| Hotline: 0983.970.780

Bí ẩn kho vàng vua Hàm Nghi: Khép lại một giấc mơ

Thứ Sáu 24/09/2021 , 07:52 (GMT+7)

Kho báu chắc chỉ tồn tại trong khát vọng và mơ ước của riêng Nguyễn Hồng Công, nhưng bị chinh phục bởi quyết tâm, khao khát và đức tin cháy bỏng…

Sau chuyến đến hàm vàng vào hè năm 2004, thì mãi 5 năm sau, chúng tôi mới quay lại nơi này. Đó là hè năm 2009…

Lúc này, ông Công cũng đã không còn mạnh mẽ như trước đây. Ông nhóm bếp, nấu ấm nước sôi để pha trà rồi đi về phía con suối nhỏ trước lán rửa chân tay. Khi lên, ông ở trần, dáng đi lom khom qua mấy hòn đá lớn. Khoảng cách từ con suối lên lán chỉ vài chục bước chân mà cứ thấy bóng dáng ông đi như là lâu lắm.

Những hầm vàng trước đây ông đào bây giờ đã bỏ hoang phế, cây cỏ mọc um tùm che gần kín miệng. Riêng chỉ còn ba hầm cuối, mỗi hầm cách nhau độ vài chục mét là đang được ông tiếp tục đào. Hình như ông đào luôn cả ba hầm vì tôi thấy ở hầm nào cũng có dấu vết mới.

Ông Công bảo: “Còn ba hầm này là mấu chốt đấy. Nhưng sức cũng hơi mệt rồi. Hôm nào tôi khỏe thì đi đào ở hầm xa nhất. Hôm nào yếu thì lại đào ở hầm gần lán. Có ngày chỉ đào được một, hai giờ đồng hồi thôi là phải nghỉ ngơi vì nghe tức ngực lắm”.

Ông Nguyễn Hồng Công lầm lũi đi xuống một hầm vàng để tiếp tục đào. Ảnh: T.P.

Ông Nguyễn Hồng Công lầm lũi đi xuống một hầm vàng để tiếp tục đào. Ảnh: T.P.

Chúng tôi bảo ông hay là cứ để công việc đấy, về nhà nghỉ một thời gian cho có sức khỏe rồi lại tiếp tục. Ông cười không thành tiếng, lắc đầu: "Công việc là không dừng được. Biết đâu khi dừng là hỏng việc ngay. Hầm nào cũng có dấu hiệu là sắp đến đích cả rồi. Các chú cứ yên tâm nhé”.

Ông Nguyễn Hồng Công sở hữu… một bài thơ có những câu như: "Hóa Sơn ghìm bước quân vương tới/ Mã Cú lưu gìn báu vật xưa". Theo Nguyễn Hồng Công, chính câu đầu tiên của bài thơ này - "Hóa Sơn tứ hải cuộc mưu sinh" - là mệnh lệnh, là sứ mạng được ký thác buộc ông phải dấn thân vào cuộc săn tìm...

Vất vả, khó nhọc trong vô vọng, sức khỏe Nguyễn Hồng Công dần dần hao kiệt. Ông trở nên gầy còm, đen đúa, râu ria tua tủa. Không ít lần, Nguyễn Hồng Công đã suýt mất mạng. Ông kể, có khi đào hầm quá sâu, thiếu không khí, đã bị ngất xỉu không ai biết. Cứ nằm trong hầm như thế đến nửa ngày sau đột nhiên ông tỉnh lại và chui ra. Lúc khác, mùa mưa, lạnh buốt, đường hầm đang đào bất ngờ phá vỡ một mó nước, Nguyễn Hồng Công trồi lên, trụt xuống một hồi lại ngoi lên.

“Tôi không chết vì có người nâng đỡ”, ông nói vậy. Dẫn chúng tôi đi xem những điểm "tử địa hồi sinh", Nguyễn Hồng Công tuyên bố chắc như bắp: "Người khác là chết thẳng cẳng. Tôi thì kinh nghiệm rồi, vô trong hầm tôi biết cách thở… rất ít nên không tốn không khí, không ngạt được. Bị nước cuốn thì nhịn thở, cố ngoi lên sau đó… thở bù. Không làm vậy là không sống được ở chốn này đâu".

Dù tiếng nói đã không còn sắc, khỏe như trước, nhưng nói với chúng tôi, ông vẫn khẳng định chắc như dao chém cột. Ông nói tuyên bố: "Sau hàng chục năm kinh nghiệm, chỉ có mỗi mình tôi phát hiện ra những "quy luật" đó. Các học giả, tiến sĩ thực thụ, họ thiếu kiến thức thực tiễn, hiểu làm sao nổi". Ông nói, ông tin nhưng không thể thuyết phục được bất kỳ ai. Rất nhiều lần, Nguyễn Hồng Công tuyên bố chắc nịch là "đã phát hiện ra cửa hầm vàng, sắp khui" nhưng rồi chẳng thấy đâu.

Ngôi lán, nơi ông Nguyễn Hồng Công ở trong nhiều năm để đào tìm kho báu. Ảnh: T.P.

Ngôi lán, nơi ông Nguyễn Hồng Công ở trong nhiều năm để đào tìm kho báu. Ảnh: T.P.

Không rõ, để sống ông có được nguồn cung cấp tiền bạc nào, nhưng khi chúng tôi ghé thăm lần này thì thấy điều mới. Ông tăng gia nuôi thêm mấy con gà, trồng thêm trước lán vài liếp rau mùng tơi, rau cải, dăm ba cây đu đủ, đã có cây ra trái.

Cãi nhau kịch liệt với cả chính quyền lẫn nhà khoa học, gạt đi đủ loại thần thánh quyền năng nhưng dường như ông vẫn là người thờ và có đức tin vào Phật. Rất đều đặn, vào ngày Rằm, mùng Một âm lịch, Nguyễn Hồng Công vẫn ra chợ Hóa Sơn mua ít hoa quả về thắp hương. Khoảng cuối tháng 8 âm lịch, không thấy ông đi thửa hương đèn hay mua bán như mọi khi, một số người dân thôn Đặng Hóa đã nghĩ đến chuyện chẳng lành, đi báo ngay với chính quyền.

Sáng 6/10/2013, chính quyền xã Hóa Sơn đã phân công anh công an viên Đinh Xuân Hậu cùng một người dân là anh Phan Thanh Tiến tắt rừng vào xem thử. Cách lán của Nguyễn Hồng Công chừng 50m, hai anh đã thấy mùi hôi thối bốc lên khá nặng. Đẩy cửa lán bước vào, họ thấy Nguyễn Hồng Công vẫn nằm trên giường, buông màn, đôi giày ba ta xếp ngay ngắn dưới đất. Trong lán lạnh ngắt, hình như ông đã chết từ lâu, thi thể bắt đầu phân hủy, bốc mùi. Ngoài mùng, ruồi nhặng bâu đầy…

Công an huyện Minh Hóa cho biết đã khẩn trương cử tổ công tác khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi với sự tham gia của Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, Viện Kiểm sát, Đội Hình sự Công an huyện và chính quyền xã Hóa Sơn. Hiện trường ngăn nắp, không có dấu vết của sự xáo trộn. Trên thi thể ông Nguyễn Hồng Công cũng không có dấu vết xô xát hay tác động nào từ bên ngoài.

Một hầm vàng lớn và sâu nhất do ông Nguyễn Hồng Công đào bằng sức lực của mình trong nhiều năm ròng rã. Ảnh: T.P.

Một hầm vàng lớn và sâu nhất do ông Nguyễn Hồng Công đào bằng sức lực của mình trong nhiều năm ròng rã. Ảnh: T.P.

Ông Nguyễn Hồng Công được xác định đã chết tự nhiên cách đó khoảng 7 ngày, tức đúng vào hôm bão số 10 đổ vào Quảng Bình. Người săn kho báu có tiền sử bệnh lao phổi, sức khỏe rất yếu. Rất có thể vì thiếu sự chăm sóc, cứu chữa nên ông không gượng nổi khi nằm lại một mình giữa chòi hoang trong rừng sâu giữa những ngày bão lũ.

Một số người quen đã lục tìm các mối liên lạc để báo tin cho gia đình ông Nguyễn Hồng Công ở thành phố Hồ Chí Minh biết việc chẳng lành này. Người dân thôn Đặng Hóa đã họp bàn. Những người già nói với lớp con cháu “nghĩa tử là nghĩa tận”, nên lo mai táng cho ông ở nghĩa trang thôn. Mọi người nghe theo. Dù sao, cả mấy chục năm ông đã gắn bó, đã quen thuộc với người dân, với mảnh đất Đặng Hóa này.

