| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm động vật an toàn từ lò mổ: [Bài 3] Không mua thịt thiếu dấu kiểm soát giết mổ

Thứ Tư 20/09/2023 , 10:32 (GMT+7)

Khi cơ sở giết mổ động vật tập trung hoạt động, nhà chức trách không loại trừ khả năng những hộ đăng ký còn lén lút giết mổ tại nhà, nên liên tục kiểm tra…

Kiểm tra từ lò mổ đến sạp 

Trước khi cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn chính thức đi vào hoạt động tại xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) vào giữa năm 2023, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động những hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn dừng giết mổ tại nhà để bảo vệ môi trường nông thôn, đáp ứng tiêu chí về môi trường, bảo vệ cảnh quan nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, có 110 hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ở thị xã An Nhơn đăng ký vào giết mổ tại cơ sở tập trung.

Tổ công tác cấp phường, xã ở thị xã An Nhơn kiểm tra thịt heo bán tại các chợ. Ảnh: V.Đ.T.

Tổ công tác cấp phường, xã ở thị xã An Nhơn kiểm tra thịt heo bán tại các chợ. Ảnh: V.Đ.T.

Tuy nhiên, ngành chức năng và chính quyền địa phương không loại trừ khả năng, dù đã đăng ký, nhưng các hộ giết mổ nhỏ lẻ vẫn lén lút giết mổ tại nhà theo thói quen, nên từ cấp xã, phường đến cấp thị xã đều tổ chức các tổ công tác liên ngành hàng đêm đến tận nhà các hộ giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn để kiểm tra.

Thành phần tham gia trong tổ công tác của thị xã An Nhơn là cán bộ đầu ngành của các Phòng NN-PTNT, Tài chính, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Công an thị xã… Còn thành phần của tổ công tác các xã, phường cũng hội đủ các ngành như trên.

Theo chân chuyên viên thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn, chúng tôi tham gia 1 chuyến vừa kiểm tra các hộ giết mổ vừa kiểm tra gian hàng bán thịt gia súc, gia cầm tại các chợ. Lịch trình kiểm tra các lò giết mổ nhỏ lẻ thường diễn ra sau giữa đêm. Bởi, đó là quãng thời gian mà trước đây, các hộ giết mổ bắt đầu hoạt động để vừa sáng là có thịt cung cấp cho bạn hàng chạy chợ.

Theo anh Nguyễn Ngọc Thạnh, chuyên viên thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn, sau khi cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn đi vào hoạt động, tổ công tác các xã, phường thường xuyên tổ chức kiểm tra, thực tế cho thấy hầu hết các hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư đã tuân thủ nghiêm túc.

“Mặc dù các hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ trước đây đã cam kết phá bỏ lò giết mổ tại nhà, đăng ký giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung. Nhưng chúng tôi phải kiểm tra thường xuyên để ngăn chặn triệt để hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà gây ô nhiễm trong khu dân cư, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng lén lút giết mổ heo bệnh, heo chết”, anh Nguyễn Ngọc Thạnh chia sẻ.

Gần sáng, các tổ công tác cấp xã, phường đến các chợ trên địa bàn để kiểm tra thịt lưu hành trên thị trường. Nếu phát hiện thịt gia súc, gia cầm bày bán trên các sạp không có đóng dấu kiểm soát giết mổ thì hộ kinh doanh sẽ bị phạt theo quy định.

“Trên địa bàn thị xã An Nhơn có tất cả 21 chợ, trong đó có 14 chợ có quy hoạch và 7 chợ không có quy hoạch và rất nhiều chợ tạm. Chính quyền địa phương nắm rất rõ những vị trí số chợ hiện hữu trên địa bàn, cả những chợ tạm nên việc kiểm tra rất chặt chẽ. Kể cả những sạp thịt chủ hộ giết mổ bán tại nhà hoặc tại khu dân cư, tổ công tác cũng đến để kiểm tra con dấu kiểm soát giết mổ trên số thịt được bày bán”, anh Nguyễn Ngọc Thạnh, chuyên viên thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn cho hay.

Nhiều chị bán thịt heo ở thị xã An Nhơn khi thấy đoàn kiểm tra tươi cười cầm mảng thịt có dấu kiểm soát giết mổ đưa lên. Ảnh: V.Đ.T.

Nhiều chị bán thịt heo ở thị xã An Nhơn khi thấy đoàn kiểm tra tươi cười cầm mảng thịt có dấu kiểm soát giết mổ đưa lên. Ảnh: V.Đ.T.

