| Hotline: 0983.970.780

Biên giới phía Bắc năm 1979: Những ký ức không thể nào quên

Thứ Năm 17/02/2022 , 05:12 (GMT+7)

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979 đã lùi xa 43 năm, nhưng ký ức về sự ác liệt của cuộc chiến tranh đối với nhiều người không thể mờ phai…

Xe tăng Trung Quốc vượt sông sang đánh chiếm Lào Cai. Ảnh: FB Phạm Ngọc Triển.

Xe tăng Trung Quốc vượt sông sang đánh chiếm Lào Cai. Ảnh: FB Phạm Ngọc Triển.

Cách nay 43 năm trước, khi ấy tôi đang dạy học ở xã Nậm Sỏ, huyện Than Uyên, tỉnh Nghĩa Lộ cách biên giới chỗ giáp tỉnh Lai Châu theo đường chim bay chừng 70- 80 km.

Những ngày trước cuộc chiến tranh biên giới có điều gì rất lạ thường, điểm trường dạy học của tôi là bản Nà Ngò cách trụ sở UBND xã chừng 7km, cách huyện chừng 60 cây số đường rừng. Trước đó vài ngày cấp trên cho phép người dân vào rừng làm lán để sơ tán thóc lúa và đàn gia súc. Nhìn những mặt người dân vô cùng lo lắng, nhiều người hỏi tôi: Thầy giáo ơi, Trung Quốc sắp đánh Việt Nam à?

Tôi không biết trả lời họ thế nào, bởi vì lúc đó cả bản chỉ có một cái đài, hình như của gia đình ông Lò Văn Puồn, pin bán phân phối nên chẳng mấy khi gia đình mở đài. Sợi dây nối thông tin với bên ngoài là tờ báo Nhân Dân và Quân đội nhân dân, nhưng báo ra cả tuần mới đến được trụ sở UBND xã. Tôi trả lời để trấn an bà con: Chắc là không đâu, Việt Nam đã đánh thắng Mỹ thì ai dám đánh nhau với Việt Nam nữa?

Hàng ngày tôi vẫn lên lớp, bọn trẻ lác đác đến trường, cán bộ cắm điểm ở các xã được gọi về huyện nghe phổ biến tình hình mới. Cơ sở chỉ còn mấy ông giáo cắm bản nên chưa biết điều gì sắp xảy ra, nên mỗi sớm tôi vẫn chống gậy đến các gia đình gọi học sinh lên lớp. Bản vắng teo, mọi người đã lên rừng lên nương gần hết.

5 giờ sáng ngày 17/2 tôi chưa kịp dậy đã nghe tiếng pháo nổ rầm trời rung chuyển cả mặt đất phía Lai Châu, mới đầu tưởng sấm, nhưng mùa khô làm gì đã có mưa mà sấm. Đúng là Trung Quốc đánh Việt Nam rồi. Tôi vùng dậy đến nhà ông trưởng bản thì ông ấy đi nương từ mấy ngày nay chưa về. Bà con hỏi tôi: Trung Quốc đánh Việt Nam rồi à? Tôi gật đầu bảo: Chắc vậy…

Lính Trung Quốc đánh lên cây số 23 Sa Pa. Ảnh: FB Phạm Ngọc Triển. 

Lính Trung Quốc đánh lên cây số 23 Sa Pa. Ảnh: FB Phạm Ngọc Triển

Đến trưa 17/2 tôi xuống nhà ông Puồn nghe Đài tiếng nói Việt Nam, bản tin 12 giờ trưa thông báo Trung Quốc đã xua 60 vạn quân đánh chiếm 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã chính thức đánh Việt Nam, tin ấy được loan báo cho toàn thể dân bản biết để sơ tán thóc lúa, lợn gà lên rừng.

Tối hôm đó tôi lại xuống nhà ông Puồn, Đài tiếng nói Việt Nam đọc đi đọc lại bài xã luận của báo Nhân dân đăng ngày 18/2 nói về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, từ Bá quyền Bắc Kinh, nhà đương cục Trung Quốc được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đêm ấy tôi cứ thao thức không ngủ nổi, lửa đốt nương cháy rừng rực trên núi càng thêm sốt ruột.

Chúng tôi chưa được lệnh nghỉ dạy học, nên vẫn phải lên lớp, mỗi lớp chỉ có 5 - 7 đứa học sinh, học được vài tiết tôi cho chúng nghỉ. Pháo bắn từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều, một cuộc chiến tranh vô cùng khó hiểu.

Vẫn chưa có lệnh nên chúng tôi vẫn phải bám lớp dù chỉ vài ba học sinh, đúng một tuần sau chúng tôi nhận được thông báo cho giáo viên và học sinh nghỉ học để học sinh sơ tán lên rừng. Ngay hôm ấy tôi khoác ba lô cuốc bộ 40 cây số tối đêm mới về đến nhà thì hay tin mẹ tôi và các cháu con ông anh trai đã sơ tán xuống huyện Than Uyên.

Quốc lộ 32 từng đoàn người sơ tán từ Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai), Tam Đường, Phong Thổ (Lai Châu) lũ lượt kéo nhau đi suốt đêm ngày. Mẹ tôi để lại cho tôi chừng hai yến gạo đựng trong cái chum sành, con chó khoang và con mèo mướp thấy chủ về thì mừng quýnh lên, cứ lăn vào chân tôi vẫy đuôi rối rít. Tôi thổi cơm cho mình và cho chúng ăn. Đến khuya thì có 3 - 4 người ở UBND hay Huyện ủy huyện Bát Xát vào nhà tôi nghỉ nhờ, họ nói cuộc chiến tranh ác liệt lắm, họ không thể ra Lào Cai để xuôi Hà Nội mà đi tắt đường Bản Khoang, rồi sang Sa Pa đi về phía Than Uyên.

