Chị Nguyễn Thị Thúy Huyên ở xã Nguyễn Huệ (Đông Triều, Quảng Ninh) xin hỏi:
Từ tháng 1/11/1985, tôi được UBND xã cử đi học lớp y tá y học dân tộc do Sở Y tế đào tạo và cấp bằng. Tháng 1/1986, tôi được Trung tâm Y tế huyện giới thiệu về công tác tại Trạm Y tế xã.
Đến ngày 31/12/1989, do giảm biên chế nên tôi đã phải nghỉ công tác, thời gian là 4 năm. Từ tháng 26/6/1993 đến 31/12/2010, tôi làm Phó ban Dân số-KHHGĐ xã, thời gian là 17 năm 6 tháng. Từ tháng 6/1999 đến 12/2008, tôi là Phó ban Dân số/KHHGĐ xã kiêm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã.
Trong thời gian công tác trên tôi nghỉ chưa được hưởng chế độ gì. Từ 1/2009 đến nay tôi là Chủ tịch Hội LHPN xã và được đóng BHXH. Vậy tôi xin hỏi thời gian tham gia công tác tại Trạm Y tế xã và thời gian làm Phó ban DS/KHHGĐ xã có được tính đóng BHXH không và theo thông tư hướng dẫn nào?
Trả lời:
Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định:
Cán bộ cấp xã có thời gian đảm nhiệm chức danh khác có trong định biên được phê duyệt thuộc UBND theo quy định tại khoản 5 điều 3 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP đã đóng BHXH theo mức sinh hoạt phí của chức danh này mà chưa hưởng trợ cấp một lần thì được bảo lưu thời gian đã đóng BHXH để giải quyết chế độ BHXH khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với những trường hợp giữ chức danh khác thuộc UBND có trong định biên được phê duyệt và có hưởng sinh hoạt phí của chức danh này nhưng chưa đóng BHXH thì được truy nộp tiền đóng BHXH để làm cơ sở tính hưởng BHXH. Thời gian truy nộp BHXH tính từ ngày 1/1/1998 đến ngày Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn có hiệu lực thi hành (truy nộp đối với từng trường hợp cụ thể tính theo thời gian thực tế đảm nhiệm chức danh khác có hưởng sinh hoạt phí).
Mức truy nộp bằng 15% mức sinh hoạt phí của chức danh đó theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP và được điều chỉnh theo tiền lương tối thiểu chung tại thời điểm truy nộp (trong đó cán bộ xã đóng 5%, ngân sách nhà nước đóng 10%).
Cán bộ cấp xã có thời gian đảm nhiệm chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, nếu công tác liên tục đến ngày 1/1/998 và hưởng sinh hoạt phí theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì thời gian đảm nhiệm chức danh trước ngày 1/1/1998 được tính là thời gian đã đóng BHXH.
Đối với cán bộ cấp xã thuộc chức danh quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, nếu trước tháng 1/1998 được cơ quan có thẩm quyền cử đi học chuyên môn, chính trị, sau khi hoàn thành nhiệm vụ khóa học tiếp tục giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì thời gian đi học này được tính thời gian công tác liên tục để tính hưởng BHXH.
Từ quy định nêu trên, chị cần nghiên cứu xem thời gian trước đây chị có được hưởng sinh hoạt phí theo Nghị định 09/1998 không (các chức danh là trưởng đoàn thể mới được hưởng sinh hoạt phí). Từ đó đối chiếu với chế độ chính sách và đề nghị cơ quan BHXH xem xét giải quyết.