| Hotline: 0983.970.780

Bí ẩn cánh rừng treo rốn trẻ con của người dân Xê Đăng

Thứ Bảy 12/05/2018 , 07:15 (GMT+7)

Nhiều đời nay, người dân Xê Đăng sống trên dãy núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) có phong tục treo rốn. Những đứa trẻ sinh ra được ông bà, cha mẹ đưa phần rốn và nhau theo bỏ vào túi và treo trong rừng để mong con mình khỏe mạnh.

"Mi đốt chết con tau rồi!"

Đầu tháng 5, trên dãy núi Ngọc Linh chiều về những cơn mưa đầu mùa đổ xuống bất ngờ. Tôi trên đường từ trung tâm huyện Nam Trà My vượt dốc lên xã Trà Cang nằm lưng chừng đỉnh núi thì mưa nặng hạt nên đành tá túc ở quán tạp hóa của chị Nguyễn Thị Hồng Thương, ở làng Tắk Long, xã Trà Cang.

Trong lúc chờ đợt mưa đi qua, chị Thương kể rằng, cách đây 10 năm, chị từ dưới xôi lên vùng đất này dựng nhà mở quán bán hàng. Để có lương thực, gia đình chị phát khu rừng cây cỏ, lau, đót, nứa… đốt làm nương rẫy. Mấy ngày sau những thứ chị phát khô héo nên châm lửa đốt cháy, tuy nhiên gặp đợt gió to ngọn lửa cháy lan sang khu rừng nguyên sinh bên cạnh.

12-54-25_nh_4
Quanh khu rừng rốn người dân đốt nương trồng lúa nhưng đến khu vực giáp ranh người dân không chặt phá

“Hai vợ chồng hốt hoảng kêu dân làng ra dập lửa, trong lúc đang lo sợ ngọn lửa cháy lan ra rừng thì mọi người hô hoán kêu la: Mi đốt chết con tau rồi, làng sẽ giết cả nhà bây giờ. Sao không giết cha mẹ mà đốt cháy các con của chúng tôi”, chị Thương nhớ lại.

Vừa lo sợ mình là thủ phạm gây ra cháy rừng, vừa sợ hãi lời người dân nói đốt con họ, nhưng chị vẫn nhanh chóng thúc giục mọi người dập lửa. Sau khi đám cháy được khống chế, lúc này người dân làng Tắk Long bảo rằng, đó là cánh rừng rốn linh thiêng. Nơi đó nhiều đời này, người dân trong làng treo rốn trẻ con dày đặc. Trong rừng có đến cả ngàn đùm rốn trên cành cây - cánh rừng này dân làng ra sức bảo vệ nên không một ai dám đụng đến.

Chị Thương đã vi phạm đến cánh rừng thiêng của làng nên chiếu theo luật tục của người Xê Đăng mà xử phạt. Hình thức phạt được tính theo đùm rốn treo trong cánh rừng mà ngọn lửa gây hại. Mỗi đùm rốn chị Thương nộp một con gà để các gia đình cúng thần linh xóa tội. “Tổng cộng, tôi mua 15 con gà trên một kg và 15 lít rượu đưa cho các hộ gia đình, họ mời thầy cúng về làm lễ. Hôm đó cả làng tổ chức cúng bái để mong thần linh xóa tội”, chị Thương kể.

Già làng Tắk Long Hồ Văn Đen cho hay, rừng rốn của người Xê Đăng rất linh thiêng. Từ xa xưa cha ông đã thực hiện tập tục này và truyền cho con cháu thực hiện. Mỗi người trong cộng đồng khi cưới vợ sinh con đều phải tuân thủ. Khi đứa bé vừa ra đời thì lập tức cha đứa trẻ hoặc ông bà lấy phần rốn, nhau thai cùng những vật dụng như áo quần, khăn tã có dính máu. Số này sẽ được gói lại thành một đùm cẩn thận.

12-54-25_nh_3
Ông Hồ Văn Đen cho biết, mỗi làng của người Xê Đăng đều có một khu rừng rốn linh thiêng và nằm cách xa khu dân cư

“Phía trong một lớp vải, tiếp đến vài lớp túi bóng đưa vào rừng rốn treo lên cành cây. Chúng tôi chọn những cây lớn, cành khỏe và đặt lên đó”, già Đen nói và cho rằng tất cả những ngôi làng Xê Đăng sống quanh ngọn núi Ngọc Linh đều có rừng rốn và ai cũng thực hiện.

Nói về tập tục này, già Đen bày tỏ, người Xê Đăng quan niệm, người chết nằm dưới - về với đất. Đứa bé sinh ra sống trên đời tức là ở trần gian. Chúng tôi quan niệm nhau thai, rốn là một phần của đứa bé, những vật này đều có linh hồn, nó đang còn sống, do đó không thể chôn mà phải treo để cho sống.

