| Hotline: 0983.970.780

Biến dược liệu quý thành sản phẩm phổ thông

Thứ Bảy 15/07/2023 , 16:34 (GMT+7)

Từ loại dược liệu có giá lên tới tỷ đồng mỗi kilogram, giờ đây đông trùng hạ thảo đã có giá hợp lý, nhiều người có thể mua, sử dụng bồi bổ sức khỏe.

Ông Đào Huy Cương kiểm tra sản phẩm trong phòng sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Ảnh: Hải Đăng.

Ông Đào Huy Cương kiểm tra sản phẩm trong phòng sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Ảnh: Hải Đăng.

Từ biến cố của gia đình, ông Đào Huy Cương ở thành phố Lai Châu đã có bước ngoặt chuyển sang sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Ông cũng là người đầu tiên ở Lai Châu sản xuất thành công dược liệu quý này.

Trong khi đang ăn nên làm ra với lĩnh vực sơn thì người anh rể của ông bị ung thư di căn và qua đời. Thấy sức khỏe mới là vốn quý, ông quyết định bỏ ngang mảng kinh doanh đang lên của mình, rẽ hướng đi khác.

“Những năm 2010-2012, trước biến cố ấy, tôi được biết sản phẩm này rất tốt cho sức khỏe và hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, các bệnh liên quan đến thận, đến hệ miễn dịch… nhưng khi đó chưa có ai làm cả vì đây là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tôi bắt đầu đi học để làm nấm đông trùng nhưng chỉ học trên lý thuyết, còn bí quyết công nghệ gần như bí mật tuyệt đối và không có sự chia sẻ. Sau đó, tôi gặp được người thầy ở Thái Lan chỉ dẫn. Cả thầy và trò mất rất nhiều công sức. Tôi thất bại và trả giá rất nhiều rồi”, ông Đào Huy Cương nói.

Do không hiểu về giống nên những cây nấm ban đầu chỉ nhú mầm mà không mọc thành cây, tuy vậy đó cũng là hy vọng ban đầu đối với ông Cương. Khó khăn nhất gặp phải trong quá trình trồng nấm đông trùng hạ thảo là nguồn giống ổn định và việc vô khuẩn cực kỳ quan trọng để không bị lây bệnh chồng chéo.

“Rất nhiều mẻ nấm đông trùng hạ thảo làm ra đã phải đem đổ bỏ vì không đạt tiêu chuẩn còn mặt hàng này của Trung Quốc vẫn thống trị thị trường, có giá cao lắm”, ông Đào Huy Cương cho hay.

Không chỉ vậy, nguồn vốn đầu tư đã dần cạn, chưa kể phải đầu tư máy móc, thiết bị để làm đông trùng có giá cũng khá cao và không có loại chuyên biệt cho sản phẩm này. 

Nấm đông trùng hạ thảo nguyên con nhộng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hải Đăng.

Nấm đông trùng hạ thảo nguyên con nhộng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hải Đăng.

Mặt khác, mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo thời điểm này còn rất mới ở Lai Châu nên việc xin phép về chứng nhận an toàn thực phẩm gặp khó khăn. Làm ra sản phẩm rồi cũng khó có thể đưa được ra thị trường. 

Khó khăn chồng chất khó khăn, tuy nhiên, ông trời đã không phụ người có tâm. Năm 2019, giấy tờ pháp lý và về an toàn thực phẩm đã được hoàn thiện, sản phẩm của ông bắt đầu bán ra thị trương, được người tiêu dùng đón nhận. 

“Tôi biết nấm đông trùng hạ thảo rất tốt nên đón đầu xu hướng nhưng khi một người làm thì sẽ có hàng trăm hàng nghìn người làm theo. Cái đó tôi cũng tiên lượng được trước nhưng tôi đã đi trước, đón đầu. Bởi đây là sản phẩm công nghệ cao, bắt tay vào làm cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm nhất định”, ông Cương nói. 

Từ sản xuất trong căn phòng 25m2 đến nay ông Đào Huy Cương đã mở rộng quy mô nhà xưởng nuôi cấy lên đến 4.000m2 với 70 công nhân. Đặc biệt, cơ sở của ông đã chủ động được nguồn giống, tự nhân giống nên giảm chi phí đầu vào. Đây cũng là bước tiên quyết định thành bại sản xuất đông trùng hạ thảo. 

Ông Đào Huy Cương mạnh dạn đầu tư nhiều máy móc hiện đại, dồn lực để sản xuất nấm đông trùng hạ thảo và gặt hái được thành công. Ảnh: Hải Đăng.

Ông Đào Huy Cương mạnh dạn đầu tư nhiều máy móc hiện đại, dồn lực để sản xuất nấm đông trùng hạ thảo và gặt hái được thành công. Ảnh: Hải Đăng.

Ông Đào Huy Cương tiếp tục tìm những giống mới để nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Tại Đà Lạt, ông đã tìm thấy loại đông trùng hạ thảo mới có hàm lượng Cordycepin (phòng chống u xơ, tiền ung thư) và Adenosin (hỗ trợ tim mạch) cao. Ông cũng đang lên kế hoạch đưa nhộng đã cấy nấm về môi trường tự nhiên để nấm phát triển.

“Một số nơi có độ cao, nhiệt độ phù hợp như Ô Quy Hồ (Sa Pa), Sìn Hồ… có thể nấm nuôi cấy nấm đông trùng ở môi trường bán tự nhiên, nghĩa là cấy nấm cho nhộng rồi đưa trở lại dưới những tán rừng cho phát triển. Tại đây, có thể kết hợp làm mô hình du lịch sinh thái nâng cao sức khỏe. Khách du lịch nghỉ dưỡng có thể trải nghiệm tìm kiếm, đào những con đông trùng này để về chế biến món ăn bồi bổ cơ thể”, ông Đào Huy Cương nói.  

Để nuôi trồng được theo mô hình này đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn, kỹ thuật nuôi trồng khắt khe nên giá thành của đông trùng hạ thảo thương phẩm cũng như hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.

Cơ sở của ông Đào Huy Cương hiện có 6 sản phẩm đông trùng hạ thảo đạt OCOP gồm sản phẩm tươi, sấy thăng hoa nguyên đế, sấy thăng hoa nguyên sợi, sản phẩm ký chủ nhộng và dạng ký chủ nhộng khô nguyên con, sản phẩm bột hòa tan.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.