Sau này, người thân của ông từ thành phố Hồ Chí Minh ra đã cảm ơn và xin phép chính quyền xây cho ông ngôi mộ bằng xi măng để ông mãi nằm lại nơi mảnh đất mà ông dành gần như trọn cuộc đời theo đuổi, khốn khó, hy vọng.

Hơn ba chục năm đeo đuổi giấc mơ kho báu, ông Nguyễn Hồng Công đã sống cô độc ở một góc rừng. Sáng 7/10/2013, tại thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn, có lẽ lần đầu tiên ông đón nhiều người thân quây quần cùng lúc, nhưng là để hương khói thương khóc bên mồ. Ông được đưa về mai táng tại khu nghĩa địa, cách ngôi lán nhỏ mà đã mấy chục năm ông ở chừng non cây số. Khi mộ ông được đắp đất đầy thì có lẽ những bí mật về kho báu vua Hàm Nghi huyền thoại, chắc cũng đã cùng ông ngủ yên nơi chín suối…

Thung lũng Hóa Sơn nằm giữa bốn bề núi đá. Ảnh: T.P.

Thung lũng Hóa Sơn nằm giữa bốn bề núi đá. Ảnh: T.P.

Người dân Hóa Sơn cũng nói ông Nguyễn Hồng Công sống hiền lành, không làm phiền ai nên dân địa phương cũng quý. Thỉnh thoảng, bà con tiện đường lại ghé qua thắp cho ông nén nhang, cắm cho ông mấy cành hoa rừng hoặc đơn giản là đứng đó nhìn ngôi mộ một lúc rồi cúi đầu lặng lẽ nước đi.

Ông Đinh Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cũng lắng lòng với điều này. Ông bảo, vào dịp tết hằng năm, chính quyền vẫn cho người thắp hương cho ông. “Dù sao, ông cũng là người gắn bó lâu dài với người dân ở đây. Không thành công điều gì, nhưng ông cũng đã làm nên một “huyền thoại” về kho vàng vua Hàm Nghi, về sự kiên trì, bền gan và ông đã ở lại”, ông Tuyên chia sẻ thêm.

Không áo mão cân đai, không bạc vàng châu báu, mở ra từ rực rỡ vàng son, huyền thoại về kho báu vua Hàm Nghi đã khép lại trong hiu quạnh.

Vào cuối năm 2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với căn cứ kháng chiến của vua Hàm Nghi ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa. Theo cứ liệu lịch sử, Hóa Sơn xưa còn có tên gọi khác là thung lũng Ma Rai. Với địa thế hiểm trở, được bao quanh bởi những lèn núi đá vôi dựng đứng, nên cuối năm 1885, Vua Hàm Nghi và các tướng lĩnh đã đến đóng căn cứ tại đây để lãnh đạo phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp. Trong thời gian đó, Minh Hóa trở thành trung tâm đầu não, là kinh đô kháng chiến của phong trào Cần Vương trên đất Quảng Bình. 

Những người dân Hóa Sơn vẫn thắp hương trước ngôi mộ ông Nguyễn Hồng Công ở nằm tại chân núi Mã Cú. Ảnh: T. Du.

Những người dân Hóa Sơn vẫn thắp hương trước ngôi mộ ông Nguyễn Hồng Công ở nằm tại chân núi Mã Cú. Ảnh: T. Du.

Huyện Minh Hóa cũng đang khảo sát những dấu tích nơi vua Hàm Nghi từng đặt chân đến để có kế hoạch đầu tư cho du lịch văn hóa lịch sử. Trước mắt là đặt tại những nơi có dấu tích bia tưởng niệm. Riêng ở xã Hóa Sơn sẽ có hai địa điểm cần đặt bia và xây dựng khu di tích. Đó là thôn Đặng Hóa - nơi vua Hàm Nghi đã ở và tại vùng eo Lập Cập - nơi diễn ra trận chiến thắng của quân nhà vua với sự giúp sức của người dân bản địa.

Ông Đinh Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho hay, chính quyền có kế hoạch bảo tồn những hầm vàng mà ông Nguyễn Hồng Công đã đào. “Biết đâu, sau này khi khách du lịch đến với Hóa Sơn lại muốn nán lại để tận mắt thấy những đường hầm xuyên sâu vào lòng núi mà ông Nguyễn Hồng Công đã tạo nên để tìm kho báu trong suốt hơn ba mươi năm”, ông Tuyên nhắc lại câu chuyện khó đi vào quên lãng.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.