“Ở đây chúng tôi gần như không có ngày nghỉ”, một đầu bếp trên tàu sân bay Carl Vinson nói với hãng tin AP. “Hàng ngày chúng tôi phục vụ 4 bữa ăn, với thời gian cho mỗi bữa kéo dài khoảng 3 tiếng. Mỗi nhân viên trong bếp cần phục vụ tối thiểu 2 bữa mỗi ngày. Ngoài ra, chúng tôi chia lịch trực để ai cũng có thời gian nghỉ ngơi trong tuần”.
Bếp ăn trên tàu sân bay Mỹ |
Nhiệm vụ hàng đầu của các đầu bếp trên Carl Vinson là đảm bảo luôn có thức ăn nóng trong mỗi ca trực. Có 7 nhà ăn được bố trí trên tàu trên, và chỉ có thủy thủ được phục vụ miễn phí. Các sỹ quan phải trả tiền, nhưng được ngồi ở khu riêng. Những sỹ quan cao cấp còn được phép tùy chọn món theo ý thích, thay vì dùng thực đơn chung với thủy thủ, và cần gửi yêu cầu trước khoảng một tuần. Dù có sự khác nhau về cách phục vụ, thực phẩm dành cho mọi người trên tàu sân bay của Mỹ là tương đương.
Thực đơn trên Carl Vinson rất đa dạng, và được thay đổi theo ngày, nhằm đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Trong mỗi bữa sẽ có khoảng 4 món, gồm món chính, tinh bột, rau và đồ tráng miệng. Các quầy bar xung quanh nhà ăn luôn trữ sẵn các đồ nguội như bánh mỳ, salad, xúc xích… để đáp ứng nhu cầu 24/24 giờ. Thông thường, nhà bếp sẽ lên thực đơn trong khoảng 15 ngày. Với những chuyến đi dài ngày, kho trữ đồ đông lạnh trên tàu, có khả năng chứa hàng trăm tấn thực phẩm, được “nạp” đầy các nguyên liệu, từ bình dân đến cao cấp. Ngoài ra, thủy thủ và sỹ quan trên tàu thỉnh thoảng sẽ được "đổi gió" bằng các bữa tiệc nướng ngoài trời.
Trong chuyến thăm Đà Nẵng, giao lưu ẩm thực địa phương là một trong những việc rất được các đầu bếp của Carl Vinson quan tâm. “Đó không phải là trọng tâm quân sự, nhưng là một sự trao đổi văn hoá cần thiết", đầu bếp Hawkins thổ lộ. Theo người đàn ông này, các món bánh và đồ ăn nguội tại Việt Nam được thủy thủ tàu ưa thích vì sự mới lạ và mùi vị hấp dẫn. Rất nhiều trong số 5.000 thủy thủ chưa từng dùng qua những đặc sản Đà Nẵng như mì Quảng, bánh tráng thịt, bánh xèo hay bún chả cá.
Cesar Cevallos, 42 tuổi, kỹ thuật viên hệ thống thông tin, người gốc Guam, là một trong số ấy. Kể từ ngày rời quê nhà cách đây 4 năm, Cevallos luôn tận dụng tối đa cơ hội thưởng thức món ăn địa phương tại những nơi mà tàu Carl Vinson neo đậu. Anh thích ăn hải sản tươi và thưởng thức các loại rượu nhẹ.
Trịnh Hiển, một nha sĩ gốc Việt hiện làm việc trên tàu Carl Vinson tâm sự với đài VOA: “Tôi tâm niệm cách tốt nhất để tìm hiểu văn hóa một nước là thông qua thực phẩm và các món ăn tại đó. Tôi thích ẩm thực Việt Nam vì nó đa dạng, do chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc ở phía Bắc, Thái Lan về phía Tây, và các quốc gia cạnh biển từ hướng Đông như Malaysia, Indonesia. Tất cả hòa trộn lại, chứa đựng nét độc đáo riêng, và nhất là rất ngon miệng. Hy vọng tôi có thể tới Việt Nam thêm vài lần nữa".
Tâm sự của Hiển cũng là điều mà các thủy thủ trên tàu sân bay Mỹ mong muốn. “Tôi biết các đầu bếp trên tàu rất vất vả khi phục vụ 5.000 người, vì thế, cần thông cảm cho họ những lúc có chuyện lộn xộn. Những món ăn chưa thật hấp dẫn, nhưng nhìn chung là chấp nhận được”, một thủy thủ nhận xét.
Chuyên gia ẩm thực Andrew Demarsico, người có hàng chục năm kinh nghiệm phục vụ trên tàu sân bay, thừa nhận rằng mọi công việc bếp núc cần lên chi tiết nhất có thể, đặc biệt là những hôm đón khách tới thăm Carl Vinson. Tàu sân bay này có thể đón hàng trăm khách tham quan cùng lúc. Mỗi người sẽ được phục vụ một hộp thức ăn và đồ uống nhẹ, giống với thủy thủ đoàn. Bữa ăn cho du khách thường diễn ra ngay trong khoang chứa máy bay.
Theo Washington Post, số tiền dành cho các bữa ăn trên tàu Carl Vinson vào khoảng gần 100 nghìn USD mỗi ngày. Phần lớn trong số này được chi cho cánh gà, món ăn được ưa thích nhất trên tàu. Các đầu bếp thường chế biến hơn 2 tấn cánh gà trong một lần để tiện dùng trong vài ngày liên tiếp.