| Hotline: 0983.970.780

Biên giới Cốc Lầy đổi thay nhờ cây trồng hàng hóa

Chủ Nhật 25/07/2021 , 06:00 (GMT+7)

Cuộc sống đồng bào dân tộc ở thôn Cốc Lầy, nơi khó khăn nhất của huyện biên giới Mường Khương (Lào Cai) đang từng ngày đổi thay nhờ các loại cây trồng hàng hóa.

Người dân Cốc Lầy chở chè đi bán. Ảnh: HĐ.

Người dân Cốc Lầy chở chè đi bán. Ảnh: HĐ.

Khấm khá nhờ chuối, chè

Là thôn tái định cư di dân ra khu vực biên giới, đến nay thôn Cốc Lầy được phủ một màu xanh ngặt của chuối, chè… Từ trung tâm xã Lùng Vai, phải mất 30 phút mới tới được thôn biên giới Cốc Lầy.

Ông Sùng Seo Sài, Bí thư Chi bộ thôn Cốc Lầy cho biết, Cốc Lầy được hình thành từ năm 2003 theo chương trình di chuyển, sắp xếp dân cư các xã biên giới của tỉnh Lào Cai. Lúc đầu, thôn chỉ có 12 hộ di chuyển từ xã Pha Long về. Sau 16 năm, đến nay thôn đã có 92 hộ, chủ yếu là đồng bào Mông và Dao.

“Cốc Lầy được mệnh danh là nơi “thâm sơn, cùng cốc” bởi đường xá đi lại khó khăn, chủ yếu đi đường rừng núi, cheo leo. Song sống ở đây mới thấy đất đai Cốc Lầy màu mỡ. Tuy nhiên, khi mới về, theo thói quen, người dân chỉ trồng cây lúa, cây ngô, vất vả lắm nhưng chỉ đủ ăn, chưa kể năm nào thiên tai, mất màu chắc chắn đói”, ông Sài nói.

Không cam chịu số phận, bí thư, trưởng thôn và một số hộ gia đình cùng ngồi lại bàn bạc để đưa cây chuối nuôi cấy mô, cây chè về trồng. Cả 2 loại cây này nhờ hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển rất tốt, mang lại nguồn thu cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và ngô.

Mỗi năm, gia đình ông Sài thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ tiền bán chè búp tươi và chuối. Thấy được sự thành công của những người uy tín trong thôn, người dân bắt đầu làm theo, mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất rồng ngô, lúa sang trồng chè và chuối.

Tại Cốc Lầy, hiện nay hộ ít cũng có vài nghìn gốc chuối, có đến 3/4 hộ trong thôn trồng chè. Cả thôn mỗi năm thu nhập từ bán chuối và chè lên tới cả chục tỷ đồng từ tiền bán chuối và chè. Cốc Lầy từ một thôn toàn hộ nghèo đến nay số hộ nghèo chỉ đếm trên đầu ngón tay là các gia đình neo đơn, không có lao động, người già yếu tàn tật…

Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, mở đường giao thôn liên thôn nhiều hộ dân trong thôn tình nguyện hiến đất để mở đường. Trong khi, mỗi mét đất cũng trồng được một vài gốc chuối, do đó thời gian đầu vận động bà con hiến đất cũng gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, thấy được việc mở đường, nâng cấp đường giao thông giúp cho việc buôn bán hàng hoá thuận tiện thì bà con ai cũng đồng lòng.

Ông Sài cho biết, nhà nước đầu tư có hạn mà ai cũng đòi đền bù không biết đến khi nào đường mới làm xong. Khi tôi hiến đất và giải thích cho bà con vì sao không cần đền bù nhiều hộ hiểu ra và làm theo.

Hộ ông Sùng Seo Pao ở Cốc Lầy lúc đầu cũng không đồng ý, thế nhưng khi cấp ủy, chính quyền thôn tuyên truyền vận động sau đó cũng đã tình nguyện hiến đất với chiều dài hơn 200 mét đường đi qua nương chuối của gia đình… Giờ đây, Cốc Lầy đường xá không còn lầy lội sau mỗi trận mưa, xe tải có thể vào tận thôn chở chuối, chè nên ai nấy đều phấn khởi.

Chuối cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con dân tộc thiểu số ở Cốc Lầy. Ảnh: PH,

Chuối cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con dân tộc thiểu số ở Cốc Lầy. Ảnh: PH,

Phát huy thế mạnh nông nghiệp

Cốc Lầy có 3 khu dân cư cách nhau cả chục cây số, tuy nhiên tình hình an ninh trật tự thôn bản ở đây luôn là điểm sáng của xã Lùng Vai. Cả thôn không có trường hợp nào rời địa phương đi làm ăn xa, làm thuê ở Trung Quốc.

Ở khu vực biên giới đây là điều hiếm thấy, thiếu tá Phạm Thiện Hãnh, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Bản Lầu cho biết, Cốc Lầy là thôn tiêu biểu trong phong trào bảo vệ an ninh trật tự, người dân yên tâm sản xuất làm giàu trên chính mảnh đất quê hương… Có được những kết quả này, vai trò cấp uỷ, chính quyền địa phương là rất lớn, đặc biệt những người có uy tín trong thôn, người dân địa phương phối hợp chặt chẽ với biên phòng trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về an ninh biên giới.

Giờ đây, ở Cốc Lầy những ngôi nhà xây mới, kiên cố ngày càng nhiều. Mỗi gia đình, nếp ăn ở, sinh hoạt cũng đang thay đổi, gọn gàng, sạch sẽ trong nhà, ngoài sân và đường thôn, bản. Giao thông đã và đang được đầu tư nâng cấp tạo thuận lợi cho đồng bào các dân tộc yên tâm bám đất, bám bản phát triển kinh tế gia đình…

Đặc biệt, tuyến quốc lộ 4D đi Cốc Lầy - Pồ Ngảng hoàn thành việc nâng cấp với chiều dài 11,5km đã được láng nhựa. Công trình góp phần đảm bảo an toàn giao thông, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, lưu thông hàng hoá với các vùng lân cận dễ dàng hơn. Mặt khác, đây cũng là bước ngoặt để thúc đẩy phát triển sản xuất của địa phương khi có đường giao thông lớn, thuận tiện.

Từ việc các thôn, bản có nhiều thay đổi tích cực, xã Lùng Vai của huyện Mường Khương từ một xã khó khăn nay đã về đích nông thôn mới và hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Khương cho biết, ngoài việc phải hoàn thiện tiêu chí giao thông, môi trường, một trong những tiêu chí của nông thôn mới nâng cao đang được Lùng Vai tích cực triển khai đó là dựa vào thế mạnh sẵn có của địa phương trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Ngoài ra, liên kết với các trung tâm dạy nghề để mở các lớp hướng dẫn cho bà con nhân dân giúp người dân tìm được việc làm, học tập các kỹ thuật mới chăm sóc từng loại cây trồng trên địa bàn, đặc biệt là cây trồng chủ lực.

Đối với cây chè, thôn Cốc Lầy nói riêng xã Lùng Vai nói chung có tổng diện tích chè trồng rất lớn, trong đó trồng mới lên đến 150ha, nâng tổng diện tích chè toàn xã lên 840ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 8.400 tấn, giá trị đạt gần 50 tỷ đồng.

Nhằm đảm bảo năng suất cũng như chất lượng của cây chè, Phòng NN-PTNT huyện đã định hướng, vận động người dân, cải tạo diện tích chè thoái hóa, chè già cỗi, mở rộng diện tích trồng mới, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Đến nay Lùng Vai đã bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu chè tập trung, chất lượng cao tại địa phương với các giống chủ lực như chè Kim Tuyên, chè Shan Tuyết, Ô Long…

Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp các hộ đồng bào có thu nhập cả chục triệu đồng mỗi lứa. Tại thời điểm này, các doanh nghiệp cũng đã đưa ra giá thu mua trung bình 7 nghìn đồng/kg tùy vào tiêu chuẩn chè búp mà nông dân thu hái. Những diện tích chè được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP còn giúp vùng chè Lùng Vai tăng năng suất chè từ 10 - 15% và được quy bằng tiền là từ 4 - 5 triệu đồng/ha.

Do đó, việc đầu tư chăm sóc để có nhiều lần thu hái, ổn định giá thu mua chè búp, tăng cường quản lý sâu bệnh hại là những điều kiện để giúp người dân nơi đây nâng cao thu nhập từ việc trồng chè. Cây chè là một trong những cây trồng mũi nhọn không chỉ của xã mà của huyện, giúp địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp và mang lại thu nhập chính cho người dân. 

Trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp huyện Mường Khương, giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn tới 2030 xác định 5 cây trồng chủ lực theo thứ tự ưu tiên, cây chè là số 1, sau đó đến dứa, quýt, lúa Séng Cù và cây ớt...

    Tags:
Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.