| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn bưởi đặc sản Thanh Trà

Thứ Tư 18/08/2010 , 10:24 (GMT+7)

Bưởi Thanh Trà, một trong những giống cây ăn quả đặc sản quí hiếm đã nổi tiếng từ lâu đời ở nước ta và cũng chỉ trồng được ở một số địa phương của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Bưởi Thanh Trà, một trong những giống cây ăn quả đặc sản quí hiếm đã nổi tiếng từ lâu đời ở nước ta và cũng chỉ trồng được ở một số địa phương của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Theo số liệu điều tra của Viện Nghiên cứu rau quả và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Huế, tỉnh này hiện có 1.114 ha bưởi Thanh Trà được trồng chủ yếu trên các vùng đất phù sa ven sông ở các huyện Hương Trà (481 ha), Phong Điền (258 ha), Hương Thủy (105 ha), Quảng Điền (50 ha), Phú Lộc (60 ha), Phú Vang (3 ha) và TP. Huế (157 ha).

Tuy nhiên, mới đây chúng tôi về Thủy Biều, một trong những xã trồng nhiều bưởi Thanh Trà nhất nhì xứ Huế ghi nhận tình trạng mất mùa của loại cây đặc sản này trước những ảnh hưởng bất thường của biến đổi khí hậu. Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thủy Biều (TP. Huế) Hoàng Trọng Di cho hay: Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó biến đổi khí hậu là yếu tố quan trọng làm cho năm nay bưởi Thanh Trà của tỉnh Thừa Thiên-Huế nói chung, xã Thủy Biều nói riêng mất mùa, gây lo lắng cho hàng nghìn hộ gia đình trồng bưởi. Xã Thủy Biều hiện có 800 hộ gia đình trồng 147 ha bưởi Thanh Trà.

Những năm trước đây bình quân mỗi gốc bưởi cho thu nhập 1-4 triệu đồng; mỗi sào trồng 50 gốc cho thu 35-40 triệu đồng, tính ra đạt mức 90-100 triệu đồng/ha, có nhiều vườn cho thu tới 180-200 triệu đồng. Năm 2009, tổng thu nhập từ bưởi của xã đạt mức 8,6 tỷ đồng. Dự kiến mức thu năm nay chỉ đạt 20-30% so với năm ngoái.

Chị Nguyễn Thị Lý, thôn Đông Phước 2, xã Thủy Biều cho hay: “Không hiểu sao mấy năm nay bưởi Thanh Trà trong thôn sinh trưởng kém, sâu bệnh nhiều, nhất là bệnh xì mủ làm lá vàng rồi rụng dần, cây còi cọc, kém ra hoa, đậu quả. Nhà có trồng 3 sào, trước đây thu vài chục triệu đồng/năm nhưng năm nay không có bưởi để nếm”.

Theo chân cán bộ HTX chúng tôi dạo một vòng qua các thôn Trung Thượng, Đông Phước 1, Đông Phước 2 cũng thấy tình trạng tương tự, bưởi ít quả, không mấy khả quan. Phân tích thêm nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất mùa bưởi năm nay, anh Dần, khuyến nông viên xã Thủy Biều cho rằng: Tập quán canh tác lạc hậu của người trồng bưởi đã có ảnh hưởng rất nhiều. Mặc dù đã được tham gia khá nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nhưng hầu hết người dân không chịu áp dụng, làm theo các biện pháp thâm canh (cắt tỉa cành, bón phân hữu cơ, sử dụng chất điều tiết sinh trưởng…) vì họ sợ làm ảnh hưởng đến chất lượng quả. Nhiều vườn cây do trồng quá dày, thiếu đầu tư phân bón, không được tưới nước đầy đủ, không được tỉa cành, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh kịp thời dẫn đến sinh trưởng kém, ít quả, sâu bệnh nhiều. Một số nhà muốn chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác.

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Vũ Việt Hưng, Bộ môn Cây ăn quả, Viện Nghiên cứu rau quả, người đã có nhiều năm gắn bó với loài cây đặc sản này của tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Trong khuôn khổ của dự án “Liên kết để đa dạng hóa nguồn thu thông qua cây trồng ít phổ biến” do Trung tâm Nghiên cứu cây trồng chưa phổ biến quốc tế (ICUC) tài trợ Viện Nghiên cứu rau quả đã phối hợp với các Sở Khoa học-Công nghệ, Nông nghiệp-PTNT Thừa Thiên-Huế tiến hành triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ như: hỗ trợ xây dựng vườn ươm, hội thảo và tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu… góp phần để bảo tồn, phát triển giống bưởi đặc sản này của địa phương nhằm tăng thêm nguồn thu cho nhân dân trong vùng.

Đến nay nhiều vấn đề cơ bản đã được hoàn thành như: qui hoạch vùng trồng, tuyển chọn và nhân giống sạch bệnh, hoàn thiện qui trình trồng, chăm sóc, cải tạo vườn tạp, hướng dẫn thụ phấn bổ sung nhằm nâng cao năng suất; phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là ruồi vàng hại quả để nâng cao chất lượng sản phẩm; thu hái, bảo quản theo hướng GAP; xây dựng và quảng bá thương hiệu; tổ chức các hội nghị khách hàng để giới thiệu sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước về bưởi đặc sản của Thừa Thiên-Huế. Chủ trương của tỉnh là sẽ bảo vệ, bảo tồn, phát triển ổn định diện tích 1.400 ha giống cây đặc sản này kết hợp với các ngành kinh tế khác như du lịch sinh thái để phát huy thế mạnh làm giàu cho địa phương, cho người dân trong những năm tới.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất