| Hotline: 0983.970.780

'Bí kíp' xử lý chất thải chăn nuôi... uống được

Thứ Ba 29/08/2017 , 08:20 (GMT+7)

Nếu thích, tôi có thể biến nguồn nước thải từ chuồng lợn thành nước pha trà...

Học chuyên ngành Chăn nuôi - thú y, trực tiếp đầu tư trang trại lợn nái nhiều năm, ông Trần Công Việt, Chủ tịch UBND xã Việt Ngọc (Tân Yên, Bắc Giang), đam mê nghiên cứu tài liệu nước ngoài về xử lý chất thải chăn nuôi và biến phụ phẩm chăn nuôi thành năng lượng, dinh dưỡng cây trồng.

15-19-03_1
Ông Trần Công Việt có một “kho” tư liệu về chăn nuôi lợn công nghiệp

Trang trại lợn giống của ông Trần Công Việt tọa lạc trên một khu đồi khá rộng và nằm khá gần nhà dân. Có thời điểm, quy mô chăn nuôi của trang trại này lên tới 300 lợn nái, thế nhưng, sự tác động tiêu cực đến môi trường dường như không diễn ra. Để làm được điều đó, ông Việt đã đầu tư để triệt tiêu mọi nguồn phụ phẩm chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường (bao gồm phân và nước thải).

Do đặc thù phân lợn nái khá khô, bởi vậy ông Việt thuê lao động hót phân, sau đó phơi, đóng bao tải bán cho các đơn vị sản xuất phân hữu cơ để trồng rau, quả sạch. Lượng nước thải rửa chuồng lần lượt chảy qua 4 hầm biogas (dung tích mỗi hầm 50m3) được bố trí theo đường ziczac.

Sau đó, nước thải tiếp tục được chảy xuống một hầm biogas “khủng” phủ bạt phía trên có dung tích 3.000m3. Quá trình nước thải được xử lý nhiều lần trong môi trường yếm khí tại 5 hầm biogas nối tiếp nhau đã giúp vi sinh vật phân huỷ chất hữu cơ dư thừa trong phân để sinh ra khí gas.

Tiếp đến, dòng nước sau hầm biogas sẽ chảy lần lượt qua hai bể lắng (thể tích 300m3, được phủ bạt đen ngăn thấm nước dưới đáy và xung quanh) và bể sinh học (thể tích 300m3, đáy bể không láng bê tông, phủ bạt ở tầng đáy mà để nguyên bùn đất để sinh ra vi sinh vật thẩm thấu, sử dụng chất thải).

Sau đó nước lại được đổ vào lần lượt 4 bể lọc đặc biệt nối tiếp nhau. Mỗi bể lọc có thể tích khoảng 2m3 được đổ đặc vỏ trấu. Dòng nước ngấm qua kẽ các vỏ trấu từ bể lọc thứ nhất, thông qua lỗ hổng dưới đáy tràn sang bể lọc thứ hai, rồi tràn từ bể lọc thứ hai xuống bể lọc thứ 3, thứ 4 theo hình ziczac.

Sau bước xử lý này, nước thải chăn nuôi không còn cặn bã và chất gây ô nhiễm môi trường, hoàn toàn có thể cho đổ ra hồ lớn nuôi cá (trong địa giới của trang trại) sau đó mới đổ ra môi trường, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về nước thải.

Ông Việt cho biết: “Phương pháp lọc nước thải chuồng trại bằng vỏ trấu có hiệu quả đặc biệt so với các phương thức lọc nước khác, bởi khe vỏ trấu khá thoáng, rất phù hợp để lọc cặn bã nước thải từ chuồng trại. Mặt khác, nó có độ bền tốt, khoảng 4 - 5 tháng mới thay vỏ trấu một lần với chi phí rất thấp. Nguồn trấu của bể lọc được bón cho cây trồng giúp cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh và năng suất cao và tuyệt đối an toàn với môi trường”.

Lượng khí gas còn lại sinh ra từ hầm biogas, ông Việt cho đốt hết để không lây lan nguồn khí gây hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, bã phân lợn ngưng đọng trong các hầm biogas được ông Việt định kỳ hút lên và tưới cho vườn cây ăn quả của gia đình, hiệu quả kinh tế rất cao”

Vị chủ tịch xã đam mê chăn nuôi cũng khẳng định: “Nếu thích, tôi có thể biến nguồn nước thải từ chuồng lợn thành nước pha trà. Cụ thể, nước sau khi xử lý sau 4 bể lọc bằng trấu, có thể đi qua một bể lọc nữa sử dụng than hoạt tính thì sẽ trở thành nước sạch có thể uống được mà không gây hại cho con người”.

Trong những năm qua, Việt Ngọc là địa phương khá phát triển chăn nuôi. Kèm với đó, áp lực môi trường không hề nhỏ. Nhiều trang trại lớn sử dụng các bể lọc để tách bã phân và nước thải, sau đó phơi khô và bán cho các vùng chăn nuôi. Nguồn nước thải sau khi xử lý qua hầm biogas và lắng lọc qua các bể lắng, bể sinh học được chủ trang trại chia sẻ cho các hộ trồng trọt tưới cho cây trồng đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm chi phí đầu tư.

Ông Phạm Thanh Bắc, trưởng thôn Đầm Lác, xã Việt Ngọc cho biết: “Sử dụng nước tưới sau hầm biogas để bón cho cây trồng rất tốt, cây không bị xót và héo lá như tưới nước thải trực tiếp từ chuồng trại. Đặc biệt, cây có sức bền tốt, ít nhiễm bệnh và năng suất cao, mô hình này đang được áp dụng khá phổ biến tại địa phương.

Tôi được biết, dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp của tỉnh đã đề xuất hỗ trợ máy ép phân lỏng thành phân khô cho gia đình nhà ông Nguyễn Bá Hữu, chủ một trang trại lợn thịt lớn trong thôn. Nếu thành công thì đây sẽ là mô hình điểm về sản xuất phân hữu cơ phục vụ trồng trọt”.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm