| Hotline: 0983.970.780

Biên giới phía Bắc năm 1979: Chuyến tàu đêm năm ấy

Thứ Sáu 18/02/2022 , 06:32 (GMT+7)

Hồi đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi trên biên giới phía Bắc quân Trung Quốc đã rút về bên kia, nhưng tình hình vẫn còn căng thẳng...

Tác giả (thứ 2 từ trái sang) cùng tốp bạn hạ sĩ quan đại đội quân y trên Đồng Mỏ (Chi Lăng, Lạng Sơn). Ảnh: TL.

Tác giả (thứ 2 từ trái sang) cùng tốp bạn hạ sĩ quan đại đội quân y trên Đồng Mỏ (Chi Lăng, Lạng Sơn). Ảnh: TL.

Đơn vị tôi đang đóng quân ở vùng Tân Yên, Yên Thế thuộc tỉnh Bắc Giang được lệnh lên Lạng Sơn lập tuyến phòng ngự, chuẩn bị cho những tình huống có thể xảy ra. Thế là trung đoàn tôi tổ chức một đội tiền trạm đi trinh sát, chuẩn bị địa điểm cho cả đơn vị chuyển quân lên. Dẫn đầu là phó Trung đoàn trưởng, tham mưu trưởng và một tốp khá đông các sĩ quan trợ lý tham mưu, tác chiến, hậu cần… Tôi là lính quân y được điều đi theo đoàn tiền trạm để đảm bảo sức khỏe và cũng là tìm luôn chỗ đóng quân của Bệnh xá trung đoàn.

Đoàn tiền trạm mang theo đầy đủ lương thực, thực phẩm, đồ nấu nướng, lều võng để sẵn sàng ngủ lại rừng luôn. Dĩ nhiên là súng đạn đầy đủ. Cả đoàn lên chiếc xe Gaz 66, hàng Liên Xô viện trợ mới cóng do Thuận Thổ cầm lái thẳng tiến theo quốc lộ 1 hướng lên Lạng Sơn. Trưởng và phó đoàn được ngồi cabin còn các sĩ quan trợ lý, nuôi quân hậu cần dồn hết xuống ngồi thùng xe cùng lỉnh kỉnh đồ ăn thức đựng. Nhưng không ai kêu ca gì. Thậm chí tay nào cúng tỏ ra khoái trá, háo hức nữa kia. Bởi đời bộ đội - như chúng tôi thường nói vui nhau thế nào là bộ đội, là một đội đi bộ, gọi tắt là bộ đội, đời bộ đội hành quân bộ ngày vài chục cây số là chuyện thường - nên nay được ngồi xe tải phi ầm ầm trên đường khoái trá quá còn gì.

Xe đoàn tôi đến thị trấn Đồng Mỏ (Chi Lăng, Lạng Sơn) thì dừng lại. Hết vùng an toàn. Vả lại phía trên nữa, khi ấy đường rất xấu, chỉ có thể đi bộ.

Lúc bấy giờ dân thị trấn Đồng Mỏ đi sơ tán về xuôi năm 1979 đã trở lại. Chợ búa phố xá đã khá sầm uất bởi thị trấn này trong cuộc chiến vừa qua không trở thành chiến trường. Đối phương cũng chỉ tiến quân đến gần ga Đồng Bành phía trên một chút là rút lui.

Đơn vị tôi cùng nhiều đơn vị khác được trên giao lập tuyến phòng ngự ở sâu các dãy núi hai bên thung lũng Chi Lăng lịch sử, để sẵn sàng cho một chiến lược nào đó. Điều này thì ở trong đầu các vị chỉ huy quân sự nước nhà khi ấy, lính tráng chúng tôi không được biết. Lính tráng cấp dưới chỉ biết có lệnh thì đi, chuyển quân thì chuyển, đóng chốt thì đóng. Thế thôi!

Từ Đồng Mỏ ngược lên, đoàn chúng tôi đi bộ lên phía bắc rồi dò trên bản đồ rẽ ngang, vượt qua một dãy núi cao chất ngất, đi sâu vào các làng bản, thung lũng tìm chỗ ém quân như lệnh trên ban.

Khi ấy đang là mùa xuân, các làng bản phía sau các dãy núi cao hầu như không bị hề hấn gì trong cuộc chiến nên đời sống có vẻ khá thanh bình. Những vườn đào, đồi mận đang trổ lá non mơn mởn, thỉnh thoảng sót lại vài bông hoa nở muộn đẹp đến nao lòng chen cùng đám quả non vừa kết xanh mơ. Rừng vừa thay lá, nước suối trong veo chảy róc rách trên những tảng đá nằm ngồi ngổn ngang, giữa la đà hoa lá hai bên bờ… Cảnh đẹp đến nỗi chúng tôi không nghĩ rằng chỉ cách đấy không lâu có một cuộc chiến ác liệt vừa diễn ra.

Dân vùng đó rất thân thiện với bộ đội, nên mỗi khi đoàn ghé vào một nhà nào đó trong bản để nhờ bếp nấu cơm nước nghỉ ngơi đều được giúp đỡ nhiệt tình. Được cho thêm rất nhiều đồ ăn vốn khá phong phú của đồng bào nơi đây. Vừa cắm trại vừa đi khảo sát các ngọn núi cao trong vùng độ hơn chục ngày, đoàn tiền trạm trung đoàn tôi cũng thiêt lập được bản đồ đóng quân cho cả đơn vị. Ban chỉ huy trung đoàn ở đâu, các tiểu đoàn chỗ nào, các đại đội trực thuộc phối hợp đóng chỗ nào cho tiện cơ động ứng cứu, được đánh dấu tọa độ trên bản đồ.

Kết thúc công việc, một buổi sáng cả đoàn nhổ trại vượt núi ra ngoài thung lũng Chi Lăng để trở về Đồng Mỏ nơi Thuận Thổ và cái xe Gaz 66 đợi sẵn về xuôi. Đường từ nơi đơn vị dự định đóng quân về đến Đồng Mỏ khoảng hơn ba mươi cây số đường rừng, trèo đèo lội suối theo lối mòn. Bọn tôi từ Trung đoàn phó tham mưu trưởng vốn là lính chiến hồi đánh Mỹ cho đến đám sĩ quan trẻ, hạ sĩ quan nghĩa vụ đều ba lô trên vai, cuốc bộ như nhau nhằm phía Đồng Mỏ mà leo núi. Thì đã nói, bộ đội là đội đi bộ mà lại!

Thế nhưng buổi trèo núi xuyên rừng vượt đèo hôm ấy không chỉ có đoàn bộ đội chúng tôi. Mà có rất nhiều các nam thanh nữ tú của làng bản quanh vùng, trên các ngọn núi, thung sâu cũng đổ ra con đường mòn dẫn về thị trấn Đồng Mỏ. Họ đi chợ phiên.

Những ai đã từng ở miền núi mới biết, chợ phiên trên đó không chỉ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa, mà chợ phiên miền núi còn là một nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu tình cảm của cư dân một vùng rộng lớn. Thường thì dân cả vùng đổ về chợ phiên từ tối hôm trước, để hôm sau họ mua bán và “chơi chợ”. Đến chiều chợ tan mới trở lại làng bản của mình.

Chợ Đồng Mỏ là một cái chợ to của cả vùng Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình nên đến phiên chợ người đổ về rất đông. Đàn ông đàn bà gánh gồng, vác địu lâm thổ sản ra bán. Nhưng rất đông thanh niên nam nữ đi theo hầu như không mang gì. Thường chỉ có một cái tay nải nhẹ nhõm khoác bên người. Hỏi, thì họ nói là đi chơi chợ, hát lượn thôi mà…

Tác giả (bên trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng ca sĩ Trần Tựa ngày ra quân, chụp dưới lòng một con suối ở vùng núi phía Bắc. Ảnh: TL.

Tác giả (bên trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng ca sĩ Trần Tựa ngày ra quân, chụp dưới lòng một con suối ở vùng núi phía Bắc. Ảnh: TL.

Mãi sau này tôi mới biết đó là điệu hát Sli, hát Soong hao của người Nùng cư trú ở cả vùng rừng núi phía Bắc. Nhưng lúc đó, xem những tốp nam nữ người Nùng vừa đi vừa hát đối đáp nhau, tuy chẳng hiểu gì nhưng thấy hấp dẫn vô cùng. Vả lại các cô gái dân tộc vùng này đều có nước da trắng hồng, đôi mắt đen láy, cặp môi đỏ như bông bích đào khiến tôi mê mẩn la cà vào đám đông tò mò hỏi thăm họ xem lời hát là những gì. Mấy thanh niên thạo tiếng Kinh bèn giảng giải vài điều cho tôi biết, rằng đây là hát giao duyên nam nữ, để tìm hiểu nhau qua lời đối đáp, ưng mắt nhau thì tách bọn vào rừng hát riêng, tìm hiểu rồi nên đôi lứa.

Họ còn cho biết, màn hát ban ngày chỉ là mở đầu. Màn hát buổi tối ban đêm ở ven rừng ven suối và nhất là ngoài Đồng Mỏ, dọc theo đường tàu, trên tàu từ ga Đồng Mỏ đến ga Sông Hóa mới vui kia. Tôi nghe mê quá, nhân lúc ngồi nghỉ giải lao, bèn đến gần thủ trưởng gạ gẫm, xin cho ở lại một đêm trên Đồng Mỏ để đi tàu đêm xuôi xuống ga Sông Hóa nghe hát lượn xem sao.

