Hàng trăm triệu người tại 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng đối với các đảng bảo thủ và cánh hữu bất chấp các chính sách hiện tại của khối, từ nhập cư đến an ninh và khí hậu.
Những kết quả kiểm phiếu sơ bộ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa hôm 9/6 cho thấy một thất bại lớn đối với 2 nhà lãnh đạo lớn của EU: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, dẫn đến việc Macron giải tán Quốc hội nước này và kêu gọi bầu cử sớm.
"Pháp cần một đa số rõ ràng để hoạt động một cách bình tĩnh và ổn định. Tôi đã hiểu thông điệp của các bạn, những mối bận tâm của các bạn, và tôi sẽ không phớt lờ chúng", ông Macron nói trong một thông điệp trên mạng xã hội X.
Đảng cánh hữu Mặt trận Quốc gia Pháp đã nhận được hơn 30% số phiếu, gấp đôi tỷ lệ ủng hộ của đảng Phục hưng của Macron, với cựu lãnh đạo của đảng Marine Le Pen tuyên bố rằng bà "sẵn sàng nắm quyền". Trong khi bà Le Pen ủng hộ việc gửi "vũ khí phòng thủ" cho Ukraine, bà phản đối việc sử dụng các loại vũ khí tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga và lập luận rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow là không hiệu quả và chủ yếu gây tổn hại cho người dân châu Âu.
Đảng Dân chủ Xã hội trung tả cầm quyền của Đức đã nhận được kết quả đáng thất vọng, tụt hậu so với đảng cực hữu Con đường khác cho nước Đức (AfD) liên tục phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine.
Đảng vì Tự do (PVV) của Hà Lan có lập trường bảo thủ, do ông Geert Wilders lãnh đạo đứng thứ hai với 17% phiếu bầu, và dự kiến sẽ tăng từ 1 lên 7 ghế trong Nghị viện châu Âu. Trước đó, ông Wilders đã lên tiếng phản đối việc gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, cho rằng việc hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Kiev sẽ khiến quân đội Hà Lan không còn đủ sức để bảo vệ đất nước.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cũng đã tuyên bố từ chức sau khi đảng Open VLD của ông thất bại thảm hại, chỉ giành được 5,8% phiếu bầu, trong khi các đảng cánh hữu Vlaams Belang và N-VA theo chủ nghĩa dân tộc lần lượt nhận được hơn 14,8% và 14,2% tỷ lệ ủng hộ.
"Tôi là người đứng đầu chiến dịch này. Đây không phải là kết quả mà tôi đã hy vọng, và do đó, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Kể từ ngày mai, tôi sẽ từ chức Thủ tướng và tôi sẽ hoàn toàn tập trung vào các vấn đề hiện tại", ông de Croo nói với các nhà báo hôm 9/6.