Theo ông Nguyễn Quốc Nghi, Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu, từ dọc sông Chảy đi xuống có 17 hộ dân với hơn 70 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, những hộ dân ở thôn Bản Vàng, sau sáp nhập với thôn Kho Lạc thành thôn Kho Vàng.
Sau khi có thông báo về cơn bão số 3, địa phương đã tuyên truyền, vận động tới người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở phải di chuyển đến nơi an toàn, tránh cơn bão. Đêm ngày 9 rạng sáng 10, các hộ đã di dời để tránh bão.
Tuy nhiên, địa phương không biết bà con đã di dời hay chưa vì bão làm mất sóng liên lạc. Thấy đường sá hư hỏng, sạt lở nhiều, ngay hôm sau xã cử một tổ công tác đi đường rừng 15km. Sau nhiều giờ mới vào được thôn và các hộ dân đã chấp hành việc di dời khỏi nơi nguy hiểm rất tốt.
Thấy nguy cơ, trưởng thôn Vàng Seo Chứ đã vận động 17 hộ này di chuyển, cách nơi ở cũ khoảng 500m để đảm bảo an toàn. Khi chính quyền địa phương tiếp cận được các hộ dân, và qua kiểm tra nhiều căn nhà của bà con nguy cơ sạt lở cao và không thể ở. Do đó, vận động các hộ dân tiếp tục cắm trại tại chỗ đảm bảo an toàn. Địa phương đã tiếp tế thực phẩm cho các hộ dân này.
"Việc nói tìm thấy các hộ dân này là không đúng, vì họ có mất đâu mà tìm. Sử dụng từ "tìm thấy" là hơi nặng nề", ông Nghi nói.
Hiện nay, xã đã tổng hợp và báo cáo huyện về các hộ có nguy cơ sạt lở cao phải di dời. Tuy nhiên, huyện Bắc Hà đang phải lo chống chọi mưa lũ, sạt lở ở nhiều địa phương. Phương án trước mắt là vẫn để người dân ở an toàn sau đó ngày mai xã trực tiếp họp và cử cán bộ kiểm tra mức độ nguy hiểm một lần nữa, xác định cụ thể có bao nhiêu nhà có thể ở lại hoặc buộc phải di dời; đồng thời lắng nghe nguyện vọng của người dân như thế nào. Hiện nay, người dân sinh sống ở đó, nương đồi ở đó. Để di chuyển đi thì rất xa và sống thế nào là rất khó...
Được biết, thôn Kho Vàng trước đây đã từng xảy ra sạt lở đường đi do thủy điện, do đó chính quyền nắm rất rõ địa chất của khu vực này.