| Hotline: 0983.970.780

Bệnh quái ác giết nhiều người

Thứ Năm 16/07/2015 , 09:01 (GMT+7)

Trong thời gian qua, tại 2 thôn 8A, 8B, xã Phước Lộc (Phước Sơn, Quảng Nam) có 6 người tử vong và 10 người mắc bệnh đều có chung triệu chứng: Sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó...

Hiện người dân rất lo lắng về căn bệnh này, còn cơ quan chức năng nghi ngờ do nhiễm virus bạch hầu.

Tang thương vùng cao

Trưa 15/7, chúng tôi có mặt tại thôn 8A và 8B xã Phước Lộc, nơi có 42 hộ, 224 nhân khẩu thuộc đồng bào dân tộc Bh’noong sinh sống. Một ngôi làng heo hút nằm ở lưng chừng ngọn núi, nơi đây một khung cảnh u buồn đang bao phủ. Bởi trong thời gian ngắn mà có 6 người tử vong và gần 10 người mắc bệnh. Người chết, lẫn người bị bệnh có chung một triệu chứng đau sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó…

Tại thôn 8B, ông Nguyễn Chí Trung (66 tuổi), quê ở Hội An lên đây mở quán buôn bán hàng tạp hóa ngồi trước quán, bịt khẩu trang kín miệng. Hỏi chuyện về người chết tại thôn, ông chua xót: “24 năm trôi qua tui “cắm” ở vùng đất này nhưng chưa thấy căn bệnh nào quái ác như rứa. Người nào phát bệnh thì 2 ngày sau tử vong”.

Thấy bệnh tật quá khủng khiếp, ông Trung sơ tán con cháu về quê cũ để lánh nạn. Ông Trung chia sẻ: “Gia đình có 10 người thì đến nay 8 người đã về hết rồi, còn lại vợ chồng tui trông nhà cửa”. 


Ông Nguyễn Chí Trung lo lắng về căn bệnh đau cổ

Đi vào thôn, cán bộ y tế, người phun thuốc tiêu độc khử trùng, người cấp phát thuốc cho bà con. Theo một cán bộ xã Phước Lộc, vừa qua ở thôn 8B có người chết, sau đó người dân xuống xã xin tiền về tổ chức mai táng. Thậy vậy cán bộ xã hỏi: Chết sao vậy? Người dân trả lời đau ở cổ.

Ngay sau đó xã cử người vào kiểm tra tại 2 thôn thì phát hiện trong tháng 5/2015 có 3 người chết gồm: Hồ Thị Hai (chết ngày 12/5); Hồ Văn Xưa (chết ngày 18/5) và Hồ Thị Mị (chết 30/5).

Tưởng rằng chuyện đó đã dừng lại thì đến đầu tháng 7 căn bệnh lại xuất hiện ở cả hai thôn và có 13 người mắc bệnh. Ngày 7/7, chị Hồ Thị Nảy (26 tuổi) sau hai ngày bị bệnh nhưng không qua cơn nguy kịch. Tiếp đến Hồ Thị Viên (17 tuổi) tử vong ngày 11/7 và Hồ Văn Quý (16 tuổi) mất ngày 12/7, cùng trú thôn 8B.

Bà Hồ Thị Mét buồn rầu: “Con gái tui là Hồ Thị Nảy đang khỏe mạnh thì kêu đau ở cổ. Thấy con đau, tui cứ nghĩ rằng, con đau bình thường. Hết một ngày, sang ngày thứ 2 cổ họng sưng to, Nảy chẳng ăn uống được gì, sau đó tử vong vào chiều 7/7”.

Cũng tương tự về triệu chứng nói trên, Quý và Viên phát bệnh, ngay sau đó cán bộ y tế đưa về Trung tâm y tế huyện, nhưng bệnh tình quá nặng đã được đưa xuống BV Đa khoa Quảng Nam điều trị cách ly, nhưng bệnh quá nặng nên đã tử vong.


Người dân thôn 8B lo lắng về những cái chết bất thường

Ghi nhận tại khu vực cách ly của Khoa Lây nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, có 6 bệnh nhân ở 2 thôn 8A, 8B đang điều trị tại đây, các bệnh nhân có độ tuổi từ 2-45. Anh Hồ Văn Đấu (25 tuổi) đang chăm sóc vợ là Hồ Thị Váo (25 tuổi) cho biết: Sau khi một số người trong thôn tử vong thì chị Váo cùng nhiều người mắc bệnh được cán bộ y tế đưa xuống đây.

“Sau 4 ngày mình đã ăn được cơm, sức khỏe hồi phục trở lại. May có các bác sĩ không mình cũng giống như mọi người ở thôn mất. Giờ trở về làng lo lắm, vì căn bệnh này chẳng tha ai cả. Trẻ con, thanh niên đều mắc. Ban đầu thì đau họng, sau đó sưng to, không ăn uống được”, chị Váo bộc bạch.


Anh Hồ Văn Đấu đang chăm sóc vợ tại Khoa lây nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn

Ông Huỳnh Tấn Dũng, GĐ Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho rằng, chưa biết được nguyên nhân gây bệnh. “Trung tâm đã cử 7 y bác sĩ lập trạm dã chiến tại xã Phước Lộc để xử lý mọi tình huống xảy ra. Trong những ngày qua trung tâm đã phun thuốc tiêu độc khử trùng, cấp phát thuốc cho người dân.

Đặc biệt, cách ly những người bị bệnh, tuyên truyền người dân hạn chế tiếp xúc, đi lại để đề phòng lây lan. Còn 6 bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm tạm thời ổn định, nhưng phải điều trị ít nhất từ 7 - 10 ngày mới cho xuất viện và tiếp tục theo dõi”, ông Dũng nói.

Nghi ngờ mắc bạch hầu

Chiều 15/7, ông Nguyễn Văn Hai, GĐ Sở Y tế Quảng Nam cho biết: Ngày 9/7, Sở Y tế cùng đoàn công tác đến hiện trường để tìm hiểu dịch bệnh và tìm cách khoanh vùng dập dịch. Tại địa bàn, cơ quan chức năng đã phát hiện 8 trường hợp với triệu chứng sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó. Sau đó đã tổ chức thăm khám, điều trị.


Cán bộ y tế phun thuốc tiêu độc khử trùng

Theo ông Hai, tính đến thời điểm này đã có tổng cộng 13 ca mắc bệnh, trong đó thôn 8B có 9 ca; thôn 8A có 4 ca. Hiện 10 ca đã được điều trị ổn định; 3 ca đã tử vong. “Cơ quan chức năng đã lập tức lấy mẫu làm xét nghiệm nhanh, đồng thời gửi mẫu đi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Kết quả, trong 7 mẫu gửi đi xét nghiệm thì có 6 mẫu âm tính và 1 mẫu dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Sở Y tế Quảng Nam đã có buổi làm việc với Viện Pasteur Nha Trang và đi đến thống nhất là tại địa bàn Phước Lộc đã xuất hiện ổ dịch bạch hầu”, ông Hai nói.

Về thông tin ông Hai cung cấp chỉ có 3 người tử vong, trong khi đó ghi nhận của PV từ tháng 5-7 trên địa bàn ở hai thôn nói trên có 6 người tử vong vì căn bệnh này, thì ông Hai cho rằng: Bệnh bạch hầu xuất hiện sẽ diễn biến trong thời gian dài. Các trường hợp trong tháng 5 giờ mình gom vô là không được, chỉ có 3 trường hợp tử vong trong tháng 7 nghi nhiễm bạch hầu thôi.

Vacxin không đến nơi

PV đặt vấn đề với ông Huỳnh Tấn Dũng, GĐ Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, rằng vacxin phòng bệnh bạch hầu được dùng trong Chương trình Tiêm chủng Quốc gia mở rộng, vậy tại sao những trẻ em ở độ 2 tuổi vẫn bị mắc. Có phải chăng các em không được tiêm vacxin?

Ông Dũng cho hay: Trong những năm qua, huyện Phước Sơn thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng đạt 95% trở lên, tuy nhiên riêng xã Phước Lộc rất hạn chế, nguyên nhân là ở đây không có điện nên không có dây chuyền bảo quản vacxin.

Do đó có tiêm cũng không đạt hiệu quả. Bên cạnh đó người dân vào nương rẫy, từ thôn vào rẫy mất 3-4 giờ đồng hồ để  gặp người dân, do đó có những em nhỏ không được tiêm chủng.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm