Những năm gần đây, cây bí (bí đỏ, bí xanh) đang trở thành cây trồng chủ lực trong vụ đông của người dân Thái Bình. Bởi lẽ, bí có nhiều ưu điểm như dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp, thuận lợi mở rộng diện tích trên chân đất 2 lúa, dễ bảo quản, nhu cầu của thị trường lớn...
Xã Đông Xá được xem là “thủ phủ” bí của huyện Đông Hưng. Những ngày này, trên khắp các cánh đồng, người dân đang tất bật thu hoạch bí xanh, bí đỏ trà sớm. Tín hiệu đáng mừng là bí thu hoạch tới đâu đều được các thương lái thu mua hết tới đó.
Bà Mai Thị Ngoan, xóm Tây 1 (Đông Xá) phấn khởi chia sẻ: Gia đình bà trồng gần 1 mẫu bí đỏ và bí đao, mặc dù năm nay xuống giống muộn hơn so với mọi năm khoảng 10 ngày nhưng sản lượng, chất lượng bí không bị ảnh hưởng. Thương lái vào tận ruộng thu mua nên không tốn chi phí vận chuyển, bao bì. Giá bán vẫn duy trì ở mức như mọi năm, từ 6.000 - 10.000 đồng/kg.
Theo bà Ngoan, do tận dụng chân đất 2 lúa để canh tác vụ đông nên để rút ngắn thời gian sinh trưởng và phát triển của bí, trong cơ cấu giống vụ mùa các hộ đã sử dụng 2 giống lúa Bắc thơm 7 (thu hoạch trước để trồng bí) và BC 15 (thu hoạch đúng thời vụ) để gieo cấy.
Bên cạnh đó, ngay từ khi lúa vụ mùa vẫn còn ở trên đồng, các hộ đã xuống giống bí vào bầu đất tại nhà hoặc đánh bùn gieo giống ngay tại đầu ruộng. Khi ruộng lúa có 2/3 số hạt trên bông đã chín, tiến hành rẽ lúa thành từng lối, luồn nhẹ bầu cây giống đặt vào chân gốc lúa, sau 2 - 3 ngày cây bí hồi xanh sẽ tiến hành cắt lúa theo hàng gieo giống. Cắt lúa đến đâu xới đất tạo rãnh, bón phân, lấp đất kín gốc bí đến đấy. Rơm rạ sau khi thu hoạch được dùng để phủ mặt luống.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm, bí có bộ rễ tốt với khả năng chống khô hạn, tuy nhiên lại không chịu được ngập úng. Do đó, người trồng cần chú không được để xảy ra tình trạng đất bị ngập nước gây thối rễ. Tuy nhiên, cũng không được để đất quá khô sẽ khiến cây bị còi cọc và cho ít trái.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Quyên, người cùng thôn Tây 1 trồng 8 sào bí đỏ cũng không giấu được niềm vui khi thời gian thu hoạch bí còn kéo dài tới 15/11 (âm lịch) nhưng đến hiện tại bà đã thu bán được 1 tấn bí, bỏ túi gần 10 triệu đồng.
“Với đà này, năm nay dự kiến số tiền thu về từ trồng bí sẽ cao hơn năm trước. Mặc dù giá vật tư đầu vào năm nay tăng cao nhưng đến hết vụ vẫn có thể bỏ túi 20 triệu đồng”, bà Quyên vui vẻ.
Cũng theo bà Quyên, bí rất dễ chăm sóc, khả năng sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, người trồng cũng cần hết sức cảnh giác với các bệnh như chết cây con, thán thư, phấn trắng, cháy lá giữa thân, hiện tượng khô đọt, thối trái non...
Để hạn chế những bệnh này, hạt giống phải được xử lý kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng, không mang mầm bệnh. Ruộng trồng phải được bổ sung dinh dưỡng, đảm bảo thoát nước tốt. Trong quá trình canh tác, tránh trồng quá dày; thường xuyên thu dọn sạch sẽ tàn dư thân, lá bị bệnh, tiêu diệt cỏ dại; theo dõi đồng ruộng để khi phát hiện cây, trái mắc bệnh tiến hành cắt bỏ ngay hoặc phun thuốc phòng trừ kịp thời.
Bà Trần Thị Thanh Hoài, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đông Xá cho biết vụ đông 2022, tổng diện tích bí của HTX gần 100ha (bí xanh 32ha; bí đỏ 65ha). Sản lượng bí trung bình hàng năm các hộ thu được từ 4 - 5 tạ/sào, với chi phí đầu tư từ 700.000 - 800.000 đồng/sào, người trồng có lãi 2 - 4 triệu đồng/sào, cao hơn rất nhiều so với việc canh tác lúa trên cùng chân đất.
Việc người dân vận dụng cách làm trồng bí xen với lúa để rút ngắn thời gian sinh trưởng và thu hoạch rất phù hợp với đặc tính của cây bí là ưa ấm, thích hợp canh tác ở vụ đông sớm. Từ đó, giúp năng suất, sản lượng, chất lượng bí cao hơn so với việc trồng muộn. Đồng thời, việc thu hoạch sớm sẽ giúp cho hoạt động tiêu thụ trở nên thuận lợi, giá bán, lợi nhuận cao hơn, giảm áp lực cạnh tranh khi các loại rau màu khác chưa vào đợt thu hoạch rộ.