
Bao lực gia đình cần phải được xử lý triệt để theo sự tiến bộ xã hội (Ảnh minh họa).
Bạo lực gia đình từ lâu đã được đưa vào khuôn khổ pháp lý xã hội. Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời năm 2007, và tiếp tục được bổ sung nhiều điều khoản trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022. Thế nhưng, bạo lực gia đình vẫn xảy ra ở nhiều môi trường khác nhau, mà clip một nam DJ đánh người vợ trẻ mới sinh con được 5 tháng, đã gây căm phẫn cho dư luận.
Nam DJ đã tỏ ra ăn năn khi làm việc với cơ quan chức năng. Và người vợ trẻ cũng đồng ý tha thứ cho chồng. Tuy nhiên, căn cứ pháp luật, thì hành vi của nam DJ đã vi phạm Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Bởi lẽ, việc nam DJ đánh tới tấp vào mặt, vào đầu của người vợ trẻ chính là “hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng”.
Người có hành vi bạo lực gia đình, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Nam DI đánh vợ giải thích, do vợ chồng trẻ nhiều áp lực, đủ thứ tích tụ lâu ngày không được giải tỏa nên cuối cùng bùng lên thành một cuộc ầm ĩ ngoài ý muốn. Liệu có thuyết phục không? Đó là biểu hiện bức xúc nhất thời chăng? Dù tin như vậy, cũng phải thấy rằng, bạo lực gia đình đang có nhiều biến tướng phức tạp, mà đôi khi camera giám sát không thể ghi nhận đầy đủ.
Tại Việt Nam, con số liên quan đến bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện, đã chỉ ra rằng, gần 63% phụ nữ từng kết hôn hoặc có chồng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng/bạn tình vào một thời điểm nào đó trong đời.
Những người có hành vi bạo lực gia đình đều là những người lệch lạc trong suy nghĩ, gốc rễ dẫn đến hành vi của họ là do yếu tố nhận thức. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi đó nhưng có thể phân ra thành nguyên nhân về tư tưởng, nguyên nhân về văn hoá, yếu tố kinh tế, yếu tố luật pháp. Kết quả của hành vi bạo lực gia đình thường được thể hiện dưới các hình thức chủ yếu là bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục.
Từ góc độ cá nhân, một trong những nguyên nhân được đề cập tới nhiều nhất là xuất phát từ người có hành vi bạo lực. Hành vi bạo lực gia đình của họ thường khởi phát từ nhiều lý do tình trạng tâm lý xã hội như thái độ, nhận thức hay trải nghiệm quá khứ. Trong đó, tư duy bất bình đẳng giới, thái độ gia trưởng, tư tưởng trọng nam khinh nữ ở một số nam giới khiến họ tin vào quyền lực của mình để đòi hỏi mọi người trong gia đình đặc biệt là người vợ phải tuân thủ yêu sách của họ. Những người này thường đòi hỏi sự hoàn hảo đối với các thành viên trong gia đình và vì vậy họ thường đưa ra sự kiểm soát gắt gao và những kỷ luật nặng nề. Nếu thành viên nào trong gia đình không làm theo thì họ sẵn sàng phạt.
Theo các chuyên gia phòng chống bạo lực gia đình, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ các phương tiện truyền thông, hiện tại hiểu biết về bạo lực của cả nam giới và phụ nữ đã được cải thiện. Song tư tưởng nam quyền vẫn đang rất nặng nề, ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt, dẫn đến tình trạng một bộ phận người chồng/bạn tình có nhiều mưu mô trong việc đối phó, che đậy hành vi bạo lực. Chẳng hạn, nhiều ông chồng lôi vợ vào góc khuất, tránh camera để đánh vợ. Thậm chí, rất tiếc khi phải thừa nhận rằng trong thời đại xã hội phát triển, tình trạng bạo lực đã ghi nhận những xu hướng, biến thể mới. Ngày nay, phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn chồng cũng có nguy cơ bị bạo lực
Khi có một vụ bạo lực gia đình, thì hầu như chính thủ phạm và nạn nhân đều tìm cách lấp liếm. Không ai muốn thừa nhận, vì chúng ta quen với việc kể chuyện hạnh phúc, phô bày cái đẹp, cái tốt. Và đậy lại cái thối tha, vô lý và ngu muội. Nhưng chừng nào chúng ta còn đậy lại thì có nghĩa là chúng ta còn đang cam chịu và chấp nhận.
Khái niệm “vòng tròn bạo lực” bây giờ đã trở thành kiến thức phổ biến, rất nhiều người đã biết đến nó và hiểu ra vì sao mình lại cam chịu đến thế khi cứ tiếp tục chung sống theo cách chịu đựng. Chúng ta đã hiểu sau mỗi lần bạo lực, người đàn ông đầu gối tay ấp lại quỳ xuống xin tha thứ với lời nói dịu dàng: nếu em không nói láo, anh đã không đánh em. Có thể người đàn ông còn mua cho vợ, người tình vòng và nhẫn nếu anh ta giàu. Còn nếu anh ta ghèo thì có thể là nấu cho bữa cơm… Và người vợ lại hy vọng “anh ấy yêu thương mình, mà mình thì chỉ cần có thế”. Và như vậy, một bước cam chịu cho những lần cam chịu tiếp theo, không thể đẩy lùi bạo lực gia đình theo giá trị công bằng và văn minh.