Huyện lỵ huyện Bát Xát trước đây ở Bản Vược, sau đó chuyển vào Mường Vi, khi cuộc chiến tranh biên giới bùng nổ, huyện nằm lọt thỏm trong thung lũng dưới tầm bắn của pháo giặc. Lúc đó chỉ có lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội chưa kịp đến, với chiến thuật "biển người" của Trung Quốc, dân quân tự vệ chỉ chiến đấu được vài giờ thì hết đạn phải rút lui, nhân dân và cán bộ được lệnh rút về tuyến sau. Đường ra Lào Cai bị chặn ở cầu sập, mọi người cắt đường Bản Khoang sang Sa Pa rồi xuôi về Than Uyên, sang nghĩa Lộ rồi ra Yên Bái, khi đó mới có tàu xuôi Hà Nội, con đường sơ tán gần 400km toàn đường rừng núi.

Ngôi nhà của gia đình tôi nhiều người chạy giặc đến ngủ nhờ. Ảnh: Trần Đức Lâm.

Ngôi nhà của gia đình tôi nhiều người chạy giặc đến ngủ nhờ. Ảnh: Trần Đức Lâm.

Hàng ngàn người sơ tán đi suốt ngày đêm, gánh gánh gồng gồng, nhiều người không kịp mang thứ gì ngoài bộ quần áo trên người, có người không kịp xỏ dép, họ phải quấn giẻ vào chân để đi cho đỡ đau. Đi khi nào mệt thì nghỉ đấy, họ ngủ ngay bên vệ đường, không chăn màn, phải đốt lửa sưởi cho qua đêm rồi nhổ sắn trên nương nướng ăn cho đỡ đói. Nhà tôi và những nhà gần đường tối nào cũng có người đến xin ngủ nhờ và xin ăn, gạo hết tôi phải ra vườn nhổ sắn luộc cho họ ăn. Cả vườn sắn nhổ sạch trong khoảng mười ngày, tôi phải sang hàng xóm xin sắn để giúp bà con chạy giặc, ai cũng vui vẻ, nhà nào có gì thì mang đến cho họ ăn. Khổ quá, người nào cũng như ma đói ma khát, thân hình tiều tụy, tội nhất là lũ trẻ con, chúng đi mệt quá cứ lăn ra đường bố mẹ phải dìu chúng mới chịu đi.

Bên kia suối Nậm Be là doanh trại của Trung đoàn 148, sau khi chiến sự xảy ra họ đã di chuyển quân lên biên giới gần hết, chỉ còn vài người ở lại giữ doanh trại. Những đoàn xe quân sự chở quân và khí tài chạy suốt đêm ngày lên biên giới, cứ nghe tiếng pháo mỗi ngày một gần đủ thấy quân Trung Quốc đang đánh lên đèo Ô Quy Hồ.

Tôi đào một cái hầm dưới gốc cây táo để giấu quần áo và chăn màn, nếu quân Trung Quốc tràn qua đỉnh đèo Ô Quy Hồ thì khi đó mới xuống Than Uyên đưa mẹ và các cháu đi tiếp khi có lệnh.

Tác giả thắp hương cho những liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến biên giới tháng 2/1979 tại nghĩa trang Duyên Hải (Lào Cai). Ảnh: Quốc Hồng.

Tác giả thắp hương cho những liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến biên giới tháng 2/1979 tại nghĩa trang Duyên Hải (Lào Cai). Ảnh: Quốc Hồng.

Lệnh trên chưa cho chúng tôi rút, nếu Trung Quốc kéo dài cuộc chiến tranh thì chúng tôi phải ra mặt trận. Hưởng ứng Lệnh Tổng động viên tôi đã viết nhiều lá đơn xin ra mặt trận, nhưng lúc đó tình hình đang rối beng nên chẳng ai thèm để ý những lá đơn của tôi. Các giáo viên xã Mường Khoa tối nào cũng xuống nhà tôi để bàn về chiến sự, họ đều ở tuổi 24- 25, nên người nào cũng sẵn sàng ra mặt trận bất cứ lúc nào khi có lệnh.

Đúng 1 tháng sau thì Trung Quốc tuyên bố rút quân sau khi đã "dạy cho Việt Nam một bài học".

Thật nực cười, sau một tháng Trung Quốc mới tiến được chừng 30 - 40km, nhưng đã bị quân và dân Việt Nam đánh trả quyết liệt buộc chúng phải rút quân.

Nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết chiến đấu trên chốt Tả Ngải Chồ (Mường Khương) tháng 2/1979. Ảnh: Phạm Văn Mạc.

Nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết chiến đấu trên chốt Tả Ngải Chồ (Mường Khương) tháng 2/1979. Ảnh: Phạm Văn Mạc.

Năm 2019 tôi đã viết phóng sự: "Những nhà văn cầm súng lên chốt năm 1979", trong đó có nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết đã hy sinh ở chốt Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. 

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dự án hơn 200 tỷ đồng bị hư hỏng phần kè do thi công ẩu

Hạng mục công trình kè biển chắn sóng chạy dọc đường ven biển huyện Hoằng Hóa chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân do chất lượng công trình không đảm bảo.