| Hotline: 0983.970.780

Bất ngờ dấu tích về Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ dưới chân dãy Thiên Nhẫn

Thứ Ba 17/09/2019 , 08:44 (GMT+7)

Khi khởi thảo cuốn tiểu thuyết lịch sử “Thảm kịch vĩ nhân” viết về 27 ngày cuối đời của Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi và Lễ Nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ (sắp tới sẽ được NXB Hội Nhà văn và Cty Nhã Nam phát hành trên cả nước), tôi được nhà giáo Hoàng Đạo Chúc cung cấp cho nhiều tư liệu lịch sử.

img-031510391561
Nhà văn Hoàng Minh Tường (thứ hai từ phải sang), giáo sư Trần Ngọc Vương (đội mũ) cùng bè bạn về thăm chùa Côn Sơn.

Ông là người có công lớn trong việc phục dựng và xây mới ba ngôi đền thờ hai ngài tại Khuyến Lương (Thanh Trì, Hà Nội), Hải Triều (Hưng Hà, Thái Bình) và Lệ Chi Viên (Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh).

Một lần về đền thờ Khuyến Lương vào dịp giỗ hai ngài (16/8 âm), chúng tôi được ông thủ từ đưa cho một mảnh giấy có ghi địa chỉ của mấy người khách từ Hương Sơn, Hà Tĩnh. Họ ra thắp hương và báo rằng, tại thôn Côn Sơn, xã Sơn Tiến (Hương Sơn), có một ngôi chùa mang tên Côn Sơn, trong chùa có phối thờ hai ngài Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.

Vì sao có chuyện lạ như thế? Sử sách không hề ghi chép gì về việc Nguyễn Thị Lộ cùng tham gia trong đội quân Lam Sơn, sao hai ngài lại vi hành xa đến thế? Có chuyện lầm lẫn gì chăng? Những câu hỏi ấy theo chúng tôi suốt mấy năm.

Vượt cầu Yên Xuân vắt qua sông Lam, cây cầu vòng cung gần 4.000m diễm lệ như một tác phẩm điêu khắc điệu nghệ, phóng qua thung lũng sông đẹp mê hồn, chúng tôi đã nhìn thấy nhấp nhô răng cưa dãy núi Thiên Nhẫn trước mặt. Giáo sư Trần Ngọc Vương ngân một câu thơ trong "Quốc Âm thi tập" của Ức Trai: “ Vũ quá sơn dung sấu” (Sau mưa dáng núi như gầy hơn). Tiến sỹ vật lí Nguyễn Thế Hùng đang lái xe cũng phải vỗ tay lái trầm trồ vì câu thơ thần.

Núi Thiên Nhẫn (còn có tên gọi Trăm Ngàn, Phượng Hoàng Sơn, Thiên Nhận) là một danh sơn của Nghệ Tĩnh, chạy qua bốn huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Đức Thọ và Hương Sơn. Đây là một dải núi thấp được ví như 99 con phượng hoàng, độ cao sàn sàn 150 - 200m, đột khởi có ba ngọn tam thái vượt lên là Động Bút (240m), Động Trọ Voi (253m), Động Thiên Nhẫn (254m). Tại đỉnh cao nhất này, còn gọi là Hoàng Tâm, vào những năm 1422 - 1427, theo kế sách của Nguyễn Chích, Bắc Bình vương Lê Lợi đã cho xây căn cứ Lục Niên để vây thành Nghệ An và làm bàn đạp đánh vào Tân Bình, Thuận Hóa, tiến ra Tây Đô, Đông Quan.

Ngày trước hai thôn Côn Sơn và Vực Rồng là một, nay tách thành hai. Chùa vẫn nằm trên đất thôn Côn Sơn. Anh Đăng - một người dân địa phương mới quen nhưng lại rất nhiệt tình cưỡi xe máy dẫn đường. Từ giữa xã Sơn Tiến, đi chừng một ngàn mét thì đến một khu đất cao, có một am lợp ngói, ghi ba chữ “Chùa Côn Sơn”. Mấy bà vãi ở khu nhà dưới thấy khách đều ra tiếp niềm nở. Còn nửa tháng nữa mới đến ngày 16 tháng Tám là ngày giỗ hai ngài mà các bác đã về thắp hương sớm thế. Các bà nhớ như ngày giỗ ông bà mình và giúp khách sắp lễ, thắp hương.

img-0308103914885
Tượng thờ Nguyễn Trãi.
Phải chăng, chính nơi đây, bà Nguyễn Thị Lộ đã thành “nhũ mẫu” của Lê Nguyên Long, sau khi khi bà Phạm Thị Ngọc Trần nghe Lê Lợi kể về giấc mơ, đã tình nguyện hiến mình cho thần Hà Bá để Lê Lợi hoàn thành sự nghiệp phục quốc? Cậu bé Lê Nguyên Long hai tuổi ngày ấy, mười bẩy năm sau khi thành hoàng đế Lê Thái Tông, đã nhận ra tài đức và vẻ đẹp thánh thiện của người nhũ mẫu ngày nào, đã tấn phong bà làm quan Lễ nghi Học sỹ, rồi mời vào cung để giáo hóa bọn phi tần con các đại công thần Lam Sơn ít học?

