| Hotline: 0983.970.780

Bẫy ảnh - 'trợ thủ' đắc lực bảo tồn động vật hoang dã

Thứ Tư 17/05/2023 , 06:19 (GMT+7)

HÀ TĨNH Với 28 điểm bẫy ảnh, mỗi điểm gồm 2 máy cảm biến hồng ngoại, Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã phát hiện, bảo tồn được rất nhiều loài động vật quý hiếm.

Các thiết bị công nghệ được áp dụng vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Vũ Quang từ tháng 11/2022. Ảnh: Thanh Nga.

Các thiết bị công nghệ được áp dụng vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Vũ Quang từ tháng 11/2022. Ảnh: Thanh Nga.

Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang được ví như “ngôi nhà chung” của rất nhiều loài động quý hiếm, nguy cấp cần ưu tiên bảo tồn. Hầu hết các tổ chức, cá nhân khi muốn trả tự do cho các loài động vật đều lựa chọn VQG Vũ Quang.

Để nâng cao giá trị đa dạng sinh học trên diện tích được giao quản lý, VQG Vũ Quang không ngừng khắc phục khó khăn, quyết tâm bảo vệ hiện trạng, không để rừng bị xâm hại. Ngoài tổ chức tuần tra rừng, lập các chốt kiểm soát thường xuyên tại các khu vực nhạy cảm, từ tháng 11/2022 đến nay, đơn vị này đã lắp đặt hàng loạt các điểm bẫy ảnh nhằm phát hiện, bảo tồn kịp thời các loài động vật quý hiếm.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (VQG Vũ Quang), bẫy ảnh từ khi được sử dụng trên thế giới đã thực sự tạo ra một cuộc cách mạng trong nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã. Nó cho phép các nhà khoa học thu thập được những hình ảnh mới lạ về các loài động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng với những thao tác đơn giản và chi phí hợp lý mà không làm xáo trộn đời sống của các loài động vật. Hơn nữa, bẫy ảnh còn lưu lại được nhiều hình ảnh đẹp và độc đáo về thiên nhiên hoang dã mà các nhà nhiếp ảnh khó có cơ hội chụp được.

Thông qua hệ thống bẫy ảnh, các nhà khoa học phát hiện 2 cá thể voi rừng trưởng thành đang sinh sống tại VQG Vũ Quang.

Thông qua hệ thống bẫy ảnh, các nhà khoa học phát hiện 2 cá thể voi rừng trưởng thành đang sinh sống tại VQG Vũ Quang.

“Khi có cảm ứng nhiệt và cảm ứng chuyển động của các loài động vật hoang dã, động vật móng guốc quý hiếm, máy cảm biến sẽ tự động chụp hoặc quay lại hình ảnh trong phạm vi di chuyển. Nhờ nguyên lý hoạt động này mà máy đã ghi lại được hình ảnh của 2 con voi rừng, trong đó có 1 voi đực có ngà nhỏ và 1 voi cái trưởng thành.

Đây chính là “đầu mối” thông tin giúp đơn vị xác định rõ hơn về đa dạng sinh học của Vườn, từ đó phân tích, xử lý, công bố đa dạng sinh học nhằm phục vụ hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ, nghiên cứu và phát triển”, ông Hùng nói.

Theo ông, việc lắp đặt các điểm bẫy ảnh nằm trong hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” (VBFC) do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) phối hợp với VQG Vũ Quang triển khai thực hiện.

Đến thời điểm này, Vườn đã lắp đặt được 28 điểm bẫy ảnh, mỗi điểm gồm 2 máy cảm biến hồng ngoại. Các điểm bẫy ảnh được lắp đặt dựa trên ô lưới bản đồ toàn bộ lâm phận do đơn vị quản lý, khoảng cách mỗi điểm là 2,5km. Dự kiến đến khoảng tháng 5/2023, đơn vị sẽ hoàn thành lắp đặt 94 điểm bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học.

Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã góp phần bảo vệ môi trường sống cho các loài động vật nguy cấp, quý hiếm tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: Thanh Nga.

Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã góp phần bảo vệ môi trường sống cho các loài động vật nguy cấp, quý hiếm tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: Thanh Nga.

“Cùng với 2 con voi trưởng thành vừa được phát hiện cách đây không lâu, thông qua “trợ thủ” bẫy ảnh, chúng tôi còn thu được hình ảnh của nhiều loài động vật quý hiếm khác”, ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Về kế hoạch bảo tồn lâu dài, ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc VQG Vũ Quang thông tin, đơn vị đã xây dựng nhiều giải pháp kiểm soát người ra vào khu vực rừng do vườn quản lý, đặt các biển cấm, biển báo khu vực có voi rừng sinh sống, đồng thời tổ chức tuyên truyền đến người dân trong khu vực biết để tránh xung đột và có giải pháp bảo vệ voi rừng cũng như các loài động vật quý hiếm khác, tránh bị các đối tượng xấu gây hại.

VQG Vũ Quang có hệ động, thực vật rất đa dạng và phong phú với gần 1.800 loài thực vật bậc cao, 94 loài thú, 315 loài chim, 90 loài bò sát ếch nhái, 88 loài cá, hơn 316 loài bướm, 118 loài kiến, 28 loài nhện và côn trùng khác.

Trong số 902 loài động vật đã biết tại VQG Vũ Quang, hiện có 54 loài thú, 39 loài chim, 23 loài bò sát ếch nhái và 1 loài cá là những động vật quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng theo Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục Đỏ IUCN (2016), Nghị định 32/2006/NĐ/CP và Công ước CITES.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.