Ông Phạm Quang Thắng ở xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) là một trong số ít hộ có thể ươm giống cá Koi để bán cho những người đam mê chơi cá cảnh. Cá Koi của gia đình ông nuôi trong ao có đủ kích cỡ, màu sắc khác nhau từ những con giống chỉ bằng ngón tay đến những con có trọng lượng lớn, vài ba kilogram.
"Cá Koi nuôi dễ như cá chép thịt. Hầu như ai cũng có thể chơi loại cá này, phù hợp với nhiều điều kiện kinh tế khác nhau. Người chơi có thể nuôi một vài con. Chỉ những hộ kinh doanh quán cà phê, nhà hàng mới có nhu cầu thả số lượng lớn 5 tạ đến 1 tấn cá", ông Phạm Quang Thắng chia sẻ.
Các loại cá Koi hiện có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc độ thuần chủng. Tuy nhiên, cá Koi giống cỡ bé hiện được ông Thắng bán với giá 10.000 đồng/con, con lớn hơn, kích thước 2 đến 3 ngón tay có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/con.
Tại Lào Cai, nhu cầu nuôi cá Koi của người dân ngày càng gia tăng. Cá được những người chơi nuôi trong bể tiểu cảnh, hồ nước mini trong nhà. So với việc nuôi trong ao, cá nuôi tại những hộ gia đình sử dụng hệ thống lọc tuần hoàn nên đảm bảo vệ sinh và ít dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của ông Phạm Quang Thắng, nếu không chăm sóc đúng, mùa rét, cá Koi vẫn có thể nhiễm nấm và cần điều trị để không bị lây lan cả đàn.
Cũng theo người đàn ông này, cá Koi được ông nuôi và chăm sóc giống cá chép, ăn cùng thức ăn, chữa cùng loại thuốc nhưng khi bán có thể lãi gấp nhiều lần so với cá chép thương phẩm.
"Tính cân, khách hàng quen thuộc, cá Koi dưới 1kg có giá 250.000 đồngkg. Từ con cá Koi to bằng ngón tay khoảng 1 năm cho ăn đã đạt trọng lượng 1kg, trong khi 1kg cá chép chỉ bán được 38.000 - 40.000 đồng/kg", ông Phạm Quang Thắng cho hay.
Mặc dù, ông có thể phối cho các cặp cá Koi bố mẹ đẻ. Song con giống hiện nay rẻ nên theo ông việc mua cá phôi về nuôi có lợi hơn, chọn được cá có màu sắc đẹp. Còn tự nhân giống, tỷ lệ chọn thấp, một vạn con chỉ chọn được 1/10, tức 1.000 con cá đẹp, số còn lại coi như bỏ...
Trước nhu cầu nuôi cá Koi, Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống nông nghiệp Bảo Thắng - Văn Bàn, thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai, cũng đã thử nghiệm, nghiên cứu sản xuất cá Koi giống.
Tuy nhiên, sản xuất cá Koi không chỉ đòi hỏi về kỹ thuật, chăm sóc, phòng dịch bệnh mà khâu tiếp thị cho người chơi cũng rất quan trọng. Khi đó, giải quyết được đầu ra việc sản xuất giống mới hiệu quả. Vì vậy, hiện trại nghiên cứu và sản xuất giống vẫn tập trung nhân cá chép giống bán ra ngoài thị trường.
Theo ông Đỗ Thành Luân, Trưởng Trại Nghiên cứu và sản xuất giống nông nghiệp Bảo Thắng - Văn Bàn, cá Koi là một dòng cá chép nên có thể nhiễm bệnh ngoại ký sinh trùng, xuất huyết lở loét, nấm mang... Do đó, trước khi nuôi trong bể, người chơi cần phòng bệnh bằng việc cho cá tắm thuốc sát khuẩn định kỳ để tránh ký sinh trùng, nấm bám ký sinh trên cá.
Có thể sử dụng một số sản phẩm có thành phần iodin và bronobol giúp trị nấm và ký sinh trùng hoặc cho cá ăn theo định kỳ trong tháng thuốc trị nội ngoại ký sinh trùng. Đối với bệnh nấm và xuất huyết cũng có những thuốc kháng sinh đặc trị cho dòng cá Koi để cho cá ăn. Việc phòng và phát hiện bệnh sớm sẽ giúp điều trị bệnh trên cá hiệu quả hơn.
Cũng theo ông Đỗ Thành Luân, cá Koi có giá trị cao nhưng không phải con cá khó nuôi. Khi cá được nuôi trong nhà thường nước đã qua xử lý bởi hệ thống lọc tuần hoàn. Tuy vậy, người nuôi cần để ý trường hợp lọc không hoạt động hoặc mất điện khiến cá thiếu oxy và chết. Mặt khác, do là cá cảnh nên có trường hợp cho ăn cá quá nhiều, lọc tuần hoàn lọc kém dẫn tới môi trường nước không đảm bảo cho cá sinh sống.
Ngoài nghiên cứu sản xuất cá Koi, đối với sản xuất cá chép giống hiện nay Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống Nông nghiệp Bảo Thắng - Văn Bàn duy trì gần 500 cặp cá chép bố mẹ. Mỗi năm sản xuất trên 10 triệu con cá bột, có thể cung cấp 4 - 5 triệu con giống ra thị trường.
Tuy nhiên, năm nay, thị trường bất bênh, dịch bệnh khiến sức tiêu thụ con giống giảm. Trong khi nông dân Lào Cai chủ yếu nuôi phôi cho hệ thống lồng bè của các tỉnh dưới xuôi nuôi thành cá chép giòn. Vì vậy, trại sản xuất ra cá giống gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Đến thời điểm này, sau mưa lũ, các khu vực sản xuất có thể phục hồi, nhu cầu mới tăng trở lại.