Không thể gọi là chùa. Chỉ là một am nhỏ, diện tích chừng hai chục mét vuông, đủ xếp chục pho tượng phật trên bốn bậc cao dần. Điều rất đặc biệt là hai bên đài phật có hai pho tượng phối thờ, thoáng nhìn nhận ra ngay hai ngài Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Tượng quan Thừa chỉ đội mũ cánh chuồn, một cánh bị mất. Cả hai pho đều cũ hơn các pho tượng phật và đều tróc hết sơn, cách tạo dáng điêu khắc và nước sơn khác hẳn các pho tượng phật, tựa như được mang từ một ngôi miếu, ngôi đền nào đó về phối thờ. Giáo sư Trần Ngọc Vương đọc hai câu đối chữ Nho: “Thiên Nhẫn thiên niên lưu thắng địa/ Chí Linh cựu tích diệc hà thu” (Thiên Nhẫn ngàn năm lưu thắng địa/ Chí Linh dấu cũ khác nào đâu”. Rồi bảo: Câu đối này mới viết, chùa phục dựng vài chục năm, chưa có gì làm tin.

Tôi bâng khuâng ngước nhìn mây vần vũ. Bỗng vẳng trong đầu câu thơ Ức Trai: “Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay/ Trông thế giới phút chim bay/ Non cao non thấp mây thuộc/ Cây cứng cây mềm gió hay…”. Dãy Thiên Nhẫn kia cao thấp chỉ mây mới biết. Và chỉ núi Phượng Hoàng, sông Ngàn Phố mới biết rằng sáu trăm năm trước, Ức Trai tiên sinh và người tình Nguyễn Thị Lộ của mình đã từng sống và làm việc ở vùng Rú Rọc (Độc Sơn) này, nơi từ năm 1423 đến 1427 đã thành khu đồn lũy của nghĩa quân Lam Sơn, đại bản doanh của Bộ Tổng chỉ huy bình Ngô.

Nơi đây, suốt mấy năm ấy, khi thanh thế Bình Định Vương Lê Lợi đã làm quân tướng giặc Minh thất kinh, khi chúng tướng tôn xưng Lê Lợi làm “Đại thiên hành hóa” (Theo mệnh Trời hành đạo), thì mọi mệnh lệnh, dụ văn đều lấy bốn chữ ấy để xưng. Và tại nơi đây, vùng thành Lục Niên và động Hoa Tiên này bắt đầu hình thành Bộ Chỉ huy tối cao với một hệ thống hành chính, trị an, kho tàng quân lương, chế tạo vũ khí, tăng gia sản xuất, tuyển quân, huấn luyện, giáo dục, đào tạo…

Tôi tin, cái tên Côn Sơn, chùa Côn Sơn, thôn Côn Sơn đã xuất hiện ở vùng đất Sơn Tiến này không dưới 580 năm, khi Nguyễn Trãi đã làm quan đầu triều, với chức Thừa Chỉ hay Hành Khiển, tức là chỉ trong những năm 1430 - 1440 thôi, hai ngài Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã có cuộc “về nguồn” thăm lại chốn xưa, nơi “mẹ đã nuôi ta thành dũng sỹ”, theo cách nói của các nhà cách mạng bây giờ, để cảm ơn đồng chí đồng bào đã đùm bọc cưu mang sẻ cơm nhường áo thời gian khổ ấy, rồi phát tâm xây một ngôi chùa, đặt tên là Côn Sơn để nhớ chùa Hun và Côn Sơn có suối nước trong, nơi nuôi dưỡng tuổi thơ Ức Trai, nơi được ông ngoại Trần Nguyên Đán và người mẹ thân yêu nuôi dưỡng thành người.

Và cũng có thể, theo một giả thiết khác, ngôi chùa Côn Sơn này, cái tên Côn Sơn, (cũng như cái tên Linh Cảm để tưởng nhớ Linh Cảm đại vương Đinh Lễ, tướng tài của Lê Lợi) xuất hiện muộn hơn một thời gian, ít ra là sau vụ thảm án Lệ Chi Viên (ngày 6 tháng 8 năm Nhâm Tuất, 1442), Nguyễn Trãi, Nguyện Thị Lộ và ba họ bị chết thảm. Nỗi oan động trời này lay động đáy tâm can những người Sơn Tiến, Hương Sơn. Và dân làng đã góp của góp công xây một ngôi chùa thờ phụng hai ngài. Để tri ân. Để tưởng nhớ. Để giải oan khiên.

Nếu non cao non thấp mây trời đều thuộc cả, thì tôi tin, cái tên Côn Sơn ở đây sẽ trường tồn cùng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông La, sông Lam, cùng núi Thiên Nhẫn, Phượng Hoàng. Ngót sáu trăm năm qua, chùa Côn Sơn và tượng hai ngài vẫn sống mãi trong lòng dân Sơn Tiến, Hương Sơn.

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.