Thủ trưởng tôi vốn là chỗ khá thân thiết vì may làm sao ông ấy mê bóng đá mà tôi lại đá bóng khá, cầu thủ của đội tuyển trung đoàn nên được ông quý. Có lúc hơi chiều nữa kia. Bởi dù sao tôi còn là lính chuyên môn quân y. Nên ông ấy nhìn tôi nhấm nháy mắt ra chiều thông cảm rồi đồng ý cho đi tàu về xuôi sau chứ không phải nhồi vào thùng xe tải nữa.

Khi ấy tàu Hà Nội - Lạng Sơn đã chạy lại, nhưng chỉ đến ga Đồng Mỏ là dừng, quay đầu. Bởi thế thị trấn Đồng Mỏ như một điểm tập kết của dân và lính. Lính trên chốt xuống đi phép, lính dưới xuôi trả phép cũng xuống đây rồi đi bộ ngược tiếp lên đường biên. Dân quanh vùng đổ xuống bán lâm thổ sản, người dưới xuôi lên buôn hàng theo tàu chợ. Đến phiên chợ càng đông vui lắm.

Phố chợ chỗ nào cũng đông nghẹt những người. Từng tốp thanh niên nam nữ người dân tộc Nùng áo chàm đen không đợi chợ phiên kết thúc, chỉ đến nửa buổi đã dập dìu ven suối, bên rừng hát lượn.

Tôi cứ lang thang, miên man khắp nơi. Tuy tai nghe chẳng hiểu gì mấy, và cũng chẳng hát được câu nào, nhưng mắt nhìn mà thích. Thì tuổi trẻ đâu có cần phải nói gì nhiều đâu, chỉ ánh mắt trẻ trung nhìn nhau một giây thôi, đã khiến trai trẻ xôn xao trong lòng, gái trẻ bừng lửa đôi má…

Tôi lang thang ở thị trấn Đồng Mỏ cả một ngày, quyết đợi chuyến tàu xuôi lúc tám giờ tối để chứng kiến màn hát lượn thần bí trên tàu nghe nói còn hay hơn cả hát quan họ ở vùng quê tôi.

Quả thật không phí công đợi chờ.

Những tốp thanh niên nam nữ người dân tộc Nùng chia hai bên bậc lên xuống của cửa toa, hát đối đáp cùng nhau. Mặc kệ tiếng tàu chạy cà xịch cà xịch. Họ cứ đứng níu tay vịn toa mà hát. Khi ấy tàu hỏa nước mình chạy chậm lắm. Tôi đồ chỉ khoảng 30 cây số một giờ, bởi nhiều khi tàu đang chạy, lính tráng bọn tôi còn đuổi theo nhảy phắt lên tàu là thường.

Tôi hòa vào đám đông thanh niên nam nữ ấy. Miên man trong âm thanh trầm bổng réo rắt của điệu hát. Trong tiếng rúc rích giao duyên của gái trai. Mê đi trong không khí của mùa xuân lành lạnh mà vẫn hừng hực huê tình. Những ánh mắt rừng rực lửa của trai gái trong đêm như những vì sao long lanh quyến rũ, những cái nắm tay kéo áo dạn dĩ…

Tàu chạy đến ga Sông Hóa, từng đôi trai gái hình như đã kịp bén duyên nhau tuột xuống hết ven rừng cạnh đường tàu hát tiếp. Và làm gì đó trong đêm xuân. Họ hát và đợi chuyến tàu ngược từ Hà Nội lên về lại ga Đồng Mỏ. Và lại hát thông đêm trên tàu, trên rừng, ven núi.

Tôi theo tàu về xuôi mà trong lòng lâng lâng tiếc nuối. Cuộc sống thật diệu kỳ, bởi chỉ cách đấy chưa lâu, mùa xuân năm trước không khí chiến tranh còn xao xác khắp núi rừng. Thế nhưng rất nhanh chóng năm sau khi mùa xuân đến những màn hát Soong hao, Sli, lượn lại vang lên khắp núi rừng, trên cả cung đường sắt. Dường như cuộc chiến chết chóc đã bị hơi thở của cuộc sống đẩy lùi. Núi rừng đất đai đã hồi sinh diệu kỳ đầy đủ các cung bậc của nó…

Đến nay đã mấy chục năm qua kể từ những ngày tôi là một tay lính trẻ lang thang trên các ngọn núi vùng biên viễn phía Bắc. Tôi hầu như đã quên những gian khổ phải chịu đựng thời đó. Mà mỗi khi nhớ lại, trong tôi lại thấy giọng hát lượn ngân nga da diết đa tình, và ánh mắt long lanh của các nàng thiếu nữ trên chuyến tàu đêm thủa ấy.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.