“Người miền xuôi chôn rốn, nhau thai nơi thoáng mát mong cho con cái khỏe mạnh, người Xê Đăng chọn cách treo nơi rừng xanh. Cánh rừng rốn của làng không được ai đụng chạm đến, dù một cành cây. Người trong làng chỉ đến treo rốn rồi đi ra, không được lui tới nơi này. Bởi lấy bất cứ thứ gì trong khu rừng này sẽ bị đau ốm, chỉ có thầy cúng đến nơi làm lễ mới hết bệnh”, ông Đen nói.

Gia Đen tâm sự, nếu ai vi phạm đều phải nộp phạt theo phong tục, nhẹ thì một con gà, nặng phạt trâu, heo, rượu cần… để làng làm lễ cúng thần linh phù hộ. Đùm rốn có giá trị khi đứa trẻ sinh ra cho đến lúc già yếu. Khi người đó qua đời đưa chôn thì đùm rốn không còn ý nghĩa, tuy nhiên vẫn treo trong rừng không được đụng đến.
 

Treo rốn để con mạnh khỏe

Anh Hồ Văn Đơn có vợ vừa sinh con được 15 ngày cho biết, tục treo rốn được cha ông truyền lại, anh không biết có từ lúc nào. “Vợ tôi sinh con thì nhanh chóng đưa rốn, nhau thai cho vào tấm vải đùm cẩn thận rồi đưa vào rừng. Giữa đám cây bạt ngàn mọc san sát, tôi chọn cành cây vững chắc để treo. Vị trí thích hợp buộc đùm cao trên hai mét, chứ không được để thấp sợ chó tha đi mất”, anh Đơn bày tỏ. Anh Đơn cũng giải thích, việc chọn cành cây vững chắc để treo rốn những mong con cái mình không đau ốm, mạnh khỏe suốt đời.

12-54-25_nh_1
Một đùm rốn vừa được người dân đưa vào rừng treo

Tôi nhờ anh Đơn dẫn vào rừng để tham quan nhưng bị từ chối ngay. Anh bảo, chỉ đứng phía ngoài nhìn vào thì được, chứ không dám bước chân vào trong rừng. Chính vì thế buộc một mình tôi phải vào rừng khám phá.

Mỗi cây trong khu rừng có nhiều đùm rốn treo lên. Có đùm cành cây mục nát rơi xuống đất do lâu ngày, có đùm đang còn mới.

“Tôi làm theo lời dặn người xưa để lại để bảo vệ con cái mình. Trẻ con ở đây sinh ra ăn rau, khoai sắn nhưng luôn mạnh khỏe. Để có được việc này thì ai cũng tin tưởng vào sự phù hộ của thần linh giúp đỡ nên bọn trẻ ít bị đau ốm, bệnh tật”, anh Đơn bày tỏ.

Anh Đơn cho biết thêm, hiện cuộc sống có nhiều thay đổi, đời sống được nâng lên và dân làng đang hướng tới loại bỏ tập tục này. “Tuy nhiên chúng tôi mong muốn đừng chặt phá những khu rừng này khi có công trình, dự án thực hiện”, anh Đơn bộc bạch.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết, đồng bào Xê Đăng trong cuộc sống còn nhiều tập tục, tuy nhiên những năm gần đây chính quyền tuyên truyền ra sức loại bỏ. Trong các cuộc họp dân, tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước, cán bộ huyện, xã đến gặp bà con rồi kết hợp khuyên bảo người dân loại bỏ tục treo rốn.

Nói về các hủ tục đang còn tồn tại, ông Bửu cho rằng do cuộc sống còn khó khăn và nhận thực người dân chưa cao. Trong mấy năm qua huyện thực hiện chủ trương giảm nghèo, nâng cao nhận thực cho người dân.

12-54-25_nh_2
Những đùm trốn được người dân đưa vào rừng

“Chương trình ba công chức trên địa bàn huyện phải có trách nhiệm kèm cặp một hộ gia đình thoát nghèo trong vòng một năm. Trong thời gian này, ba công chức sẽ phải liên tục bám lấy hộ được giao để tuyên truyền kiến thức, văn hóa đồng thời dạy họ từ cách thức làm ăn, canh tác hiệu quả cho đến cách chi tiêu hợp lý”, ông Bửu chia sẻ.

Ông Bửu cho cho rằng, cách làm này sớm để người dân ý thức được các hủ tục và tự loại bỏ khi có được hiểu biết. Người dân thoát được nghèo thì mới mong xóa bỏ được hủ tục.

“Dựa vào lợi thế phát triển sâm Ngọc Linh, huyện đã thành lập trung sâm tiến hành nhân giống. Mỗi năm, huyện cấp miễn phí cho người dân trồng để phát triển kinh tế”, ông Bửu cho biết.

(Kiến thức gia đình số 19)

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Nhiều vùng trũng thấp ở Nha Trang bị ngập

KHÁNH HÒA Do những ngày qua có mưa lớn kết hợp hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái Nha Trang dâng cao, nhiều vùng trũng thấp tại TP Nha Trang bị ngập.