| Hotline: 0983.970.780

Bệnh heo tai xanh xuất hiện trở lại ở Bạc Liêu

Thứ Tư 21/08/2024 , 09:15 (GMT+7)

BẠC LIÊU Sau thời gian dài được khống chế, bệnh heo tai xanh bất ngờ xuất hiện trở lại trên địa bàn huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

Ngành Chăn nuôi và Thú y Bạc Liêu chủ động kiểm soát dịch bệnh trên đàn heo, đặc biệt là bệnh heo tai xanh. Ảnh: Trọng Linh.

Ngành Chăn nuôi và Thú y Bạc Liêu chủ động kiểm soát dịch bệnh trên đàn heo, đặc biệt là bệnh heo tai xanh. Ảnh: Trọng Linh.

Kiểm soát dịch bệnh

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bạc Liêu cho biết, ổ dịch heo tai xanh vừa xuất hiện trên địa bàn thị trấn Hòa Bình vào đầu tháng 7/2024, từ hộ ông Huỳnh Tấn Thành (ấp Láng Giài A, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) có heo nuôi bị chết không rõ nguyên nhân.

Sau khi tiếp nhận thông tin, cán bộ Thú y huyện Hòa Bình nhanh chóng có mặt phối hợp với UBND thị trấn Hòa Bình cùng chính quyền địa phương tiến hành xác minh tổng đàn, nguồn gốc, triệu chứng, mổ khám để xác định bệnh. Đồng thời, lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng VII để kiểm tra, xác định nguyên nhân heo chết. Kết quả, kiểm tra xác định mẫu heo chết của gia đình ông Thành có virus gây bệnh tai xanh (PRRS).

Ông Huỳnh Tấn Thành chia sẻ: “Bệnh này diễn biến khá nhanh, chỉ sau vài ngày phát hiện heo nuôi có biểu hiện lạ là bầy heo trong chuồng đã có con chết. Sợ heo nhiễm bệnh dịch sẽ khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh, ảnh hưởng đến nhiều hộ nuôi heo khác trên địa bàn nên tôi đã báo lên ấp, trạm thú y để nhờ trợ giúp”.

Các hộ chăn nuôi tại tỉnh Bạc Liêu chủ động vệ sinh chuồng trại. Ảnh: Trọng Linh.

Các hộ chăn nuôi tại tỉnh Bạc Liêu chủ động vệ sinh chuồng trại. Ảnh: Trọng Linh.

Không thể lơ là khi dịch heo tai xanh xuất hiện trên địa bàn tỉnh, công tác kiểm soát dịch đã được các đơn vị liên quan ráo riết thực hiện. 

Do các hộ chăn nuôi được hỗ trợ giống heo nên đàn heo của chương trình hỗ trợ giống làm lây lan mầm bệnh sang heo các hộ gia đình khác có nuôi heo từ trước đó. Từ nhận định trên, Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với UBND huyện Hòa Bình tiến hành thống kê tổng đàn heo trên địa bàn ấp, số hộ có heo nhận cùng đợt với gia đình ông Thành để tiến hành tiêu hủy. Đồng thời, ra quân phun xịt toàn bộ các khu nuôi heo trên địa bàn để diệt mầm bệnh, khống chế không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Ông Cổ Tân Xuyên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình cho biết: “Khi phát hiện ổ dịch heo tai xanh trên địa bàn, huyện đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị có liên quan để khoanh vùng, xử lí dập dịch, nhằm hạn chế tình hình dịch bệnh trên đàn heo lây lan, gây thiệt hại cho bà con”.

Song song đó, việc giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ thịt heo trên địa bàn tỉnh vẫn được các đơn vị chức năng tiến hành kiểm dịch, lăn dấu an toàn trước khi cho vào chợ. Đặc biệt, các xe chở heo giống, heo thịt nhập vào tỉnh điều phải được kiểm tra kỹ lưỡng, để không để sót, lọt heo giống, heo thịt có nguy cơ mang mầm bệnh xâm nhập vào tỉnh.

“Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh heo tai xanh, vì thế các phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là sự chủ động phòng bệnh của các hộ chăn nuôi. Trong đó, cần đặc biệt tăng cường công tác giám sát đến các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi để phát hiện kịp thời heo bệnh có triệu chứng tai xanh, tiến hành tiêu hủy ngay không chờ kết quả xét nghiệm. Đồng thời lấy mẫu heo bệnh gửi xét nghiệm trước khi tiêu hủy, nếu không tiêu hủy kịp thời sẽ khiến toàn bộ heo ở các khu vực lân cận nhiễm bệnh khiến thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi là rất lớn”, ông Xuyên chia sẻ.

Không chủ quan, lơ là

Không riêng gì dịch bệnh heo tai xanh mà trong điều kiện mưa nhiều như hiện nay là điều kiện lí tưởng để các loại dịch bệnh tấn công và gây hại cho đàn vật nuôi. Để chủ động ứng phó với các loại dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 21/CT-TTg phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch bệnh trên đàn heo.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, đến giữa tháng 7, cả nước đã xuất hiện trên 660 ổ dịch tả heo châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 42.400 con, nhất là tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam và Long An… Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và môi trường.

Để phòng, chống, kiểm soát bệnh dịch tả heo Châu Phi kịp thời, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành báo cáo ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.

Ghi nhận tại tỉnh Bạc Liêu giá heo đạt 6 triệu đồng/100kg, giá này các hộ nuôi vẫn có lãi. Ảnh: Trọng Linh.

Ghi nhận tại tỉnh Bạc Liêu giá heo đạt 6 triệu đồng/100kg, giá này các hộ nuôi vẫn có lãi. Ảnh: Trọng Linh.

Riêng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, sản phẩm động vật,… luôn được các địa phương và đội ngũ thú y viên các xã tăng cường công tác giám sát, nắm chắc tình hình chăn nuôi, tình hình dịch bệnh tại địa phương để phát hiện sớm nhất dịch bệnh xảy ra.

Nếu phát hiện gia súc bị bệnh, cán bộ thú y cơ sở sẽ báo ngay cho cơ quan chức năng để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Khi xét nghiệm cho kết quả dương tính, cơ quan chức năng sẽ tiến hành tiêu hủy, bao vây, dập dịch, tiêu độc, khử trùng chuồng trại để hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu cho biết: Công tác kiểm tra, kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi mà nhất là trên đàn heo luôn được Chi cục thực hiện thường xuyên, liên tục. Do đó, khi có dịch bệnh xảy ra sẽ không bị động mà sẵn sàng triển khai ngay các biện pháp ứng phó.

Hiện, 100% lò giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh đều được nhân viên Chi cục kiểm tra, đóng dấu an toàn trước khi đưa thịt ra thị trường tiêu thụ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và kiểm soát tình hình dịch bệnh, đồng thời hướng dẫn chủ cơ sở làm vệ sinh trước và sau khi giết mổ gia súc. Khi phát hiện sẽ xử lý kịp thời những gia súc có biểu hiện bệnh.

Đối với trạm kiểm dịch trên tuyến quốc lộ 1A và Quản lộ Phụng Hiệp, Chi cục kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước trong việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển gia súc từ vùng đã công bố dịch.

Bên cạnh việc chủ động phòng dịch, có một thực tế hiện nay là trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vẫn còn nhiều hộ giết mổ gia súc chui, nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát, đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cơ quan thú y cơ sở và ý thức người dân.

Xem thêm
Loại mật ong xứng đáng 9 điểm: [Bài 1] Sáng kiến thay chúa kế vương

HẢI PHÒNG Một lần dự hội nghị ở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại Hà Nội tôi được nếm thử thứ mật ong xứng đáng được chấm cho 9 điểm.

Hải Phòng tạo điều kiện tốt nhất vốn vay để tái sản xuất nông nghiệp

HẢI PHÒNG Hơn 90 người trong tổng số hơn 100 thành viên Câu lạc bộ đại điền ở Hải Phòng có diện tích lúa bị thiệt hại sau bão, ít thì 20 mẫu, nhiều thì 80 mẫu.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.