Nói không với thịt không dấu kiểm soát giết mổ

Chuyến thực tế xuyên đêm trong trạng thái “mắt nhắm mắt mở” do buồn ngủ, nhưng nhờ có những câu chuyện thú vị của thành viên tổ công tác nên đôi mắt của chúng tôi mới cưỡng lại được sự thèm ngủ.

Anh Nguyễn Ngọc Thạnh, chuyên viên thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn, thành viên tổ công tác kể: “Theo quy định, mỗi con heo sau khi được giết mổ sẽ được các nhân viên thú y phụ trách 3 chuyền mổ heo trong cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn đóng 3 con dấu kiểm soát giết mổ, 1 dấu ở vai, 1 dấu ở thân và 1 dấu ở đùi.

Thế nhưng, nhiều hộ giết mổ đề nghị nhân viên thú y đóng thêm nhiều dấu kiểm soát giết mổ hơn trên con heo của họ. Bởi, nếu đóng 3 con dấu khi ra thịt mảnh, có những miếng thịt không có con dấu. Trong khi hiện nay, người tiêu dùng thấy miếng thịt không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y là họ không mua, dù miếng thịt có ngon mấy”.

Ngẫm nghĩ, chúng tôi thấy công tác tuyên truyền của cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã phát huy tối đa hiệu quả. Song song với công tác vận động những hộ giết mổ nhỏ lẻ dừng giết mổ tại nhà để bảo vệ môi trường khu dân cư là đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ trong cơ sở giết mổ tập trung, ngành chức năng và chính quyền địa phương còn tuyên truyền người tiêu dùng đừng nên mua thịt không có dấu kiểm soát giết mổ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho thành viên trong gia đình.

Quan sát những sạp thịt bán tại các chợ, chúng tôi thấy tất cả số thịt được bày bán đều có dấu kiểm soát giết mổ, chứng tỏ những con heo này đều được giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung. Khi thấy tổ kiểm tra đến sạp hàng của mình, nhiều chị bán thịt tươi cười cầm mảng thịt còn nguyên dấu kiểm soát giết mổ đưa lên như muốn nói rằng “tôi rất tuân thủ”.

Kể cả những con gà giết mổ xong được bày bán trên sạp cũng nằm phơi bụng cũng “khoe” con dấu kiểm soát giết mổ tím ngắt như muốn tạo niềm tin cho người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những sạp bán thịt tại các chợ ở Bình Định đều bán thịt có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y. Ảnh: V.Đ.T.

Những sạp bán thịt tại các chợ ở Bình Định đều bán thịt có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y. Ảnh: V.Đ.T.

Không chỉ ở các chợ, những sạp thịt được hộ giết mổ bày bán tại nhà, tại khu dân cư cũng nhất nhất tuân thủ về vệ sinh an toàn thực phẩm, đều được đóng dấu kiểm soát giết mổ. Anh Nguyễn Văn Ngọc, chủ hộ giết mổ heo ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn) hiện bình quân mỗi ngày giết mổ 2-3 con heo.

Hàng ngày, sau khi cung cấp thịt cho các bạn hàng chạy chợ, số thịt còn lại vợ anh Ngọc bày bán tại khu dân cư gần nhà anh Ngọc đang ở. Sạp thịt của vợ anh Ngọc nườm nượp người đến mua, không chỉ người trong khu vực, cả người tiêu dùng ở khu vực lân cận cũng tìm đến.

“Chỉ có uy tín mới giữ được bạn hàng lâu dài, trước đây, tôi có mấy chục năm bán thịt ở 1 chợ nhỏ tại xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), sáng bán không hết chiều lên chợ An Hòa ở xã Nhơn Khánh (thị xã An Nhơn) bán tiếp.

Khi ấy khách hàng của tôi cũng đông như vậy nhờ thịt tôi bán luôn tươi ngon, không bao giờ bán thịt heo bệnh, heo chết. Bây giờ lớn tuổi rồi, mỗi ngày gia đình tôi mổ 2-3 con heo, bỏ thịt cho bạn hàng xong, số còn lại tôi dựng sạp trước nhà để bán”, chị Phi, vợ anh Ngọc chia sẻ.

“Trước đây, khi vợ tôi còn bán thịt tại các chợ tôi đã không dám mua heo bệnh, heo chết về mổ, vì sợ bạn hàng bỏ đi không mua thịt của mình nữa. Bây giờ bán thịt tại nhà tôi càng không dám, để giữ uy tín. Ai đến mua thịt cũng đã biết nhà mình, nếu bán thịt heo bệnh, heo chết, họ mua rồi ăn không được đến nhà trả lại hàng xóm biết chuyện đồn đoán ai mà dám đến mua thịt của mình nữa”, anh Nguyễn Văn Ngọc, ở khu phố Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn), bộc bạch.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.