Đô ra sao được thể hiện chi tiết trong Văn bản số 1372/UBND-NL ngày 20/12/2021 của UBND huyện Tương Dương: “Từ khi có giấy phép khai thác mỏ vàng gốc công ty không phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trong phạm vi được cấp phép. Vì vậy, trong thời gian qua đã để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản vàng trái phép trong khu vực được cấp phép.

Chính quyền, nhân dân Tương Dương không muốn nguồn tài nguyên tiếp tục bị rút ruột. Ảnh: Việt Khánh.

Chính quyền, nhân dân Tương Dương không muốn nguồn tài nguyên tiếp tục bị rút ruột. Ảnh: Việt Khánh.

Qua tiếp xúc cử tri và nắm bắt thông tin từ bản Cành Toong, xã Yên Tĩnh và các bản gần khu vực được cấp phép thì nhân dân, các tổ chức, đoàn thể chính quyền 2 xã Yên Na và Yên Tĩnh quyết liệt phản đối công ty vào khai thác vàng tại Pu Phen. Việc khai thác vàng trước đây để lại nhiều mất mát (gia tăng người nghiện ma túy; gây mất an ninh trật tự; ô nhiễm môi trường nước, đất; phá rừng…). Nhân dân mong muốn được yên ổn yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế”.

Từ nhu cầu cấp thiết, UBND huyện Tương Dương đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, các Sở TN-MT, KH-ĐT báo cáo, trình Bộ TN-MT, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản số 75/GP-BTNMT ngày 19/01/2017 theo quy định của pháp luật.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.